Trúc đào trồng ở nhiều nơi
Trên địa bàn Hà Nội, cây trúc đào được trồng ở nhiều nơi, tuy nhiên, nhiều người được hỏi đều rất mơ hồ về loài cây này. Chủ quán nước ở hồ Ba Mẫu, cho biết: “Cây trúc đào trồng nhiều ở dọc đường tàu. Tôi nghe nói nó rất độc nhưng không biết cụ thể nó độc ở hoa, lá, hay nhựa”.
Dọc bờ tường Công viên Thống Nhất, phía đường Lê Duẩn cũng có nhiều cây trúc đào. Tại một số tuyến đường, phố ở Hà Nội, cây trúc đào được trồng khá phổ biến như trên dải phân cách đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, Kim Mã, Hoàng Diệu, Lê Đức Thọ. Khu vực gần sân vận động Mỹ Đình. Tại 4 tòa nhà thuộc Ban Quản lý nhà Vicome (Hà Nội), cây trúc đào được trồng ngay cạnh hầm gửi xe, cạnh sảnh cửa ra vào và dọc hai bên đường.
Bà Nguyễn Thanh Hải - Phó ban Quản lý tòa nhà Vincome cho biết: “Từ khi chúng tôi tiếp nhận quản lý Tòa nhà đã thấy cây trúc đào ở đây. Cây trúc đào được trồng bởi hoa đẹp, dễ sống. Nếu các hộ dân ở đây yêu cầu nhổ bỏ cây này thì chúng tôi sẵn sàng thay thế bằng cây hoa khác. Hiện nay, chúng tôi chưa nhận được ý kiến của các hộ dân”.
Có lẽ là chưa có trường hợp nào bị ngộ độc hoặc tử vong vì cây trúc đào nên nhiều người chưa thấy được sự nguy hiểm của nó. Chưa có sách hay bài viết cụ thể nói về tác dụng và tác hại của trúc đào”.
Không chỉ ở Hà Nội, một số địa phương khác cũng trồng cây trúc đào. Tại km 19, quốc lộ 32 (thuộc địa phận Vĩnh Phúc), người ta đã trồng cây này ở dải phân cách. Nhiều vùng quê cũng trồng cây trúc đào.
Độc tính cao
Lương y Huyên Thảo cho biết, theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS Đỗ Tất Lợi: “Độc tính của lá trúc đào đã được biết từ lâu. Tại châu Âu, người ta kể những trường hợp lính vùng đảo Corse (Pháp) đã bị ngộ độc chết do ăn chả dùng cành cây trúc đào xiên vào thịt nướng.
Có những người bị ngộ độc nặng do uống nước đựng trong chai nút bằng thân cây trúc đào, hay do uống nước suối rễ cây trúc đào mọc ở gần. Có nước còn đã dùng bột vỏ thân và bột gỗ trúc đào để đánh chuột”.
Cũng theo lương y Huyên Thảo, thực tế cho thấy, trúc đào là loại cây “kịch độc” (độc tính cực mạnh). Tất cả các bộ phận của cây và nhựa trắng đều có chất độc. Vỏ, lá tươi có độ độc mạnh hơn khi đã phơi khô; Hoa có độ độc nhẹ hơn. Khi cần sử dụng để chữa bệnh, cần có hướng dẫn của thầy thuốc. Phụ nữ có thai cấm sử dụng.
Cũng theo lương y Huyên Thảo, người bị ngộ độc do trúc đào, có thể có một số triệu chứng như buồn nôn và nôn mửa, tiết nhiều nước bọt, đau bụng, tiêu chảy có máu. Loạn nhịp tim, đờ đẫn, chân tay run rẩy hôn mê và có thể dẫn tới tử vong. Nhựa trúc đào dính vào da còn gây viêm tấy và bỏng rát, sưng đỏ, dính vào mắt sẽ gây loét giác mạc...
Nhiều người đã đưa ra kiến nghị: Không nên sử dụng trúc đào để làm cây cảnh ở nhà và nhà trẻ. Cần thận trọng khi đưa trẻ vào công viên có trồng cây trúc đào: Tránh để trẻ hái lá hay hoa hoặc bẻ cành để chơi.