“Giữa Thủ đô mà như ở vùng rốn lũ, đi xếp hàng xin bao cát thôi; Khu ta lại chuẩn bị bơi thuyền, chèo xuồng trên phố thôi; Các bao cát Ban quản lý để ở ngoài mặt đường gom, nhà bác nào có nhu cầu để chắn nước vào nhà thì qua đó lấy dùng ạ; Mang tiếng ở nhà phố, nhà biệt thự nhìn thông báo mà nản quá cả nhà ơi; Thời tiết không có lỗi...”.
Đấy là những dòng trao đổi, tâm sự trên các trang diễn đàn của cư dân "làng" nhà phố liền kề, nhà biệt thự triệu đô ở khu đô thị mới (KĐT) Lê Trọng Tấn – Geleximco (Hà Nội), khi nhận được thông báo “hỏa tốc” của Ban quản lý để ứng phó ngập lụt do ảnh hưởng của cơn bão số 4 đang diễn ra.
Theo thông báo "hỏa tốc" mà cư dân ở KĐT mới Lê Trọng Tấn – Geleximco vừa nhận được từ Ban quản lý KĐT này thì theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của bão số 4, cảnh báo mưa lớn từ đêm 15/8 đến ngày 17/8 ở các tỉnh Bắc Bộ và Hà Nội sẽ có mưa to đến rất to (lượng mưa 250-350mm/đợt); nguy cơ xảy ra ngập úng.Không chỉ lo chuyện ngập úng, người dân KĐT mới Lê Trọng Tấn – Geleximco còn gặp phải nỗi lo mất trộm, mất cắp trong KĐT. "Với quy mô dân số hơn 20 nghìn người, nhưng KĐT mới Lê Trọng Tấn – Geleximco vẫn rất hoang vắng do người dân về ở chưa đông. Chính vì vậy nơi đây biến thành "điểm đen" về an ninh trật tự khi thường xuyên xảy ra tình trạng mất trộm, mất cắp. ", Anh D., cư dân sống tại khu A đô thị Lê Trọng Tấn – Geleximco nói.
Ngoài ra, cư dân tại Khu A đô thị Lê Trọng Tấn – Geleximco còn bức xúc khi giá điện nước thu cao không đúng quy định: “Giữa Thủ đô mang tiếng sống ở biệt thự, nhà phố tiền tỷ mà lúc nào cũng mang nỗi lo ngập úng sau mỗi trận mưa lớn. Nhiều người về đây sinh sống thấy ngập lụt cũng thành quen, rồi cứ vừa nói vui thành nói thật, có khi cư dân của khu này phải thành lập ban chỉ huy phòng chống lụt bão mất cho khu thôi. Dự định lập ban này để hỗ trợ, giúp đỡ, hỏi thăm nhau khi xảy ra ngập lụt”, anh T. cư dân ở khu A đô thị Lê Trọng Tấn – Geleximco than phiền.
Trước đó, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hoàng Trường-Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho rằng, có một số nguyên nhân chính khiến cho khu vực trên cứ mưa lớn là ngập. Đầu tiên là do quy hoạch hạ tầng thoát nước của khu vực này không đồng bộ, nhiều hạng mục về hạ tầng chậm triển khai. Thậm chí có những “xôi đỗ” trong việc triển khai hệ thống thoát nước chung. Trong đó cũng có nguyên nhân, chủ đầu tư các KĐT chỉ chăm chăm lo xây nhà, chia lô để bán mà không xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ khiến khu vực cứ mưa là ngập nghiêm trọng. "Ở đây có KĐT rộng lớn trong quy hoạch chủ đầu tư phải thực hiện đào hồ điều hòa nước, xây trạm bơm cưỡng bức và hệ thống xử lý thoát nước mưa..., nhưng họ chưa triển khai mà mới chủ yếu là phân lô xây nhà liền kề, nhà biệt thự để bán", ông Trường cho hay.