Họa sỹ Lê Kinh Tài
Việc đánh giá nhan sắc phụ nữ là dự cảm mang tính cá nhân. Theo tôi, một vẻ đẹp hoàn chỉnh cần đẹp từ vóc dáng, khuôn mặt sáng rạng rỡ, cho đến vẻ thông minh, duyên dáng tiềm ẩn bắt đầu từ ánh mắt tràn ngập tự tin. Cá nhân tôi thấy, hoa hậu Nguyễn Thị Ngọc Khánh là một ví dụ về vẻ đẹp gây thiện cảm từ những giây đầu tiên.
Họa sỹ Ngô Lực
Mỗi nền văn hóa, mỗi ban giám khảo khác nhau đều có tiêu chí khác nhau về vẻ đẹp phụ nữ. Còn nếu chỉ đánh giá theo số đo ba vòng tỉ lệ vàng thì quá dễ vì thời nay sắc đẹp theo mẫu số đo có thể can thiệp bằng dao kéo, tập luyện, trang điểm…
Tôi thấy một phụ nữ đẹp phải sở hữu khuôn mặt sống động và ánh mắt biết nói. Tôi đã từng gặp nhiều phụ nữ đẹp nhưng đằng sau đường tô vẽ vô hồn là ánh mắt chết, nụ cười gượng gạo thiếu tự tin. Từng làm công việc chỉnh sửa ảnh hậu kỳ nên tôi thường không đánh giá các người đẹp qua hình, tuy nhiên ngắm album HHVN tôi cảm tình với ánh mắt và nụ cười của hoa hậu Đặng Thu Thảo. Ở cô ấy ẩn chứa vẻ tự nhiên đôn hậu của người miền Tây.
Họa sỹ Hà Mạnh Thắng
Tôi nghĩ có nhiều yếu tố làm nên một phụ nữ đẹp như sắc vóc, thời trang, trang điểm nhưng quan trọng hơn là phong thái dựa trên nền tảng văn hóa và môi trường giáo dục mà cô ấy được nuôi dưỡng lớn lên. Yếu tố quyết định vẻ đẹp của một nhan sắc đó là tinh thần, ý thức cá nhân rõ rệt và một bản sắc không dễ bị trộn lẫn.
Họa sĩ Trần Minh
Không một người đàn ông nào, đặc biệt lại là họa sĩ không quan tâm đến cái đẹp, đặc biệt là phụ nữ đẹp. Tôi bắt đầu biết đến cuộc thi Hoa hậu báo Tiền Phong lần đầu tiên khi Bùi Bích Phương đăng quang. Cô ấy có khuôn mặt tròn trái xoan, hợp với cách tạo hình của các bậc họa sĩ tiền bối xưa như Tô ngọc Vân, Trần Văn Cẩn... Cô ấy dáng không quá cao, thông minh và học giỏi. Từ Bùi Bích Phương tròn trịa, tới Ngọc Khánh miệng rộng nét mặt Tây tới Mai Phương Thúy da nâu cao trên 1,8m tiêu chí về nhan sắc đã có sự thay đổi ngoạn mục theo thời gian. Nhưng theo tôi có một tiêu chí không bao giờ thay đổi đó là hoa hậu phải có sức hút hướng thiện, từ đó tạo ảnh hưởng cho thế hệ trẻ đồng trang lứa.
Họa sĩ Tào Linh
Có lẽ không có họa sĩ nào không từng vẽ chân dung. Nhưng vẽ chân dung một người, không có nghĩa là vẽ lại một nhan sắc. Đám họa sĩ, khi ngồi với nhau, thường nói về người mẫu của mình, “cô/anh này có/không có portrait (chân dung)”. Một cô gái, thậm chí một hoa hậu, có nhan sắc nhưng có thể lại không có portrait trong con mắt của một họa sĩ.
Nhan sắc hoa hậu có thể không tạo nên bức tranh, nhưng có thể sẽ là cảm hứng cho họa sĩ.
Họa sỹ Đặng Xuân Hòa
Tôi từng vẽ chân dung Á hậu Ngô Thúy Hà. Tôi thích màu da ngà và vẻ mặn mà Á đông ở cô ấy. Tôi nghĩ muốn đánh giá nhan sắc một phụ nữ thì phải quen và biết cô ấy. Tôi là bạn thân của gia đình Đinh Quân và Ngô Thúy Hà, tôi thấy vẻ hồn hậu và tốt bụng của Hà khiến cô ấy đẹp hơn.
Họa sĩ Hoàng Nghĩa Hiệp
Tôi thấy cuộc thi tìm kiếm hoa hậu cũng giống như cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin vậy. Được tổ chức thường niên nhưng mỗi năm với cùng những bản nhạc đó người ta vẫn tìm ra được nghệ sĩ dương cầm mới, cách thể hiện mới và vẻ đẹp Chopin mới. Công chúng tìm kiếm vẻ đẹp đương đại trong mỗi cuộc thi nhan sắc. Tôi ủng hộ sự khác biệt và thậm chí phá cách trong tiêu chí tìm gương mặt hoa hậu. Khi cô sinh viên trường tôi Đặng Ngọc Hân được đăng quang, nhiều người thắc mắc nhưng tôi thấy hoa hậu da nâu chẳng sao cả. Tôi nghĩ một hoa hậu phải có tinh thần và vẻ thuần khiết. Đó là những giá trị không thể nào hóa trang tạo dựng được.