Hoa hậu Việt Nam: Hội ngộ Tuần Châu

TP - Hoạt động tâm điểm ngày đầu tiên sau khi rời Hà Nội của thí sinh dự chung khảo phía Bắc Hoa hậu Việt Nam: Thăm di tích lịch sử Khu lưu niệm Bác Hồ trên đảo Tuần Châu - hòn đảo vinh dự ba lần đón Bác. Và lao vào tập luyện catwalk.
Những gương mặt chung khảo phía Bắc. Ảnh: Lê Chí Linh.

Thăm Bác trên đảo

Khu lưu niệm Bác Hồ trên đảo Tuần Châu được xếp hạng Di tích cấp tỉnh tháng 9/2014. Nơi này nằm trong khuôn viên Nhà khách Trung ương Đảng đã vinh dự 3 lần đón Bác về thăm và lưu trú.

Khu lưu niệm gồm ba khu vực. Đồi cây Đa là nơi máy bay trực thăng hạ và cất cánh khi đưa đón Bác Hồ về thăm Tuần Châu cuối năm 1962. Khu Ao Cá gồm có ba ao cạnh nhau được khởi công xây dựng sau khi Bác về thăm Tuần Châu lần thứ hai năm 1959 trên nền của một chiếc ao cá nhỏ có trước. Năm 1979, cá giống từ ao cá Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch đã được mang về thả xuống ao này.

Khu biệt thự A1 (còn gọi là Nhà nghỉ Bác Hồ) được xây dựng năm 1960 để ghi dấu sự kiện Bác thăm đảo Tuần Châu năm 1959. Vào ngày 13/11/1962, tại ngôi nhà này, Bác đã gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ, nhân dân trên đảo. Ngôi nhà 2 tầng nằm ở vị trí thoáng mát trên cao, xung quanh nhiều cây xanh. Được biết đã trải qua nhiều lần sửa chữa, ngôi nhà vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn.

Sáng 11/7, thí sinh thắp hương và nghe Phó Ban Tổ chức, Phó TBT báo Tiền Phong Vũ Tiến kể về những lần Bác thăm đảo. Lần nào Người cũng nhắc cán bộ nhân dân nơi đây đoàn kết xây dựng đảo, đưa Tuần Châu thành Ngọc Châu. Bàn thờ Bác nằm ở trung tâm mặt bằng tầng hai của căn nhà, kề bên là gian phòng tiếp khách với bộ bàn ghế bành màu nâu trang trọng, giản dị và căn phòng nơi Bác từng nghỉ. Căn phòng này vẫn tiếp tục đón các vị lãnh đạo cao cấp tới nghỉ dưỡng. 

“Em thấy xúc động nghẹn ngào khi tới đây thắp hương tưởng nhớ Bác. Thật là hoạt động ý nghĩa giúp chúng em thêm yêu và tự hào về đất nước”, Sái Thị Hương Ly (Hải Dương) bày tỏ.

Rời khu biệt thự A1, các cô gái tới nhà tưởng niệm Bác Hồ cách đó khoảng 1 km. Tòa nhà hình bát giác đặt tượng bán thân của Bác nằm gần cổng vào khu vui chơi giải trí hiện đại của đảo. Được biết nhà tưởng niệm là một trong những hạng mục được chú trọng xây dựng đầu tiên khi doanh nhân Đào Hồng Tuyển đưa hòn đảo còn khá hoang vu chuyển mình thành khu du lịch hiện đại, đẳng cấp của ngày hôm nay.

Nghe kể chuyện Bác Hồ. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Vui ở “thiên đường nghỉ dưỡng

Vui, đó là từ đầu tiên Trần Thị Thu Hiền (Lâm Đồng) thốt ra, về cảm xúc ngày đầu tiên 32 thí sinh di chuyển đến “thiên đường nghỉ dưỡng”. Vui với trải nghiệm mở mang tầm mắt, và gặp bạn mới. Huỳnh Thúy Vi (giao dịch viên HD Bank) chủ yếu học tập và làm việc ở Cần Thơ, ít dịp ngao du. Tham gia cuộc này không chỉ cho Vi cơ hội thử thách ở đấu trường sắc đẹp, cô còn xem như dịp khám phá những thắng cảnh nổi tiếng của đất nước.

Sinh ở Hà Nội, từng du lịch Thái Lan, Malaysia nhưng khám phá Tuần Châu là trải nghiệm hoàn toàn mới, khiến Trịnh Phương Trang thoải mái hơn so với hôm chụp ảnh trong ảnh viện ở Hà Nội. Cô sinh viên ngành báo chí truyền thông tự biết không có kỹ năng trình diễn, và còn phải học nhiều. Ở cô toát lên sự trẻ trung hồn nhiên.

Buổi tập catwalk đầu tiên, Phạm Thủy Tiên, Đỗ Mỹ Linh đều người Hà Nội, thuộc số làm quen rất nhanh với nghệ thuật trình diễn, giải phóng hình thể. “Em thấy cuộc thi nhiều hoạt động liên tục, đòi hỏi thật nỗ lực”, Thủy Tiên nói. Hai ngày đầu chưa thấm vào đâu, chưa mất nhiều sức lực gì cả chỉ đòi hỏi tuân thủ giờ giấc, kỷ luật, thế nhưng cá biệt vài thí sinh mau chóng biểu hiện nếp chậm trễ. BTC nhắc nhở nhớ đem theo chứng minh thư để nhận phòng khách sạn, thế rồi vẫn có hai thí sinh khiến cả đoàn phải lùi giờ khởi hành hơn tiếng đồng hồ, chờ người nhà của họ mang giấy tờ đến. Người thì lấy lý do phải mua sắm quá nhiều trước khi lên đường, người đẹp khác thanh minh “cứ tưởng trong ví rồi”.

Tối đầu tiên ở Tuần Châu, sau khi dự tiệc chiêu đãi của “Chúa đảo” Đào Hồng Tuyển, thí sinh tìm hiểu sân khấu cá heo. Chưa kịp tham quan hết đảo, nhiều cô gái kịp thu vào tầm mắt những hòn núi xanh nhấp nhô, đẹp như tranh vẽ. Những ngày tới, họ có nhiều thời gian đến gần hơn với biển, tiếp xúc hiểu thêm con người vùng mỏ.