Hoa hậu của cảm thông và chia sẻ

TP - Cho đến ngày thực hiện xong dự án nhân ái “Bước chân vui” và trở về Hà Nội, câu chuyện về chị Tâm và những ngày ở thôn Bản Lắp 1, xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang vẫn khiến các thí sinh Hoa hậu Việt Nam không nguôi xúc động.
Các thí sinh HHVN tự tay chà tường, đào nền nhà, vận chuyển vật liệu xây dựng... để hoàn thiện dự án cải tạo trường mầm non thôn Bản Lắp 1.

Ðồng cảm và sẻ chia

Nhắc đến chị Tâm, thí sinh Đặng Thị Trúc Mai (SBD 295) bật khóc. Những giọt nước mắt của Mai đối lập với tình huống trước đó khi lần đầu gặp chị Tâm. Người phụ nữ với sự khắc khổ in hằn ngay cả trong vóc dáng và nụ cười. Chị luôn cúi xuống trong suốt cuộc trò chuyện để giấu đi những giọt nước mắt chảy tràn trên mặt. Chị Tâm nói và nghe tiếng Kinh không rõ nên những câu hỏi thường được rút ngắn nhất có thể. Nhắc đến lần thứ hai về hoàn cảnh gia đình, chị Tâm bắt đầu khóc.

“Chị Tâm chia sẻ rằng nhà không có đàn ông nên cuộc sống của chị khá vất vả. Chị và mẹ chồng chị là lao động chính của gia đình. Công việc hàng ngày của chị chỉ quanh quẩn ngoài vườn, đồng ruộng và trong ngôi nhà sàn. Chồng chị mất. Bà nội của chồng lại bị liệt gần 1 năm nay. Mình chị đảm đương việc nhà, việc đồng và đưa đón cô con gái út 3 tuổi đến trường. Vừa ngồi giúp chị tách bắp, chúng em vừa gặng hỏi thêm để hiểu hơn về hoàn cảnh gia đình cũng như tình hình học tập của các con chị. Tuy nhiên, chỉ vài phút sau cuộc trò chuyện ngắn thì bầu không khí trầm hẳn xuống khi chị Tâm bắt đầu khóc. Thời điểm đó chúng em không dám hỏi thêm chị bất kì điều gì nữa bởi em biết cuộc sống của chị có quá nhiều bất hạnh và vất vả khi không còn người chồng bên cạnh”- thí sinh Hà Thanh Vân (SBD 356) xúc động viết trong nhật ký.

Tuy nhiên, khá bất ngờ khi cô gái Bến Tre Đặng Thị Trúc Mai một tay nắm chặt, một tay ôm ghì lấy chị Tâm mỉm cười. Sau đó, ngồi lặng lẽ bên ngoài, Mai mới khóc. Mai thổ lộ, khi nhìn những giọt nước mắt của chị Tâm cô đã cố gắng kìm nén lại. “Hoàn cảnh của chị Tâm khiến ai cũng chạnh lòng nhưng thời khắc ngồi kế bên em không dám khóc. Em không muốn chị Tâm có cảm giác được thương hại. Cuộc sống của chị quá bất hạnh và ngay lúc đó chúng em đã đứng lên để nấu một bữa cơm gia đình. Nụ cười của chị Tâm và bọn trẻ chính là sự an ủi để chúng em nguôi ngoai phần nào những trăn trở về cuộc sống của chị”- Trúc Mai nghẹn ngào.

Khi các cô gái chuẩn bị bữa cơm trưa cho gia đình chị Tâm cũng đúng lúc trời đổ cơn mưa lớn. Mỗi người một việc: Thuỳ Lâm đội áo mưa hái rau, Thanh Vân rửa chén bát, chuẩn bị đồ ăn, Trúc Mai nhóm bếp lửa… Bữa cơm với canh rau, chút thịt, trứng rán nhưng ấm áp bởi nụ cười. Những đứa trẻ vừa ngượng ngùng, thỉnh thoảng tủm tỉm cười khi ngồi ăn với những người lạ mới quen. Chị Tâm cười khi nhắc đến ngôi trường mầm non đang được sửa sang. “Trường mới không sợ mưa to, không sợ gió lớn nữa. Yên tâm gửi con để đi làm rồi”- chị Tâm thỏ thẻ.

Không chỉ chị Tâm mà tất cả bà con ở thôn Bản Lắp 1 đều rạng rỡ khi ngắm nhìn ngôi trường mầm non vốn siêu vẹo, có nguy cơ đổ sụp bất cứ lúc nào được khoác áo mới. Chính những thí sinh HHVN- người thực hiện dự án cải tạo trường đã vô cùng sửng sốt khi lần đầu tiên đặt chân tới đây.

Buổi tối ở trạm nghỉ chân, thí sinh Trần Ngọc Lâm (SBD 548) trăn trở: “Ngôi trường dành cho trẻ mầm non nhưng sàn nhà lem nhem bùn đất. Bóc lớp giấy dán, bức tường để lộ ra những vết loang lổ, bong tróc và côn trùng như: nhện, gián, rết… Em thực sự sửng sốt và lo lắng khi nghĩ tới việc các em nhỏ được gửi ở đây trong suốt nhiều năm”.

“Ngôi trường này được xây dựng cách đây khá lâu với số lượng học sinh hiện tại là 40 em và 2 phòng học chính, điều kiện học tập ở đây đã không còn được đảm bảo. Cửa chính và cửa sổ đã bị mục gãy; phòng học không có quạt, thiếu ánh sáng; hàng rào phía trước bằng tre sơ sài, không chắc chắn… Thậm chí, điều khiến em khá bất ngờ đó là điểm trường mầm non này không có cổng, biển hiệu tên trường. Em hi vọng dự án có thể hoàn thành sớm để ngôi trường có một chiếc cổng thật đẹp và chắc chắn. Chiếc cổng trường mới sẽ là kí ức thật đẹp đẽ của các em nhỏ nơi đây”- thí sinh Hà Thanh Vân (SBD 356) chia sẻ.

Ðể nụ cười tỏa sáng

Sau gần 1 tuần chạy đua với sự khắc nghiệt của thời tiết, nhóm 5 thí sinh HHVN: Hà Thanh Vân (SBD 356), Trần Ngọc Lâm (SBD 548), Đặng Thị Trúc Mai (SBD 295), Phạm Thị Minh Châu (SBD 335) và Lê Thanh Tú (SBD 146) cũng đã hoàn thành dự án cải tạo trường mầm non thôn Bản Lắp 1, xã Phú Linh, Vị Xuyên, Hà Giang.

Tại lễ bàn giao dự án “Hy vọng”, đại diện chính quyền địa phương, ông Nguyễn Quốc Cường, Bí thư xã Phú Linh, Vị Xuyên, Hà Giang xúc động: “Các bạn sẽ mãi mãi là những hoa hậu trong lòng người dân Phú Linh, sẽ mãi mãi là những hoa hậu trong lòng các cháu nhỏ tại điểm trường thôn Bản Lắp 1”.

Thí sinh HHVN nghẹn ngào xúc động trước hoàn cảnh của chị Tâm.

Trở thành “hoa hậu” trong lòng cộng đồng, xã hội chính là cái đích cao nhất của các dự án nhân ái mà BTC Hoa hậu Việt Nam hướng đến cho các thí sinh tham gia cuộc thi.

Thay cho lời kết, xin trích một đoạn nhật kí của thí sinh Phạm Thị Minh Châu (SBD 335) sau những ngày ở Bản Lắp 1: “Tạm cất đi những bộ đầm lộng lẫy và bước ra phía sau ánh đèn sân khấu rực rỡ của đêm Chung khảo phía Bắc ở Cửa Lò, em và các bạn đã đi, đã dấn thân và thấu hiểu được mục đích quan trọng nhất của cuộc thi, đó là mang lại lợi ích cho cộng đồng. Một người đẹp không chỉ cần vẻ ngoài mà còn cần cả trái tim và trí tuệ tỏa sáng. Trái tim để cảm thông và thấu hiểu những hoàn cảnh khó khăn. Trí tuệ để tìm ra giải pháp khắc phục và hỗ trợ hoàn cảnh đó, để mỗi nơi em đặt chân đến và gieo những mầm cây nhân ái, nơi ấy nụ cười và hạnh phúc sẽ đâm chồi”. 

“Một người đẹp không chỉ cần vẻ ngoài mà còn cần cả trái tim và trí tuệ tỏa sáng. Trái tim để cảm thông và thấu hiểu những hoàn cảnh khó khăn. Trí tuệ để tìm ra giải pháp khắc phục và hỗ trợ hoàn cảnh đó, để mỗi nơi em đặt chân đến và gieo những mầm cây nhân ái, nơi ấy nụ cười và hạnh phúc sẽ đâm chồi”.

Thí sinh Phạm Thị Minh Châu (SBD 335)