Hồ Dầu Tiếng có dung tích chứa khoảng 1,7 tỉ m3 nước cung cấp nguồn nước tưới cho 105.000 ha đất canh tác của các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và TPHCM. Ven hồ này, có hàng ngàn hộ dân sinh sống. Gần đây, dân còn lập cả trang trại giữa lòng hồ.
Ông Lê Tiến, người dân xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) cho biết, hiện ông đang nuôi gần 30 bè cá, gần 2.000 con heo trên diện tích hơn 10ha. Xã Minh Hòa là nơi tập trung nhiều nhà bè nuôi cá nhất vùng hồ với trên 300 bè cá. Những lúc chính quyền mở đợt ra quân truy quét, người dân lại kéo các lồng bè qua huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) lánh nạn, đợi qua đợt truy quét lại kéo trở về.
Hầu như hộ dân nào ở ven hồ Dầu Tiếng cũng đều có trại heo, bè cá. Hầu hết chất thải chăn nuôi đều xả trực tiếp vào hồ. Tình trạng lấn chiếm lòng hồ lập trang trại còn diễn ra khá nghiêm trọng ở các xã ven hồ huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh), Hớn Quản (Bình Phước).
Ông Nguyễn Văn Lanh, Phòng quản lý nước và Công trình Công ty Dầu Tiếng, cho biết, hồ là nguồn cung cấp nước ngọt cho TPHCM, Bình Dương. Ba năm trở lại đây xâm nhập mặn ăn sâu vào đất liền, các nhà máy nước ở hạ nguồn thuộc sông Sài Gòn không thể tiếp nhận phải lấy nước từ hồ Dầu Tiếng đẩy mặn.
“Hiện chất lượng nước trong hồ đang bị đe dọa nghiêm trọng do các trại nuôi heo, cá, các cơ sở sơ chế mủ cao su, khoai mì đổ chất thải ra lòng hồ”, ông Lanh cho biết.
Ông Vũ Đức Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa (Cty Dầu Tiếng) cho biết, tình trạng lấn chiếm, xây đê kè để nuôi cá bè, lập trại heo đang làm thu hẹp dòng chảy cũng như khả năng chứa nước của sông rạch, khu vực bán ngập dưới hạ du TPHCM.
“Hiện trên lòng hồ có gần 1.500 bè cá, 20 trại heo đang hoạt động ở cả 3 tỉnh thuộc vùng lòng hồ, từ đầu năm nay số lượng bè cá tăng nhanh trở lại. Mặc dù là đơn vị chủ hồ nhưng Cty chỉ có chức năng phân cấp quản lý nguồn nước và phân phối, còn trách nhiệm quản lý, bảo vệ, cấp phép khai thác tài nguyên là do UBND các tỉnh có liên quan đảm trách”, ông Hùng nói.