J-15 được đưa vào sử dụng từ năm 2012 trên tàu sân bay huấn luyện hải quân của Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (PLA) mang tên Liêu Ninh, và ngày nay được coi là một trong những lớp máy bay chiến đấu trên tàu sân bay hàng đầu thế giới, bất chấp những hạn chế của hệ thống phóng trượt tuyết trên các tàu sân bay Trung Quốc hiện có và những hạn chế của chính loại tiêm kích “hàng nhái” thiết kế Nga này.
Thiết kế J-15 kể từ đó đã tiếp tục trải qua quá trình thử nghiệm bổ sung để tích hợp các công nghệ thế hệ tiếp theo nhằm cải thiện khả năng chiến đấu, theo Military Watch.
Các tính năng mới được cho là tích hợp trên chiến đấu cơ J-15 mới là cấu hình giảm mặt cắt radar - có thể dựa trên bài học rút ra từ Su-35 của Nga, chiếc tiêm kích đã giảm được 70% mặt cắt radar so với thiết kế Su-27 ban đầu – cũng là nguyên mẫu của J-15.
Máy bay được hưởng lợi từ các biến thể mới và mạnh mẽ hơn của loại động cơ WS-10, cải thiện hiệu suất bay và cho phép trọng lượng cất cánh lớn hơn bất chấp các hạn chế của hệ thống phóng của các tàu sân bay Trung Quốc hiện có.
Chiến đấu cơ mới của Trung Quốc cũng sẽ tích hợp radar mảng pha chủ động (AESA) tương thích với một loạt vũ khí mới bao gồm tên lửa không đối không PL-15 tầm bắn 200km, vượt trội so với các tên lửa cùng chức năng của hải quân Mỹ. Các radar AESA sẽ cải thiện đáng kể nhận thức tình huống của J-15, đồng thời giảm thiểu sự mẫn cảm khi bị gây nhiễu, giảm thiểu tín hiệu phát xạ radar.
Trung Quốc đã phát triển một radar AESA tương thích với các máy bay chiến đấu có nguồn gốc Su-27 Flanker, từ năm 2013 đã được tích hợp trên các máy bay chiến đấu J-16 của họ. Các biến thể mới của dòng chiến đấu cơ Trung Quốc chuyên triển khai trên tàu sân bay này có thể được tàu sân bay Sơn Đông triển khai, được các đơn vị huấn luyện trên đất liền triển khai hoặc thậm chí sửa đổi để triển khai với hệ thống phóng điện từ để thử nghiệm.
Các tàu sân bay Type 002 Class sắp tới của PLA được thiết lập để sử dụng các hệ thống phóng như vậy.