Những kết quả tích cực
Đề án “Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được UBND tỉnh Hậu Giang ban hành cuối năm 2020. Mục tiêu là nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường; kiểm soát ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải sản xuất nông nghiệp.
Đồng thời, nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đảm bảo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và tiêu chí văn minh đô thị; cải thiện cảnh quan môi trường đô thị và nông thôn để hướng đến xây dựng Hậu Giang “xanh - sạch - đẹp”.
Kết quả thực hiện đến nay, với chỉ tiêu triển khai các hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân ở mỗi xã, phường, thị trấn, đã có hơn 97% hộ dân được tiếp cận. Đã thành lập đi vào hoạt động 444 tổ vệ sinh môi trường, đạt hơn 84% tổng số ấp, khu vực.
Về phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt đã đạt hơn 92%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại hộ gia đình được thu gom, xử lý tập trung hoặc tự xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường đạt hơn 93%.
Đối với quản lý chất thải chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, hiện đã có hơn 97% hộ chăn nuôi gia súc gia cầm và hơn 96% hộ nuôi trồng thủy sản phù hợp quy hoạch thực hiện các biện pháp xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, đã vận động hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản không phù hợp với quy hoạch thực hiện ngừng nuôi hoặc di dời đến nơi phù hợp quy hoạch 3.107/3.926 hộ chăn nuôi gia súc, 474/732 hộ nuôi trồng thủy sản.
Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu 50% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom, xử lý đúng quy định. Kết quả, năm 2021 đã thu gom, chuyển giao xử lý gần 7,4%; năm 2022 khoảng hơn 12%; năm 2023 gần 19% và năm 2024 khoảng 12%.
Về tiêu chí che phủ cây xanh ở các tuyến đường giao thông tại đô thị, nông thôn, khu vực công cộng và khu dân cư, đến nay tỷ lệ chiều dài tuyến đường giao thông được trồng cây xanh ven đường đạt hơn 77%; tỷ lệ diện tích khu vực công viên được trồng cây xanh hơn 90%...
Đưa tiêu chí vào cuộc sống
Ông Trương Cảnh Tuyên – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh đã ban hành 4 văn bản quy định, hướng dẫn về quản lý chất thải, phân loại chất thải rắn sinh hoạt, thu gom, xử lý chất thải nguy hại. Đến nay, tất cả 525 ấp/khu vực đã đưa nội dung về bảo vệ môi trường vào trong quy chế, quy ước cộng đồng; 75 xã, phường, thị trấn đã đưa nội dung chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, quy chế, quy ước vào bình xét Tiêu chuẩn gia đình văn hóa, khu vực/ấp văn hóa.
UBND huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn rà soát, củng cố, thành lập mới và triển khai hoạt động Tổ vệ sinh môi trường ở ấp/khu vực. Đến nay, đã thành lập mới 461 tổ trên tổng số 525 ấp/khu vực trong tỉnh, trong đó, 444 tổ đi vào hoạt động. Các địa phương đã được phân bổ kinh phí hàng năm để hỗ trợ cho Tổ vệ sinh môi trường theo Nghị quyết của HĐND tỉnh. Các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai hoàn thành dự án xe thu gom rác thải, thùng chứa rác thải, xây dựng bể chứa rác thải, trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường…
Nội dung về bảo vệ môi trường và Đề án Hậu Giang xanh cũng được lồng ghép thực hiện trong quá trình triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các sở, ngành, địa phương. Ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục triển khai giảng dạy lồng ghép nội dung giáo dục bảo vệ môi trường vào các môn học cho giáo viên toàn tỉnh. UBND huyện, thị xã, thành phố lồng ghép công tác bảo vệ môi trường trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các dự án đầu tư khi phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng phải có biện pháp bảo vệ môi trường…
Theo UBND tỉnh Hậu Giang, qua quá trình triển khai thực hiện Đề án đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Công tác quản lý, kiểm soát, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải sản xuất nông nghiệp được chặt chẽ hơn và nâng cao; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường được nâng lên.
Đồng thời, giảm tình trạng hộ dân tự xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng thiêu đốt, chôn lấp không hợp vệ sinh môi trường hoặc vứt ra môi trường; giảm số hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên sông, kênh, rạch gây cản trở giao thông, gây ô nhiễm môi trường. Nâng cao tỷ lệ số hộ xử lý chất thải chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý bao gói bảo vệ thực vật…
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Đề án vẫn còn những hạn chế, khó khăn. UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường tổ chức các nhiệm vụ, giải pháp đã được phân công cụ thể trong Đề án; tiếp tục vận dụng, kết hợp các chương trình, nhiệm vụ khác để lồng ghép triển khai thực hiện Đề án, nhất là cải tạo cảnh quan môi trường, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền hướng dẫn về bảo vệ môi trường, đảm bảo thường xuyên, rộng rãi, có chiều sâu đến đối tượng hộ gia đình, cá nhân, nhất là việc phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt…
Đề án Hậu Giang xanh có tổng kinh phí thực hiện hơn 1.843 tỷ đồng (gồm ngân sách tỉnh, xã hội hóa, đề nghị trung ương hỗ trợ). Trong đó, giai đoạn 2021-2025 là hơn 1.517 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 hơn 326 tỷ đồng.