Hệ thống Kho bạc Nhà nước: những bước tiến vững chắc trong hệ thống quản lý tài chính

Kho bạc Nhà nước trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang có những bước tiến vững chắc, khẳng định vị thế, vai trò quan trọng trong hệ thống quản lý tài chính - ngân sách quốc gia; ngày càng góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước nói chung và sự phát triển của ngành Tài chính nói riêng.

Xứng đáng với vai trò là "người gác cửa" ngân quỹ quốc gia

Quản lý chi ngân sách nhà nước giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống quản lý tài chính - ngân sách quốc gia nhằm đảm bảo thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước, góp phần điều tiết vĩ mô nền kinh tế để thực hiện các mục tiêu chiến lược của quốc gia. Vì vậy, với vai trò là "người gác cửa” ngân quỹ quốc gia, trong những năm qua, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ đối với các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, người dân và doanh nghiệp; không ngừng hoàn thiện chức năng nhiệm vụ, cải cách cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ (trong đó, trọng tâm là cải cách quy trình thủ tục hành chính về chi ngân sách nhà nước) theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch nhằm giảm thiểu thời gian, thủ tục và chi phí thực hiện thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao chất lượng phục vụ đối với các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, người dân và doanh nghiệp trong quá trình giao dịch với Kho bạc Nhà nước.

Với đặc thù là đơn vị chi tiêu lớn của ngân sách nhà nước; là một trong những Bộ, ngành trung ương có vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước lớn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn (chiếm 9 - 10% tổng số vốn đầu tư của toàn xã hội, với số lượng dự án hàng năm khoảng 250 - 300 dự án), thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn phối hợp chặt chẽ với Kho bạc Nhà nước các cấp trong công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước. Căn cứ vào dự toán của dự án đầu tư được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ, giao và phê duyệt trên hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS), Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch thực hiện kiểm soát chi, đảm bảo trong phạm vi dự toán ngân sách nhà nước được giao, ngăn chặn được tình trạng chi vượt, chi sai dự toán, chi không đúng mục lục ngân sách; đồng thời, đảm bảo việc kiểm soát chi ngân sách nhà nước theo đúng các quy định Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật hiện hành, đáp ứng nhu cầu chi tiêu của đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước để đưa các nhiệm vụ, chương trình, dự án phục vụ đời sống của người dân, góp phần hiện đại hóa ngành Nông nghiệp. Kết quả giải ngân vốn hàng năm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong 15 năm qua đều đạt 85 - 97% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.

Qua quá trình giao dịch với Kho bạc Nhà nước các cấp, có thể khẳng định rằng, hồ sơ thủ tục kiểm soát chi đã được hệ thống Kho bạc Nhà nước cải cách một cách đáng kể. Số lượng hồ sơ, tài liệu do đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước gửi đến Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch đã giảm; hồ sơ đề nghị thanh toán và số lượng mẫu biểu chứng từ thanh toán cũng đã được đơn giản hóa hơn so với trước, góp phần tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.

Thời gian kiểm soát chi đối với các khoản chi cho đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước cũng đã được Kho bạc Nhà nước rút ngắn xuống đáng kể (hiện nay chỉ còn từ 1 - 3 ngày làm việc). Hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện tốt Quy chế "một cửa, một giao dịch viên" trong kiểm soát chi ngân sách nhà nước; theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ phải thực hiện giao dịch với 01 cán bộ của Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch (người tiếp nhận hồ sơ cũng chính là người xử lý công việc cho đơn vị giao dịch).

Hệ thống Kho bạc Nhà nước đã ban hành bộ thủ tục hành chính về kiểm soát chi ngân sách nhà nước, niêm yết công khai tại các trụ sở Kho bạc Nhà nước trong toàn hệ thống; kịp thời tiếp nhận, xử lý, phản ánh các kiến nghị của cá nhân, tổ chức, nên những khó khăn, vướng mắc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phản ánh đều được Kho bạc Nhà nước tháo gỡ kịp thời, đáp ứng được yêu cầu chi tiêu của đơn vị. Việc đối chiếu số liệu về tình hình giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch được thực hiện trực tiếp hàng tháng; đồng thời, từ tháng 5/2019, Kho bạc Nhà nước đã thực hiện thông báo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Một bước tiến mới trong cải cách của hệ thống Kho bạc Nhà nước là cung cấp dịch vụ công trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử từ năm 2018; từ đó, tạo thêm một kênh giao dịch điện tử; giúp các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, người dân và doanh nghiệp có thể lựa chọn phương thức giao dịch phù hợp nhất. Giao dịch trực tuyến qua dịch vụ công Kho bạc Nhà nước đã giúp các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước giảm chi phí, thời gian đi lại, cũng như giám sát quá trình xử lý hồ sơ và kiểm soát chi ngân sách nhà nước, nâng cao trách nhiệm và tính minh bạch trong công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước nói riêng và giao dịch phù hợp nhất với khách hàng nói chung.

Có thể nói, cung cấp dịch vụ công trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử là bước cải cách hành chính mạnh mẽ của hệ thống Kho bạc Nhà nước theo đúng tinh thần của Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử và là nền tảng để tiến tới hình hành "Kho bạc điện tử' theo mục tiêu đặt ra tại Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020.

Tin tưởng và kỳ vọng về những bước tiến vững chắc của Kho bạc Nhà nước

Tại hội thảo định hướng Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước, dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2030 tiếp theo, Kho bạc Nhà nước tiếp tục cải cách, đổi mới, đặc biệt là trong lĩnh vực kiểm soát chi ngân sách nhà nước theo định hướng sau:

-  Thực hiện kiểm soát chi ngân sách nhà nước theo mức độ rủi ro gắn với việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị theo thông lệ quốc tế và hoàn thiện chức năng kiểm toán nội bộ của các Bộ, ngành, địa phương: Kho bạc Nhà nước tập trung kiểm soát các khoản chi có giá trị lớn, độ rủi ro cao; đồng thời, thực hiện liên thông dữ liệu điện tử của hệ thống kế toán ngân sách số, hệ thống thông tin quản lý mua sắm công, hệ thống thông tin kế toán của đơn vị,... để chuyển dần các kiểm soát theo phương thức thủ công sang kiểm soát dựa trên các hệ thống công nghệ thông tin và hình thành quy trình kiểm soát chi điện tử.

-  Thực hiện cung cấp các dịch vụ tư vấn/ hỗ trợ các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước trong việc chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước như: (i) Tư vấn, hỗ trợ thực hiện chi ngân sách nhà nước, đảm bảo chi tiêu đúng chính sách, chế độ quy định;

(ii)   Cung cấp thông tin, báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước của đơn vị;

(iii)   Giải đáp cơ chế, chính sách về chi ngân sách nhà nước (thông qua dịch vụ tổng đài của Kho bạc Nhà nước hoặc Cổng thông tin điện tử Kho bạc Nhà nước).

Để có thể đảm bảo đạt được các mục tiêu đặt ra, thời gian tới mong muốn Kho bạc Nhà nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan xây dựng hệ thống quản lý dự án đầu tư kết nối dữ liệu giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, địa phương đến đơn vị quản lý dự án, để đáp ứng kịp thời nhu cầu tổng hợp thông tin báo cáo, cũng như nhu cầu quản lý của các cấp Lãnh đạo./.