Hệ thống điều khiển không thể hỏng trên tiêm kích Su-35

Công nghệ điều khiển điện tử (fly-by-wire) với nhiều kênh dự phòng bảo đảm phi công luôn kiểm soát được Su-35, ngay cả khi tiêm kích bị hư hỏng nặng.

Những dòng tiêm kích tối tân của Nga hiện nay như Su-35S đều được trang bị hệ thống điều khiển điện tử FBW (Fly-By-Wire). Hệ thống này giúp bảo vệ an toàn cho phi công và máy bay, cũng như bảo đảm khả năng điều khiển ngay cả khi máy bay gặp hư hại nặng trong chiến đấu.

FBW được nghiên cứu và phát triển trên oanh tạc cơ siêu âm Sukhoi T-4, ra mắt vào năm 1971. Sau đó, Su-27 trở thành máy bay đầu tiên trong biên chế của Liên Xô được trang bị hệ thống này, theo Ausairpower.

Player Loading...

Ở các máy bay đời cũ, phi công sử dụng sức mạnh cơ bắp để di chuyển cần lái, từ đó tác động trực tiếp tới hệ thống thủy lực điều khiển cánh máy bay. Hệ thống này có độ trễ thấp, cơ cấu đơn giản nhưng gây mất sức cho phi công. Trong một số trường hợp, máy bay có thể rơi vào trạng thái mất điều khiển do phi công không kiểm soát được cử động của mình.

Fly-by-wire là hệ thống điện - điện tử thay thế cách điều khiển thủ công truyền thống. Phi công vẫn ra lệnh điều khiển, nhưng chuyển động của cần lái và tay ga sẽ chuyển thành tín hiệu điện tới máy tính kiểm soát bay. Máy tính sau đó điều khiển hệ thống thủy lực để tạo ra chuyển động theo ý muốn phi công.

Hệ thống này giúp giảm tải cho người lái, khi phi công không còn tác động trực tiếp tới cơ cấu thủy lực. Máy tính cũng thực hiện nhiều chức năng mà không cần lệnh từ phi công, như ổn định trạng thái và độ cao máy bay. Bên cạnh đó, FBW có thể ngăn chặn những lệnh điều khiển nằm ngoài khả năng hoạt động của hệ thống, bảo đảm an toàn cho cả phi công và máy bay.

Su-35 được trang bị hệ thống FBW tối tân với 4 kênh điều khiển độc lập. Mỗi kênh được dẫn qua một khu vực khác nhau của máy bay và đều nằm cách xa nhau, đảm bảo khả năng dự phòng trong mọi tình huống.

Trong trường hợp 1-3 kênh điều khiển bị vô hiệu hóa, phi công vẫn có thể kiểm soát chiếc tiêm kích bình thường nhờ kênh thứ 4. Theo nhà sản xuất, việc tất cả 4 kênh điều khiển bị phá hủy cùng lúc là gần như bất khả thi. Khả năng duy nhất là trường hợp thân máy bay bị phá hủy hoàn toàn, khi đó nỗ lực điều khiển chiếc tiêm kích là vô ích.

Theo Theo Vnexpress