Hé lộ thị trường giúp 300 nghìn tấn thanh long gỡ thế bí ùn tắc nông sản

TPO - Hà Lan được xem là cửa ngõ trung chuyển hàng hóa nông sản vào châu Âu nên đưa thanh long vào được thị trường này sẽ mở ra cơ hội lớn để vào các thị trường khác. Ngoài ra, tiềm năng xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ cũng rất lớn bởi đây là quốc gia với 1,4 tỷ người có thói quen sử dụng hoa quả thường xuyên.

Tại Diễn đàn "Kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long" sáng 6/1, một số giải pháp được đưa ra thúc đẩy đầu ra cho hơn 300 nghìn tấn thanh long đang đến vụ thu hoạch, ông Như Nguyễn, Giám đốc Công ty VIEC cho biết, thị trường châu Âu đang có tiềm năng rất lớn đối với nông sản nhiệt đới, đặc biệt quả thanh long được người dân ở đây, nhất là tại Hà Lan ưa chuộng.

Theo ông Nguyễn, mua thanh long ở Hà Lan không dễ bởi số lượng hàng còn ít. Giá thanh long ở siêu thị vào khoảng 260.000 đồng với quả 400g. Hiện Hà Lan được xem là cửa ngõ trung chuyển hàng hóa nông sản vào châu Âu nên đưa thanh long vào được Hà Lan sẽ mở ra cơ hội lớn để vào các thị trường khác.

Để xuất khẩu thanh long vào Hà Lan, ông Nguyễn cho rằng, các sản phẩm phải đạt chứng nhận GlobalGAP và khoảng 150 tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, màu đỏ của trái phải chiếm hơn 70%, cuống phải cắt hoàn toàn, và tai không dài quá 1,5cm. Do vậy, các doanh nghiệp cần đầu tư quảng bá, xúc tiến hình ảnh thanh long; đồng thời đa dạng các hình thức chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Các doanh nghiệp cần đa dạng hình thức chế biến sản phẩm, quảng bá hình ảnh thương hiệu

Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, nhu cầu tiêu thụ thanh long tại Ấn Độ hiện cũng rất lớn. Bởi đây là quốc gia đông dân với 1,4 tỷ người, tỷ lệ người ăn chay và thói quen sử dụng hoa quả rất thường xuyên.

Theo ông Thướng, hàng năm Ấn Độ nhập khẩu 95% thanh long từ Thái Lan, Malaysia, Việt Nam…. Năm 2019-2020, xuất khẩu thanh long từ Việt Nam sang Ấn Độ tăng gần 100% so với năm trước, ở mức hơn 11.000 tấn, kim ngạch 9,86 triệu USD. Năm 2020-2021, kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng 25% so với năm trước do tác động của dịch COVID-19.

Ông Thướng cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành cần thường xuyên giữ kết nối, trao đổi với Bộ, ngành của Ấn Độ để tổ chức các kỳ họp, tiểu ban, nhóm làm việc; tích cực đàm phán mở rộng thị trường tiêu thụ trái cây…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam tham gia hàng loạt Hiệp định thương mại tự do, chúng ta cần thay đổi tư duy “quá phụ thuộc vào một thị trường” sang tư duy “đa dạng thị trường”.

Với thị trường Trung Quốc, Thứ trưởng Nam cho biết, đây vẫn là thị trường lớn của nông sản Việt Nam với quy định ngày càng cao. Trung Quốc cũng nhiều lần cảnh báo Việt Nam về việc nên xuất khẩu thanh long theo đường chính ngạch. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam không nghe theo khuyến cáo, từ đó dẫn tới việc khó khăn trong xuất khẩu thanh long do Trung Quốc thực hiện “Zero Covid".

Theo ông Nam, sắp tới dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu về hàng hóa tại thị trường nội địa tăng cao. Do đó, các địa phương, doanh nghiệp cần phải tăng cường kết nối giữa người sản xuất với những nhà bán lẻ.

"Các doanh nghiệp cần xác định nâng cao năng lực đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn là vấn đề quan trọng số một hiện nay. Các sản phẩm trái cây như thanh long, xoài, dưa hấu, mít… đang gặp khó trong việc tiêu thụ cả đường bộ và đường thủy. Do vậy, các đơn vị cần đồng hành, phối hợp cùng tháo gỡ, không đổ thừa trách nhiệm. Tất cả đều phải vào cuộc vì thương hiệu nông sản Việt”, Thứ trưởng Nam nói.