Hành trình theo đuổi đam mê của Thủ khoa ĐH Kiến trúc

Năm 2017, Nguyễn Xuân Mẫn giành học bổng Chevening, theo học Thạc sĩ ngành Kiến trúc tại Trường ĐH London. Trên Ebook của các Cheveners năm 2017 – 2018, Xuân Mẫn đã có những chia sẻ về hành trình theo đuổi đam mê của mình
London nhìn từ Sky Garden. Ảnh: Nguyễn Xuân Mẫn

Đam mê thường bắt đầu từ những điều đơn giản nhất

Xuân Mẫn kể: Thời cấp 3, giữa những lộn xộn xảy ra trong gia đình, tôi thấy mông lung về cuộc sống xung quanh. Tôi lẩn trốn khỏi những dằn  vặt của bản thân bằng cách chui vào thế giới tưởng tượng của những trò chơi điện tử. Tôi trở thành học sinh cá biệt, bất cần, thường xuyên trốn học. Và hệ quả tất nhiên là tôi luôn đứng đội sổ trong lớp, cùng những lời chê than của thầy cô và bố mẹ”.

Đôi khi  nhìn chúng bạn hân hoan về kết quả học tập, Mẫn cũng có chút băn khoăn “mình đang ở đâu, và mình sẽ làm gì”. Xuân Mẫn chán nản với những môn học ở trường, thường xuyên ngồi vẽ vời linh tinh trong lớp. Cô chủ nhiệm đến cuối lớp 11 còn nhận xét là “tôi không chắc anh có thể tốt nghiệp cấp 3 được không nói gì đến thi đại học”.

Đến năm lớp 12, gia đình Xuân Mẫn cũng trở nên yên ấm hơn. Điều đó tác động tốt đến tinh thần và kết quả học tập của anh.

Đến lúc chọn trường đại học, bố mẹ định hướng cho Xuân Mẫn theo ngành ngân hàng truyền thống của gia đình. Nhưng Xuân Mẫn chưa bao giờ thấy hứng thú với những con số và những khoản tiền.

Khi lưỡng lự giữa việc nghe theo bố mẹ hay tìm kiếm ước mơ của chính mình, Xuân Mẫn chỉ biết mình thích vẽ và có khả năng vẽ. Đánh giá thêm về thế mạnh của bản thân, Xuân Mẫn tự tin về môn Toán và Lý. Nên lựa chọn đúng đắn nhất bấy giờ với Mẫn là khối V vào khoa Kiến trúc trường Xây dựng.

Nhớ lại thời điểm thi đại học, Xuân Mẫn cho biết bước vào phòng thi, Mẫn gần như không cảm thấy áp lực, chỉ tâm niệm cố gắng hết sức mình, nếu không được thì năm sau thi lại. Và có lẽ chính sự thảnh thơi đó đã tạo ra kết quả vượt xa mong đợi của Mẫn và tất cả mọi người. Cậu đã đạt điểm cao nhất của khối V vào trường Xây dựng năm ấy. Và đó là tiền đề cho việc giành được học bổng 322 của Bộ GD&ĐT cho thủ khoa các trường để du học ở ĐH Newscastle, Anh.

Đam mê không đồng nghĩa với tình yêu

Sang đến nước Anh, Xuân Mẫn mới bắt đầu tìm thấy đam mê thực sự với kiến trúc của mình.

Xuân Mẫn nhận ra được vì sao học ở đây họ đánh giá đồ án dựa trên quá trình làm việc nhiều hơn kết quả cuối cùng. Nếu bạn biết rõ bạn làm gì từ đầu, thì bạn sẽ không còn hứng thú làm nó. Đam mê đến từ quá trình tìm tòi, không phải từ sản phẩm cuối cùng. Sự tò mò khơi nguồn cảm hứng cho sáng tạo, và những ý tưởng đột phá thường được “khám phá từ nhưng thử nghiệm” chứ không được “tạo ra từ không khí”.

Tìm được đam mê của mình, Xuân Mẫn lao vào học, dành hết thờig ian ở trường, thậm chí ở trường vài ngày và mang đồ đến tắm rửa ở trường. Có những lúc Mẫn lờ mờ nhận ra có gì đó hơi quá trong việc dành hết thời gian cho “tình yêu” này. Và khi vấp phải một đồ án nhóm mà nỗ lực của một mình Mẫn không mang lại kết quả như mong đợi, Xuân Mẫn đã suy sụp.

Khi ấy, một người bạn Tây Ban Nha đã nó với Mẫn rằng, kiến trức là đam mê của cậu, chứ không phải là tình yêu. Cậu nên dành tình yêu cho gia đình, cho người yệ thay vì đánh đồng nó với đam mê. Việc đó sẽ làm cậu căng thẳng, suy sụp không đáng có khi gặp thất bại trong sự nghiệp, trong khi những thất bại đó là một phần tất yêu trên con đường đi đến thành công.

Xuân Mẫn tại Trường Kiến trúc Bartllett, UCL. Ảnh: Nguyễn Xuân Mẫn

Đam mê cũng cần có những hướng rẽ khác

Trở về nước theo cam kết của học bổng 322, Xuân Mẫn muốn thử thách mình ở một môi trường làm việc quốc tế với những công trình lớn. Cứ tưởng tấm bằng nước ngoài sẽ mang lại nền móng đủ chắc để Mẫn vươn lên thành người đứng đầu lần nữa, nhưng dần dần công việc và cuộc sống đã dội những gáo nước lạnh, cho Mẫn biết vị trí và khả năng của mình. Mẫn cũng cảm nhận được giới hạn của những phương pháp thiêt kế truyền thống và nhìn ra vai trò thực tế của kiến trúc sư trong xã hội Việt Nam.

Những ký ức về nước Anh thỉnh thoảng hiện về trong giấc mơ của Xuân Mẫn. Thời gian trôi đi, Mẫn dần khó phân biệt được đó là ký ức hay chỉ là những giấc mơ đẹp về miền đất xa xôi. Dự định trở lại Anh quốc học Thạc sĩ cũng có phần phai nhạt theo vòng xoáy lo toan cơm áo gạo tiền.

Mẫn chia sẻ: Trong 4 năm làm việc, tôi đã góp phần vào bộ máy thiết kế ra hơn 3.000 căn hộ ở Singapore, nhiều công trình văn phòng và khách sạn ở Việt Nam. Nhưng ở trong bộ máy ấy, tôi dần nhận ra nhưng thiết kế đó có phần bị tách biệt với thực tế cuộc sống, dẫn đến những tác động không mong muốn lên người sử dụng các công trình đó và môi trường xung quanh.

Xuân Mẫn quyết định đăng ký khóa nghiên cứu của trường Architectural Association để có thể hiểu thêm về chính đời sống con người trong các đô thị của Việt Nam. Qua những cuộc phỏng vấn và thực hiện những đoạn phim ngắn, khóa nghiên cứu này không chỉ giúp Mẫn hiểu thêm về cách đào sâu phân tích những câu chuyện thường ngày, mà còn làm Mẫn nhìn nhận khách quan những đặc tính điển hình cùng vấn đề cố hữu của cuộc sống đô thị ở TP HCM lẫn Việt Nam nói chung.

Nghiên cứu theo hướng xã hội học qua lăng kính điện ảnh này đã mở ra cho Mẫn định hướng, đam mê mới để phát triển phong cách và triết lý thiết kế riêng của bản thân. Đồng thời khóa họa này đã là một cú hích lớn, thúc đẩy Xuân Mẫn hạ quyết tâm giành học bổng Chevening, để Mẫn có cơ hội hoàn thành khóa Thạc sĩ Kiến trúc ở nơi mà đam mê của anh được khơi nguồn – Vương quốc Anh.

“Tôi may mắn hơn nhiều người khi tìm được đam mê từ sớm, nhưng để nuôi dưỡng và phát triển đam mê ấy, tôi tự nhủ mình phải luôn cố gắng sống với 100% khả năng của bản thân để đi đến tận cùng của ước mơ” – Xuân Mẫn chia sẻ.

Theo Theo Giáo dục thời đại