Hàng trăm biệt thự cổ sống dở chết dở

Hàng trăm biệt thự cổ, nhà cổ của Sài Gòn đang dần biến mất trước làn sóng kinh tế đô thị.

Tọa đàm Không gian di sản - Bảo vệ và phát huy giá trị các công trình kiến trúc, lịch sử, văn hóa tại TP.HCM vào ngày 17-11 cùng một hội thảo khoa học trước đó về Phát triển du lịch di sản văn hóa trên địa bàn TP.HCM đã bày ra những mối quan tâm về di sản của TP.HCM.

Luyến tiếc những biệt thự phố

Tọa đàm Không gian di sản - Bảo vệ và phát huy giá trị các công trình kiến trúc, lịch sử, văn hóa tại TP.HCM vào ngày 27-11 đã đưa ra câu chuyện bảo tồn và trùng tu biệt thự Võ Văn Tần (The Villa, 110-112 Võ Văn Tần, quận 3, TP.HCM). Khi nghe câu chuyện bảo tồn biệt thự Võ Văn Tần từ êkíp trùng tu, rất nhiều nhà nghiên cứu, kiến trúc sư, chuyên gia văn hóa… đã luyến tiếc bao nhiêu dãy nhà cổ, biệt thự cổ của Sài Gòn đã biến mất vĩnh viễn.

Theo một thống kê từ Sở QH-KT TP.HCM thì TP có 1.227 biệt thự xây trước năm 1975. Khu vực tập trung nhiều biệt thự nhất là quận 1 và 3 với các trục đường Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Du, Võ Thị Sáu, Tú Xương, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Điện Biên Phủ, Võ Văn Tần, Nguyễn Đình Chiểu, Trần Quốc Thảo, Lê Quý Đôn, Trương Định, Hàn Thuyên, Pasteur, Ngô Thời Nhiệm, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Thị Minh Khai...

Các trục đường này trong quy hoạch đô thị từ thời Pháp là đặc trưng kiến trúc ô phố với biệt thự, trường học, nhà thờ… có không gian riêng biệt. Các con hẻm ở các ô phố này cũng vuông vắn, lối vào rộng rãi cho ô tô. Trên các trục đường này có hơn 600 biệt thự, trong đó nhiều biệt thự từ trước năm 1955 và trước năm 1975. Tuy nhiên, trong khảo sát mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc (Sở QH-KT TP.HCM) thì gần phân nửa số biệt thự cũ khu vực này đã biến mất. Trục Nguyễn Đình Chiểu từng có 53 căn hiện chỉ còn 24 căn, trục Hai Bà Trưng 40 căn giờ chỉ còn khoảng 20, đường Lê Quý Đôn và Mạc Đĩnh Chi chỉ còn sáu trong tổng số 20 căn…

Khu nhà bốn mặt tiền: Trần Hưng Đạo, Ký Con, Yersin và Lê Thị Hồng Gấm của ông Nguyễn Văn Hảo tại quận 1 xuống cấp trầm trọng. Ảnh: QUỲNH TRANG

Hai năm dùng dằng vẫn phá bỏ

Giới chuyên gia kiến trúc, văn hóa, lịch sử gắn bó với di sản Sài Gòn đã rất luyến tiếc căn biệt thự 237 Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh). Ngôi biệt thự này từng thu hút sự quan tâm của dư luận với tuổi đời 100 năm cùng kiến trúc độc đáo. Căn biệt thự này được một người ở Bình Dương mua lại và chủ mới quyết định phá bỏ. Tuy nhiên, căn biệt thự rơi vào tình trạng nửa bỏ nửa giữ khi chủ mới phá bỏ và bị phản ứng của các nhà nghiên cứu rằng đây là công trình cần bảo tồn. Sau hai năm dùng dằng, tháng 10 vừa qua, biệt thự đã được san ủi phẳng. Những viên gạch từ biệt thự được bán với giá vài ngàn đồng, đầu cột biệt thự được bán khoảng 1 triệu đồng/cái. Một điều đáng lưu ý: Biệt thự này được ủi phẳng từ sau khi UBND TP.HCM ban hành quy định về tiêu chí đánh giá và phân loại biệt thự cũ trên địa bàn TP. Biệt thự Nơ Trang Long rơi vào nhóm 3, nhóm không cần bảo tồn, gia chủ có quyền phá bỏ.

Biệt thự Nơ Trang Long chỉ là một ví dụ gần nhất, trước đó hàng loạt biệt thự đã ra đi như biệt thự 12 Lý Tự Trọng, biệt thự 12 Lê Duẩn, biệt thự 6C Tú Xương… Tất cả đều chỉ còn là những bãi đất trống sử dụng tạm với mục đích khác, để mai này ở đó mọc lên những cao ốc mới.

Và hiện tại, ngay cả những biệt thự, dãy phố còn sót lại vẫn trong tình trạng trùng tu thì không có điều kiện mà gỡ bỏ thì không xong. “Hầu hết các biệt thự, nhà cổ tại TP.HCM lẫn Việt Nam rơi vào tình trạng trải qua nhiều chủ. Những chủ nhân mới của nhà hoặc phá hủy, hoặc thay đổi chức năng công trình, vài biệt thự duy trì một phần chức năng nhà ở; có biệt thự chia năm xẻ bảy cho con cháu… nên việc duy trì, bảo quản rất khó. Vì thế vốn tài sản vật chất lẫn tinh thần là biệt thự, dinh thự có tuổi đời tại TP.HCM ngày càng mất đi” - TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử TP.HCM, cho biết.

Tư hữu hóa những biệt thự công sở

Rất nhiều biệt thự ở TP.HCM được sử dụng làm công sở, theo tôi, vai trò của chính quyền không chỉ là quản lý mà còn là thực hiện công tác bảo tồn di sản đô thị ngay từ công sản nhà nước đang sử dụng. Tuy nhiên, nguồn vốn trùng tu, tôn tạo và bảo tồn vẫn là vấn đề lớn. Và chính vì công sở nên mức độ hoạt động cao, đây cũng là trở ngại cho một không gian trùng tu. Nên chăng những công trình biệt thự có giá trị di sản đô thị đang sử dụng làm công sở không phù hợp thì chúng ta chuyển sang sở hữu tư nhân, nhất là bán cho các đơn vị khai thác du lịch. Kèm theo đó là điều kiện người mua phải trùng tu, bảo tồn, bảo vệ di sản… với công năng mới, trong đó khuyến khích sử dụng cho mục đích văn hóa. Bất cứ đô thị mới nào cũng được quy hoạch không gian dành cho biệt thự, vậy tại sao trong các lõi đô thị cũ lại không thể giữ gìn những cảnh quan này? Bảo tồn cảnh quan đô thị trong hệ thống kiến trúc cổ còn là dấu chỉ về giá trị lịch sử của đô thị cần có.

TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử TP.HCM

Hành lang pháp lý về phân loại biệt thự gặp ý kiến trái chiều

Để tạo một hành lang cho việc bảo tồn và phát huy hiệu quả các biệt thự cổ tại TP.HCM, tháng 9 vừa qua, UBND TP.HCM đã ban hành quy định về tiêu chí đánh giá và phân loại biệt thự cũ trên địa bàn TP. Tuy nhiên, thực tế việc đưa ra phân loại này cũng đang gặp nhiều ý kiến trái chiều. Bởi cái vướng của các biệt thự cũ chính là việc duy tu, tôn tạo quá tốn kém; thủ tục cũng không dễ dàng…

Theo Theo Pháp luật TPHCM