Hàng loạt địa phương dùng 'bộ não số' chỉ đạo, điều hành

Chỉ cần mở ứng dụng, người dân Đà Lạt có thể biết thửa đất cần biết nằm ở vị trí nào, diện tích bao nhiêu, tình trạng sử dụng đất như thế nào, được phép xây dựng bao nhiêu tầng… Đó chỉ là một trong hàng loạt giá trị mà Trung tâm Điều hành Thông minh (IOC) Đà Lạt mang lại.
Trung tâm Điều hành Thông minh của tỉnh Quảng Bình – “bộ não số” giúp địa phương chỉ đạo, điều hành trực tuyến

IOC đang trở thành cánh tay phải đắc lực cho các địa phương trong quản trị, điều hành, được ví như bộ não số của các địa phương, là minh chứng rõ nhất cho quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.

Bước tiến lớn

Ngày 11/12/2019, Đà Lạt trở thành thành phố đầu tiên trên cả nước áp dụng Trung tâm Điều hành Thông minh (IOC). “Đây thực sự là một bước tiến lớn trên lộ trình tiến tới xây dựng Đà Lạt thành thành phố thông minh, nhằm tạo được những lợi ích thiết thực nhất trong phục vụ người dân, du khách, doanh nghiệp”, ông Phan Văn Đa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chia sẻ.

Ngay sau Đà Lạt, chỉ một thời gian ngắn, hơn 30 Trung tâm IOC trên cả nước đã triển khai và đi vào hoạt động như tại Hà Nam, Cao Bằng, Hà Giang, Tây Ninh, Lào Cai, Kon Tum, Bình Phước, Trà Vinh, Phú Thọ…mới đây nhất là Nghệ An, Quảng Trị, Bắc Kạn.

Mỗi IOC sẽ vận hành hơn 10 dịch vụ về giám sát như điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội; giám sát dịch vụ hành chính công, văn bản điện tử, dịch vụ kết nối người dân - chính quyền; giám sát, điều hành lĩnh vực Y tế, Giáo dục, Du lịch; giám sát camera an ninh thông minh, camera an toàn giao thông và thông tin trên mạng xã hội. Ngoài ra còn có phân hệ ứng cứu, hỗ trợ khẩn cấp. Phân hệ giám sát, điều hành môi trường, Phân hệ giám sát bảo mật, an toàn thông tin.

Chẳng hạn, toàn bộ các thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa sẽ được giám sát và cập nhật liên tục về Trung tâm IOC, giúp lãnh đạo tỉnh giám sát hầu hết hoạt động hành chính công. Dịch vụ kết nối người dân – chính quyền giúp người dân có thể gửi các phản ánh cho cơ quan chức năng của thành phố về hiện trạng đô thị như sự cố đường sá, xây dựng trái phép, buôn bán lấn chiếm lề đường.

Hệ giám sát môi trường giúp các tỉnh thống kê, tổng hợp số liệu giám sát môi trường nước, không khí, nhiệt độ, độ ẩm tại các trạm thủy văn của tỉnh, hỗ trợ Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác quản lý chất lượng môi trường. Hệ thống an toàn thông tin giúp theo dõi các cảnh báo về các nguy cơ tấn công mạng của các loại virus, mã độc... trong hệ thống mạng diện rộng của tỉnh bao gồm các cơ quan nhà nước từ tỉnh xuống tới cấp xã. Các vấn đề liên quan đến y tế, giáo dục, du lịch trên địa bàn cũng được quản lý trực tuyến. Hệ thống camera giao thông được kết nối trực tiếp giúp cơ quan quản lý nắm bắt hiện trạng giao thông.

Theo ông Phạm Đức Long Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT, đơn vị xây dựng và phát triển công nghệ cho biết, trung tâm IOC được VNPT xây dựng với mục tiêu cung cấp số liệu toàn diện về các hoạt động trên địa bàn tỉnh, thành phố. Hệ thống có khả năng giám sát và quản lý từ tổng quan đến chi tiết từng tình huống như thống kê các số liệu, chỉ tiêu về tình hình kinh tế-xã hội, công tác cải cách hành chính; thực hiện giám sát trực quan trên bản đồ số; giám sát về tình hình an ninh trật tự, phản ánh bất cập đô thị, hệ thống thực hiện camera trí tuệ nhân tạo giám sát đô thị trực tiếp; thực hiện giám sát, điều hành về nhiều lĩnh vực khác như du lịch, y tế, tài nguyên môi trường… nhằm xây dựng Chính phủ điện tử và đô thị thông minh.

Trung tâm Điều hành Thông minh của thành phố Đà Lạt - địa phương đầu tiên ứng dụng “bộ não số ” trong chỉ đạo, điều hành.

Áp dụng công nghệ hiện đại nhất, thúc đẩy chuyển đổi số

Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum chia sẻ, các sản phẩm, ứng dụng CNTT trong IOC được tỉnh áp dụng, khai thác, bước đầu mang lại hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. “Từ những kết quả đó, có thể thấy rằng, quá trình ứng dụng CNTT của tỉnh đã đi vào thực chất, hiệu quả, đem lại những chuyển biến tích cực cho công tác chỉ đạo, điều hành”, ông Hòa nói.

Bà Trần Tuệ Hiền - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước chia sẻ, Trung tâm IOC thực sự là bộ não điều hành kỹ thuật số tổng hợp, là nền tảng cốt lõi cho lộ trình xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh, nhằm phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền, cung cấp thông tin, dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp.

Ông Phạm Đức Long, Chủ tịch VNPT cho biết thêm, Trung tâm IOC được xây dựng dựa trên việc ứng dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… được thiết kế với khả năng chịu tải cao, sẵn sàng mở rộng quy mô, cũng như bổ sung, điều chỉnh tính năng một cách linh hoạt, bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin.

Ngoài ra, dựa trên mô hình vận hành và yêu cầu về chỉ tiêu giám sát, hệ thống trung tâm điều hành IOC liên tục được tích hợp bổ sung các hệ thống thông tin khác, khai thác dữ liệu được chuẩn hóa để ngày càng mở rộng và nâng cấp năng lực điều hành trên môi trường số. “Hiện tại chúng tôi đang triển khai thêm nhiều mô hình Trung tâm Điều hành Thông minh ở các địa phương. Đây thực sự là bước đi quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số theo quyết tâm của Chính phủ”, ông Long chia sẻ.