Tháng 7 năm ngoái, nhiều “tín đồ” hàng hiệu hoang mang khi cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng “lò” livestream bán hàng “khủng” tại Lào Cai. Gọi là “lò” bởi chủ nhân của nó kinh doanh hàng chục nghìn sản phẩm với các nhãn hiệu nổi tiếng như Burberry, Nike, Adidas, LV, Chanel, Gucci … nhưng sự thật đều là hàng nhái. Tại kho hàng không rõ nguồn gốc có diện tích hơn 10.000 m2, có nhiều máy móc livestream và hàng chục người đang ngồi chốt đơn, gửi hàng đi khắp cả nước, thu lợi hàng chục tỷ đồng mỗi tháng.
Ngày 22/2, cơ quan chức năng ở Đồng Nai phát hiện 20 người đang livestream bán hàng trong một kho hàng rộng 600m2. Hàng hoá phần lớn được gắn mác là từ Mỹ nhưng không có hoá đơn, chứng từ. Ngày 18/3, cơ quan chức năng tỉnh Nam Định triệt phá kho hàng nhái Hermès, LV, Chanel lớn nhất miền Bắc ở xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản. Theo lực lượng quản lý thị trường tỉnh này, gần 30 nghìn sản phẩm (ước tính trị giá 6 tỷ đồng) không có nguồn gốc. Chủ kho hàng này mở hàng chục tài khoản mạng xã hội để livestream bán hàng và dùng dịch vụ chuyển phát nhanh để vận chuyển.
“Cuối cùng, tiền thật về tay kẻ kinh doanh bất lương, hàng giả, hàng lậu đến tay người tiêu dùng, còn nhà nước thất thu thuế”, một cán bộ Chi cục Thuế Đồng Nai nói về tình trạng bán hàng bằng hình thức livestream hiện nay.
Livestream bán quần áo, mỹ phẩm, túi xách, giày dép, thực phẩm, thuốc men... xuất hiện ngày càng dày đặc. Người tiêu dùng được khuyến cáo cẩn trọng khi mua hàng qua livestream nếu không biết rõ người bán, chất lượng hàng hóa...