Thiệt hại hàng chục tỷ vì sự cố
Ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Chi nhánh khai thác Đường sắt Phú Khánh cho biết, các hầm Bãi Gió (tỉnh Khánh Hòa) và hầm Chí Thạnh (tỉnh Phú Yên) đang được thi công sửa chữa, nâng cấp thì xảy ra sạt lở với khối lượng đất đá khá lớn. Nguyên nhân sạt lở các hầm này do có thời gian khai thác và sử dụng lâu năm nên xuống cấp nghiêm trọng.
Cùng với đó, tầng địa chất tại khu vực này bị phong hóa lâu ngày kết hợp với thời tiết tại Nam Trung bộ trong thời gian qua thường xuyên có mưa. Điều này dẫn đến lớp đất, đá trên hầm mềm nhão, không ổn định và gây nên hiện tượng sạt lở trong quá trình thi công sửa chữa, cải tạo.
Việc một hầm đường sắt xảy ra sạt lở đã gây tê liệt toàn tuyến, đảo lộn lịch trình vận chuyển hành khách, hàng hóa. Riêng sự cố sập hầm Bãi Gió, theo tính toán của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, chỉ trong 10 ngày bị ách tắc, các đơn vị đường sắt đã phải chuyển tải bằng ô tô hơn 30.000 hành khách của 110 chuyến tàu từ ga Giã đến ga Tuy Hòa và ngược lại; phục vụ miễn phí cho hành khách bị ảnh hưởng với gần 4.000 suất ăn chính, hơn 1.000 suất ăn phụ, gần 2.000 chai nước lọc.
Sự cố này cũng khiến hành khách trả 11.700 vé tàu đã mua, gây thiệt hại cho ngành đường sắt gần 50 tỷ đồng (cả kinh phí khắc phục, và thiệt hại đến hoạt động kinh doanh), trong khi toàn ngành đang chật vật cố gắng thoát khỏi bức tranh làm ăn thua lỗ.
Với sự cố sạt lở hầm Chí Thạnh, ngành đường sắt đã phải thực hiện trung chuyển hàng vạn hành khách bằng xe ôtô để đảm bảo hành trình. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đã hủy các chuyến tàu SE9, SE10 xuất phát từ Hà Nội và TPHCM từ ngày 23/5 đến ngày 29/5; tàu SE42 xuất phát tại ga Nha Trang từ ngày 24/5 đến ngày 29/5 và tàu SE41 tại ga Đà Nẵng từ ngày 25/5 đến ngày 30/5 cũng bị bãi bỏ. Ngành đường sắt đã tạm dừng 10 tàu chở hàng trên tuyến đường sắt Bắc - Nam. Đặc biệt, tuyến hầm đường sắt Chí Thạnh giao với tuyến đường bộ ĐT.641 đã gây ảnh hưởng đến an toàn công trình đường sắt, đường bộ và ảnh hưởng an toàn giao thông tại khu vực.
Tiềm ẩn nguy hiểm
Theo Cục Đường sắt Việt Nam, hiện toàn tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM có 22 hầm, được xây dựng từ thời Pháp vào những năm 1927-1935. Điển hình như hầm số 11 (Huế), hầm số 12 (Hải Vân), hầm số 14 (Liên Chiểu) được xây dựng những năm 1927-1931. Trải qua thời gian sử dụng lâu năm, hiện các hầm bị rò rỉ nước, thấm dột, tường phong hóa...
Đáng nói, từ trước đến nay mới chỉ có 5 hầm đã được thay vỏ hầm mới, gồm: Hầm số 8 được sửa chữa lại toàn bộ vỏ hầm bê tông bằng công nghệ đúc trên đà giáo ván khuôn di động, thực hiện năm 2000. Các hầm số 7, 9, 10, 13 thay toàn bộ chiều dài vòm hầm bằng công nghệ bê tông phun từ nguồn vốn ODA của Pháp, thực hiện năm 2004.
Đặc biệt, riêng hầm số 14 là hầm đường sắt dài nhất đèo Hải Vân, sau gần 100 năm khai thác đã phong hóa, thấm dột… tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Hiện hầm có tình trạng rỉ nước thường xuyên. Vỏ hầm bị thấm dột khiến ray, tà vẹt, phụ kiện liên kết bị gỉ sét nhanh.
Lãnh đạo Công ty CP đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng cho biết, năm 2021, hầm số 14 đã được đại tu kết cấu trong hầm và rãnh thoát nước. Còn phần vỏ hầm và kết cấu vẫn để y nguyên từ thời Pháp. Nhiều rủi ro tiềm ẩn nên mỗi khi có tàu chạy, công ty phải cử nhân viên chốt trực cửa hầm Bắc - Nam để kiểm tra lại các thanh ray, tà vẹt… trong hầm.
“Công ty kiến nghị các cấp thẩm quyền cho thay thế một số cây cầu thép trên tuyến đã cũ để đảm bảo an toàn cho tàu qua lại”, lãnh đạo Công ty CP đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng cho hay.
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, một sự cố sạt lở hầm xảy ra ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của ngành đường sắt. May mắn các sự cố sạt lở vừa qua không ảnh hưởng đến tính mạng con người. Tuy nhiên, ngành đường sắt rút ra được nhiều kinh nghiệm sâu sắc để những giải pháp chủ động hơn, đảm bảo không bị động đối với những sự cố có thể xảy ra tại những cầu, hầm có tuổi thọ lâu năm đang xuống cấp.
Lãnh đạo VNR cho rằng sau khi khắc phục xong các sự cố, các cấp có thẩm quyền cần xem xét bố trí vốn gia cố bước 1 đối với 12 hầm yếu trên tuyến cần phải ưu tiên xử lý với kinh phí dự kiến khoảng 500 tỷ đồng. Ngoài ra, phải có phương án xử lý 27 hầm yếu khác trên toàn tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam thừa nhận tình trạng xuống cấp, thiết bị lạc hậu đang là cản trở rất lớn đối với đường sắt. Đối với 12 hầm đường sắt xuống cấp nghiêm trọng, Bộ GTVT đang bố trí kinh phí để sửa chữa gấp, trong đó ngành đường sắt đang thi công, sửa chữa tại 9 hầm. Tuy nhiên, theo ông Cảnh, đặc điểm của đường sắt là đường đơn, vừa cải tạo vừa khai thác nên mỗi ngày chỉ làm được khoảng 2-2,5 tiếng, tiến độ rất chậm.
Lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam cho hay, trong giai đoạn trung hạn 2021 - 2025, Bộ GTVT đã bố trí khoảng 4.000 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa và nâng cấp hầm xuống cấp. Song, hiện tại số hầm xuống cấp cần phải sửa chữa còn khá lớn, còn khoảng 27 hầm yếu trên toàn tuyến đường sắt Bắc - Nam với số tiền dự tính cần khoảng 2.500 - 3.000 tỷ đồng. Bộ đang đề xuất cơ quan có thẩm quyền bố trí đưa vào giai đoạn 2026 - 2030.
Lùi thời gian thông hầm Chí Thạnh đến ngày 30/5
Liên quan đến khắc phục sự cố sạt lở hầm Chí Thạnh, Ban Quản lý dự án 85 - Bộ Giao thông Vận tải vừa đề nghị Tập đoàn Đèo Cả huy động 10 thiết bị (trong đó có 1 máy khoan, 2 máy phun) và 40 nhân sự đến công trường hầm Chí Thạnh để hỗ trợ khắc phục sự cố. Lực lượng đã bố trí 1 mũi thi công chủ đạo theo hướng Nam - Bắc, thay ca làm việc 24/24 giờ với mục tiêu thông hầm ngày 30/5, giải tỏa ách tắc đường sắt Bắc - Nam qua tỉnh Phú Yên.
Đáng chú ý, Ban Quản lý dự án 85 yêu cầu Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phê bình nghiêm khắc lãnh đạo phụ trách dự án hầm đường sắt Chí Thạnh, đồng thời thay thế ngay tư vấn giám sát trưởng do thiếu trách nhiệm trong giải quyết sự cố sụt lở hầm.