Hàn Quốc trong thế 'giằng co' giữa Mỹ - Trung

TP - Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thăm Hàn Quốc hai ngày 14 và 15/9. Bắc Kinh tuyên bố chuyến thăm nhằm tăng cường hợp tác giữa hai nước, không phải để cạnh tranh với ảnh hưởng của Mỹ.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Hàn Quốc Chung Eui-yong. Ảnh: Yonhap

Theo lịch trình, ông Vương Nghị có cuộc hội đàm với người đồng cấp Chung Eui-yong và hội kiến Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Yonhap đưa tin.

Đây là chuyến thăm lần thứ hai đến Seoul của ông Vương Nghị trong chưa đầy 1 năm, diễn ra trong bối cảnh Mỹ nỗ lực xây dựng lại quan hệ với các đồng minh châu Á để đối phó với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở khu vực. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định việc rút quân khỏi Afghanistan sẽ giúp Mỹ chuyển nguồn lực từ “cuộc chiến không hồi kết” sang khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Khi đến Seoul, ông Vương Nghị được cho là sẽ đề nghị Hàn Quốc ủng hộ Thế vận hội mùa Đông tại Bắc Kinh vào tháng 2/2022, khi nhiều nước phương Tây đang kêu gọi tẩy chay sự kiện này vì vấn đề nhân quyền, Yonhap cho biết. Quan chức Trung Quốc và Hàn Quốc cũng bàn về chuyến thăm Seoul của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Theo Yonhap, các lãnh đạo Hàn Quốc đề nghị Bắc Kinh nới lỏng lệnh cấm các nội dung giải trí của Hàn Quốc áp dụng nhiều năm qua, từ khi Seoul quyết định để Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa. Bên cạnh đó, trước việc Triều Tiên vừa thử tên lửa hành trình và có dấu hiệu khởi động lại lò phản ứng hạt nhân ở Yongbyon, Hàn Quốc hy vọng Trung Quốc giúp kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Níu kéo trước “Ngũ nhãn”?

Các nghị sĩ Mỹ gần đây trình dự luật về việc đưa thêm 3 đồng minh, gồm Hàn Quốc, Ấn Độ và Đức, vào liên minh tình báo “Ngũ nhãn” để tăng cường đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga. Liên minh tình báo “Ngũ nhãn” hiện có 5 quốc gia gồm Mỹ, Anh, Canada, Úc và New Zealand.

Các chuyên gia Hàn Quốc cảnh báo việc tham gia “Ngũ nhãn” có thể làm hỏng quan hệ với Trung Quốc, khi Seoul vẫn cố gắng cân bằng quan hệ giữa hai siêu cường.

“Sự tham gia của 3 quốc gia sẽ giúp nhóm này mở rộng hiện diện ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, nơi Mỹ đang nỗ lực đoàn kết các đồng minh để đối phó với sức mạnh gia tăng của Trung Quốc”, GS Park Won-gon, nhà nghiên cứu về Triều Tiên tại ĐH Phụ nữ Ewha, nói với Korea Herald. “Đối với Hàn Quốc, đây là cơ hội để tiếp cận thông tin tình báo chất lượng cao. Nhưng điều đó cũng đi kèm tổn thất đáng kể, nhất là trong quan hệ với Trung Quốc”, GS Park đánh giá.

“Ngũ nhãn” được lập ra từ năm 1946 để phục vụ việc giám sát Liên Xô và chia sẻ thông tin tình báo mật. Từ đó, tổ chức này tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động sang các lĩnh vực an ninh và kinh tế, trong đó phần lớn thông tin được chia sẻ từ Washington. Hàn Quốc và Mỹ từ lâu vẫn chia sẻ thông tin tình báo mật, chủ yếu về các hoạt động hạt nhân và quân sự của Triều Tiên. Nếu tham gia “Ngũ nhãn”, Hàn Quốc sẽ tiếp cận thông tin rộng hơn về các vấn đề quốc tế. Vấn đề là ưu tiên của liên minh này hiện nay được xác định là đối phó với Trung Quốc, và Hàn Quốc có thể sẽ chịu sức ép phải lựa chọn giữa một bên là đồng minh Mỹ với bên kia là đối tác thương mại lớn nhất- Trung Quốc.

Tháng 5/2020, “Ngũ nhãn” đồng ý mở rộng vai trò để có tiếng nói thống nhất trong những lĩnh vực nhân quyền, dân chủ, lên tiếng trước những yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông và vấn đề Hong Kong. Trung Quốc quyết liệt bác bỏ những cáo buộc đó. Nhưng ngay cả các thành viên hiện nay của “Ngũ nhãn” cũng có lợi ích khác nhau với Trung Quốc. New Zealand chọn cách không lên tiếng quá mạnh mẽ với Bắc Kinh, trong khi Úc bức xúc vì bị Trung Quốc áp hàng loạt biện pháp trừng phạt thương mại.

“Phải chờ xem liệu Hàn Quốc có tham gia "Ngũ nhãn" sau khi cân nhắc nhiều yếu tố, như sự đồng thuận giữa các thành viên và sự sẵn sàng của chính phủ Hàn Quốc”, GS Park nói. “Sẽ có thêm nhiều lời mời khiến Hàn Quốc khó quyết định”, GS Park nhận định. Chính quyền của Tổng thống Moon được đánh giá là đang nỗ lực cân bằng thông qua “sự mơ hồ chiến lược”, nghĩa là Seoul cẩn thận không tỏ rõ thái độ đứng hẳn về Trung Quốc hay Mỹ.

Trước khi thăm Hàn Quốc, ông Vương Nghị thăm Việt Nam, Campuchia, Singapore. Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman thăm Campuchia và Hàn Quốc trong tháng 6 và 7, tiếp nối là chuyến thăm Việt Nam và Singapore của Phó Tổng thống Kamala Harris vào tháng 8.

Chuyến công du lần này của ông Vương Nghị cho thấy ý nghĩa của việc tăng cường quan hệ trong các lĩnh vực kinh tế và thương mại, bên cạnh vấn đề xây dựng lòng tin chính trị và chia sẻ tầm nhìn về bối cảnh an ninh ở khu vực, theo Thời báo Hoàn cầu.Tờ báo này cũng khẳng định dù Mỹ triển khai nhiều cách để “gây chia rẽ” giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, nhưng những “quan hệ hữu nghị” đó sẽ không bị tổn hại.

Trước khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến Seoul, dư luận Hàn Quốc “dậy sóng” vì bộ phim “The Sacrifice” kể về câu chuyện binh lính Trung Quốc sửa cây cầu dưới làn đạn của quân Hàn Quốc và Mỹ, trong giai đoạn ác liệt nhất của chiến tranh Triều Tiên. Bộ phim rất thành công khi công chiếu lần đầu ở Trung Quốc năm 2020, nhưng vấp phải phản ứng hoàn toàn trái ngược khi vừa đưa lên dịch vụ phim ở Hàn Quốc gần đây vì nó mô tả một trận chiến mà ở đó hàng ngàn binh lính Hàn Quốc đã thiệt mạng.