Hai thành viên HĐQT Novaland xin từ nhiệm

TPO - Ông Bùi Xuân Huy đã bán thành công gần 14,8 triệu cổ phiếu Novaland, hạ tỷ lệ sở hữu xuống còn 57,8 triệu cổ phần, tương đương 2,96% vốn điều lệ. Đồng thời, bà Hoàng Thu Châu đã bán thỏa thuận hơn 2,28 triệu cổ phiếu NVL, giảm tỷ lệ sở hữu xuống khoảng 0,2% vốn điều lệ Novaland.

Tập đoàn Novaland (mã chứng khoán: NVL) vừa công bố đơn xin từ nhiệm của hai Thành viên Hội đồng quản trị là ông Bùi Xuân Huy và bà Hoàng Thu Châu.

Cụ thể, theo định hướng tái cấu trúc của Novaland và nguyện vọng cá nhân, ông Huy làm đơn từ nhiệm để thông báo việc không giữ chức vụ Thành viên Hội đồng quản trị. Lý do được ông Huy nêu ra là để tập trung chuyên môn liên quan đến việc triển khai xây dựng, quản lý xây dựng và triển khai kế hoạch của công ty cũng như các công việc liên quan khác.

Ông Bùi Xuân Huy từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Novaland từ ngày 20/1/2022, kế nhiệm từ ông Bùi Thành Nhơn. Tuy nhiên từ ngày 3/2, ông Bùi Thành Nhơn đã chính thức trở lại vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị và là người đại diện pháp luật Tập đoàn Novaland. Như vậy, ông Bùi Xuân Huy rời chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của Novaland sau hơn 1 năm đảm nhiệm thay ông Nhơn.

Ông Bùi Xuân Huy từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Novaland từ ngày 20/1/2022 đến ngày 3/2.

Trong khi đó, bà Châu nêu lý do việc từ nhiệm là tập trung quản lý tại Novagroup, theo định hướng tái cấu trúc toàn diện của Tập đoàn. Hiện tại, bà Châu giữ chức Tổng giám đốc của Novagroup.

Với Tập đoàn Novaland, bà Châu từng giữ nhiều chức vụ quan trọng. Cụ thể, bà Châu làm Kế toán trưởng tại Novaland từ năm 2003 - 2010, giữ chức Phó tổng giám đốc Novaland từ 2012 - 2016.

Trước khi nộp đơn từ nhiệm, cả ông Huy và bà Châu đã thực hiện bán ra hàng chục triệu cổ phiếu NVL, trong khoảng thời gian từ ngày 10 - 14/2.

Cụ thể, ông Huy đã bán thành công gần 14,8 triệu cổ phiếu NVL, hạ tỷ lệ sở hữu xuống còn 57,8 triệu cổ phần, tương đương 2,96% vốn điều lệ. Giao dịch được thực hiện bằng phương pháp thỏa thuận. Thống kê trong ba phiên thuộc thời gian giao dịch của ông Huy từ ngày 10 - 14/2, cổ phiếu NVL ghi nhận gần 19 triệu đơn vị được giao dịch thỏa thuận với giá trị 252 tỷ đồng, trung bình 13.260 đồng/cổ phiếu. Tạm tính theo giá này, lượng cổ phần ông Huy chuyển nhượng có giá trị khoảng 196 tỷ đồng.

Tương tự, bà Châu đã bán thỏa thuận hơn 2,28 triệu cổ phiếu NVL vì lý do cá nhân. Giao dịch được thực hiện trong phiên 10/2. Hiện tại, bà Châu còn sở hữu hơn 4 triệu cổ phiếu NVL, tương đương khoảng 0,2% vốn điều lệ Novaland. Phiên giao dịch 10/2 ghi nhận giao dịch thoả thuận tại cổ phiếu NVL với khối lượng gần 10,5 triệu cổ phiếu, giá trị gần 151 tỷ đồng, tương ứng giá bình quân 14.380 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, bà Châu thu về gần 33 tỷ đồng.

Novaland cũng bổ sung nội dung từ nhiệm của hai Thành viên Hội đồng quản trị vào đợt xin ý kiến cổ đông bằng văn bản, dự kiến từ ngày 10/3 đến hết ngày 21/3. Trong đợt lấy ý kiến cổ đông này, Novaland dự kiến thông qua nhiều nội dung quan trọng; trong đó có kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) năm 2023.

Novaland đang cùng các đơn vị tư vấn KPMG, E&Y Parthenon, Deloitte... xây dựng đề án tái cấu trúc, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, tinh gọn nhân sự, xác định lại mục tiêu thay đổi chiến lược phát triển.

Novaland cũng xin ý kiến cổ đông ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định việc thực hiện tái cấu trúc công ty, bao gồm cả thương lượng và triển khai phát hành mới cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi để tăng vốn và tái cấu trúc tài chính như hoán đổi cổ phần, hoán đổi nợ thành cổ phiếu hoặc tài sản.

Một số nội dung quan trọng khác là ủy quyền Hội đồng quản trị quyết định việc thương lượng, điều chỉnh các điều kiện, nội dung liên quan đến các khoản huy động vốn, cơ cấu lại các khoản huy động đã thực hiện và việc thực hiện mua bán tài sản, hoán đổi tài sản. Công ty cũng xin ý kiến về việc thông qua bảo lãnh thanh toán cho các công ty con, công ty liên kết có khoản phải trả.

Việc ông Bùi Xuân Huy và bà Hoàng Thu Châu từ nhiệm của Thành viên Hội đồng quản trị nằm trong đề án tái cấu trúc Tập đoàn Novaland, khi điều chỉnh số lượng thành viên Hội đồng quản trị từ 7 xuống 5 thành viên và bầu lại thành viên Hội đồng quản trị. Trước đó, ông Bùi Thành Nhơn được chọn là Chủ tịch Hội đồng quản trị và là người đại diện pháp luật của Novaland.

Hiện tại, Novaland đang tập trung cho công tác tái cấu trúc toàn diện. Theo đó, Novaland đang cùng các đơn vị tư vấn KPMG, E&Y Parthenon, Deloitte... xây dựng đề án tái cấu trúc, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, tinh gọn nhân sự, xác định lại mục tiêu thay đổi chiến lược phát triển.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững sáng 17/2, ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Novaland - cho biết, Novaland đang có 25.000 tỷ đồng bị phong tỏa tại các ngân hàng thương mại, trong đó theo các điều kiện tín dụng, khoảng hơn 10.000 tỷ đồng sẽ đủ điều kiện để giải tỏa khi Novaland hoàn thiện được một số thủ tục pháp lý. Nếu trong vòng 1 - 2 tháng tới vấn đề này được giải quyết, doanh nghiệp sẽ có nguồn vốn để tiếp tục hoạt động bình thường.

Bà Hoàng Thu Châu làm Kế toán trưởng tại Novaland từ năm 2003 - 2010, giữ chức Phó Tổng giám đốc Novaland từ 2012 - 2016.

Lãnh đạo Novaland đề xuất giảm lãi suất cho vay, ngân hàng giảm biên lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài ra, về vấn đề trái phiếu, lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng Chính phủ cần ban hành sớm dự thảo sửa đổi Nghị định 65. Việc tháo gỡ pháp lý dự án sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm.

Cụ thể, Novaland đề nghị Thủ tướng khẩn cấp xem xét các kiến nghị của doanh nghiệp như cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên các nhóm nợ cho các dự án bất động sản trong 2 - 3 năm; chỉ đạo tháo gỡ pháp lý tận gốc cho các dự án trên địa bàn cả nước.

Nêu cụ thể từng dự án, ông Nhơn kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo chọn Khu đô thị Aqua City ở Đồng Nai để Tổ công tác của Thủ tướng thí điểm tháo gỡ khó khăn. Novaland mong sẽ được tháo gỡ khó khăn cho dự án này trong 1 tháng.

“Đây là mấu chốt, là dự án sống còn của Tập đoàn Novaland trong thời điểm hiện nay. Nếu dự án này được tháo gỡ sẽ là đầu mối tháo gỡ toàn bộ các khó khăn của Novaland để doanh nghiệp hoàn thiện dự án, thực hiện nghĩa vụ trả nợ trái phiếu, ngân hàng...”, ông Nhơn nói.