Hải quân trên… núi

TP - Ít ai biết rằng trong lực lượng Hải quân còn có những cán bộ, chiến sĩ hằng ngày vẫn sống và làm việc trên… đỉnh núi. Đó là những người lính Trạm radar 585 Tiểu đoàn radar 251 Vùng 2 Hải quân canh cửa biển Vũng Tàu.
Bảo quản cánh sóng radar trước khi bàn giao cho phiên trực mới. ảnh: Tuấn Cường

Theo chính trị viên, đại úy Lê Xuân Tâm, “lính radar thường ở nơi cao nhất, bởi phải đặt máy ở độ cao nhất mới vươn cánh sóng được ra xa”. Đóng quân trên núi ở thành phố Vũng Tàu, nhiệm vụ của Trạm radar 585 là quản lý phát hiện mục tiêu trên mặt biển và không phận thấp; huấn luyện trắc thủ radar phân bổ cho các đơn vị trong vùng.

Để kịp thời kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền, những mục tiêu lạ đi lại ở cửa biển Vũng Tàu và khu vực giàn khoan dầu khí, các chiến sĩ phải trực canh liên tục 24/24 giờ, không được rời vị trí trực bất kể trong mọi tình huống. Nhiều người có gia đình vợ con ngay ở chân núi cách đơn vị chỉ 3 km nhưng tuần mới về thăm một lần. Đó là những sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp có gia đình, còn đối với các chiến sĩ và học viên thực tập, có khi cả tháng mới một lần “xuống núi”.

“Trước đây tôi đi nhà giàn DK1 đã xa vợ con đằng đẵng. Nay, đơn vị đóng quân ngay trong lòng thành phố, nhưng không phải tuần nào cũng về thăm vợ con được. Nhiệm vụ của lính radar luôn căng thẳng bận bịu, 24/24 giờ quan sát mục tiêu. Ở đây ai cũng quen kham khổ, chịu khó rồi”, đại úy Tâm chia sẻ.

Khó khăn nhất hiện nay của trạm là thiếu nước ngọt. Nước ngọt sạch dùng cho ăn uống phải mua ở Công ty Cấp thoát nước Vũng Tàu 80-100 ngàn đồng/khối. Mỗi lần mua, xe bồn chạy ngược leo dốc từ chân núi lên bơm vào bể chứa 10 khối ở khu B.

10 khối nước ấy bộ đội chỉ được dùng để ăn, uống dè dặt trong một tháng. Đối với các chiến sĩ trực trên đỉnh núi, nước được đong vào can nhựa và anh em cõng lên. Từ khu nhà trung tâm phía lưng chừng núi, đưa được nước ngọt lên đỉnh vô cùng khó khăn.

Đường quanh co, một bên là núi, một bên là vách rừng, chỉ sơ sẩy là cả người và can lăn xuống vực. Để bảo đảm an toàn, mỗi lần thay trực, cả tiểu đội lưng cõng nước, tay chống gậy thường hành quân vào buổi trưa, vì lúc đó sương tan, tầm quan sát xa hơn.

Ở khu nhà dựng ở lưng chừng núi, nước dùng cho cán bộ chiến sĩ tắm hằng ngày chủ yếu nước tràn từ núi xuống khi mùa mưa. Do nước mang theo nhiều độc tố từ cây rừng nên anh em phải dùng phèn khuấy lắng cặn. Dù là nước từ núi xuống nhưng không phải ngày nào cũng được tắm. Qua Tết là mùa hiếm nước nhất, mỗi người một tuần chỉ được tắm 2 lần.

Do thiếu nước nên việc tăng gia trồng rau ở đây vô cùng khó khăn. Bầu bí chỉ sống được mùa mưa, còn mùa khô không có rau nào sống được, ngoài cỏ dại và cây rừng già cỗi. Các chiến sĩ trực trên đài A một tuần thay phiên một lần. Kíp trực mới có nhiệm vụ gánh nước, gùi gạo, muối, đồ ăn leo dốc hơn 2.000m thay trực cho kíp cũ.

Xác định “Trạm radar là mắt thần, không lơ là mất cảnh giác, không bỏ sót lọt mục tiêu”, cán bộ chiến sĩ luôn duy trì nghiêm ngặt chế độ trực canh quan sát bằng khí tài điện tử và quan sát mắt thường. Đại úy Tâm cho biết: “Càng ở nơi khó khăn gian khổ tinh thần đồng đội càng được nâng cao mà trước hết là cán bộ phải gương mẫu cho chiến sĩ học tập và noi theo. Có thương yêu chiến sĩ như anh em một nhà anh em mới yêu mến đơn vị và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ”.