Hai phu vàng mắc kẹt trong hang ở Hòa Bình: Phần nghìn tia hy vọng

TP - Chủ mỏ vàng Cột Cờ, thuộc địa phận xã Thanh Nông (Lạc Thủy, Hòa Bình) núp bóng dự án “San lấp hoàn trả mặt bằng” để khai thác, tận thu vàng sa khoáng dẫn đến sự cố hai công nhân mắc kẹt dưới hầm.

Cứu hộ chậm trễ

Ngày 7/11, sau bốn ngày tổ chức cứu hộ hai phu vàng mắc kẹt tại hang Cột Cờ, thuộc địa phận xã Thanh Nông (Lạc Thủy- Hòa Bình), mực nước tại hang đá đã giảm sâu nhưng lượng bùn lớn trong hang đá khiến việc tìm kiếm chưa có kết quả. Theo ghi nhận, hai máy xúc vẫn đang được huy động cào bùn đá từ trong ra cửa hang để máy bơm hút ra ngoài. Khoảng rộng bên trong hang chừng hai xe tải có thể lọt vừa nhưng lượng bùn sâu tới gần 1m.

Anh Bùi Văn Sinh, một người tham gia cứu hộ cho biết, hang sâu, dài gần 150m nên khối lượng bùn và nước rất lớn. Đã bốn ngày cứu hộ, mỗi ca từ 5-6 người phân công nhau vừa dùng vòi nước phun cho loãng bùn mới có thể hút được. “Còn nhiều bùn lắm, hút đến đâu bùn từ trong tràn ra đến đấy. Để hút được bùn thì phải có người cầm vòi nước xả liên tục, nếu không bùn cạn đóng thành tảng không thể hút ra”, anh Sinh nói. 

Anh Bùi Công Thành (người địa phương) nói: “Tôi thấy phương tiện cứu hộ chỉ có hai máy bơm và hai máy xúc cào bùn. Về nhân lực chỉ có nhóm hơn 10 công nhân thay ca nhau bơm hút bùn đất và không có bất cứ lực lượng nào khác vào hang hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ”, anh Thành nói.

Theo ghi nhận của phóng viên, ngày đầu tiên khá đông lực lượng dân quân tự vệ, cảnh sát, hỗ trợ cứu hộ. Tuy nhiên sau đó lực lượng chức năng chỉ bảo vệ hiện trường, thậm chí buổi tối mọi hoạt động cứu hộ tạm dừng.

Công nhân bơm hút nước, bùn tìm kiếm hai phu vàng mắc kẹt. Ảnh: Mạnh Thắng

Gia cảnh éo le của phu vàng mắc kẹt

Ngồi thất thần trên bãi đất trống trước cửa hang, chị Bùi Thu Trang - vợ nạn nhân Bùi Văn Thú (SN 1992, trú tại thôn Đệt, xã Thanh Nông) liên tục ngất lịm vì khóc quá nhiều. Chị Trang kể, tối 3/11, chị gọi nhưng chồng thông báo hôm nay ít người, phải làm gấp nên không về ăn cơm. Linh cảm có điều chẳng lành, nửa đêm chị gọi lại cho chồng thì không liên lạc được. Sớm 4/11, hàng xóm hớt hải chạy về báo tin chồng mắc kẹt trong hang vàng, chị bàng hoàng, chỉ kịp báo cho bố chồng và người thân ra đó.

Năm 2009, chị và anh Thú cưới nhau. Do hoàn cảnh khó khăn nên phải đi làm thuê ở nhiều nơi, không lâu sau mẹ chồng mất. Mới tháng 6/2018, chị bị ô tô đâm gãy tay nên ở nhà từ đó tới nay. Mọi chi tiêu trong gia đình đều phụ thuộc vào lương làm thuê của anh Thú. Nghe tin con trai gặp nạn, ông Bùi Văn Nị (SN 1951, bố anh Thú) nằm gục trên giường không thể gượng dậy. Ông Nị nghẹn ngào: “Tôi có hai đứa con trai, đứa lớn đã chết do bệnh tật, còn thằng Thú lại mắc kẹt trong hang vàng. Nó chưa bao giờ nói với tôi đi khai thác vàng mà chỉ bảo đi làm...”.

Khai thác vàng trái phép núp bóng hợp đồng san lấp

Ba ngày dựng lán, trải chiếu đất trực chờ tin tức, hàng chục người thân của nạn nhân Trương Công Chánh (SN 1992, trú tại xã Thạch Mỹ, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) tỏ rõ sự mệt mỏi và dường như mất hết hy vọng về một phép màu. Ông Trương Công Điệp (chú ruột anh Chánh) cho biết, Chánh mới đi làm được nửa tháng. Khi đi, anh Chánh  chỉ nói đi san lấp mặt bằng ở Hòa Bình, gia đình không biết anh đi đào vàng. Theo ông Điệp, ở quê Chánh có vợ và hai con nhỏ (cháu lớn 6 tuổi, cháu nhỏ 8 tháng tuổi). Khi nghe tin dữ, vợ Chánh khóc ngất, sức khỏe và tinh thần quá yếu không thể đến hiện trường ngóng tin chồng.

Ông Bùi Văn Nị - bố anh Bùi Văn Thú, người bị mắc kẹt dưới hang vàng. Ảnh: Nguyễn Hoàn

Mỏ vàng “núp bóng” dự án san lấp

Ông Quách Tất Liêm - Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy thông tin, từ tháng 3/2016 đến nay, địa phương nhiều lần xử phạt hành chính đối với chủ mỏ vàng Cột Cờ là ông Bạch Xuân Hưng về hành vi khai thác vàng sa khoáng trái phép. Ông Liêm giải thích về tình trạng tái diễn vi phạm dẫn đến sự cố là do ông Hưng lợi dụng thời gian khắc phục, sửa chữa đoạn đường bị sạt lở để khai thác vàng vào ban đêm.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi xử phạt hành chính mỏ vàng trái phép này cuối năm 2017, ngày 4/1/2018, bà Lâm Thị Kính - Trưởng phòng Tài nguyên môi trường (TN&MT) huyện Lạc Thủy ký hợp đồng san lấp mặt bằng đối với Công ty TNHH Reman Đại Kim với mục đích hoàn trả lại mặt bằng đất để cho người dân sản xuất nông nghiệp. Hợp đồng có thời hạn 90 ngày để thực hiện. Tuy nhiên, đến hết thời hạn thực hiện ngày 4/4/2018 đơn vị này chưa hoàn thành mặt bằng theo hợp đồng, UBND xã Thanh Nông có báo cáo nhưng Phòng TN&MT không gia hạn hoặc chấm dứt hợp đồng. Nguồn tin từ UBND xã Thanh Nông cho biết, trong và sau thời hạn thực hiện san lấp mặt bằng, ông Bạch Xuân Hưng vẫn khai thác vàng trái phép với 1 máy xúc, 1 máy bơm, 1 giàn đãi vàng cùng 4 công nhân làm việc.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Bạch Bá Hán - Chủ tịch UBND xã Thanh Nông cho biết, xã thành lập tổ giám sát, khi hết thời hạn hợp đồng san lấp xã có đề nghị nhưng tới tháng 8/2018, Phòng TN&MT huyện mới chấm dứt hợp đồng. Nhiều thiết bị khai thác vàng đã bị công an huyện thu giữ trong ngày thanh lý hợp đồng san lấp. Nhưng chỉ 20 ngày sau, toàn bộ số máy móc đã được bàn giao trả lại. Đến ngày 4/11, xảy ra sự cố bục túi nước trong hang khiến hai công nhân bị mắc kẹt.

Trong buổi họp báo tại UBND tỉnh Hòa Bình ngày 5/11, đại tá Nguyễn Thành - Phó Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, đã tạm giữ hình sự đối tượng Bạch Xuân Hưng - chủ bãi khai thác vàng trái phép để lấy lời khai củng cố hoàn thiện hồ sơ vụ án. Ông Thành cũng thông tin khám nghiệm hiện trường cho thấy, các đối tượng khai thác vàng trái phép đã vùi lấp một số trang thiết bị máy móc để phi tang.

Năm 2009, chị Trang và anh Thú cưới nhau. Do hoàn cảnh khó khăn nên phải đi làm thuê ở nhiều nơi, không lâu sau mẹ chồng mất. Mới tháng 6/2018, chị bị ô tô đâm gãy tay nên ở nhà từ đó tới nay. Mọi chi tiêu trong gia đình đều phụ thuộc vào lương làm thuê của anh Thú. Nghe tin con trai gặp nạn, ông Bùi Văn Nị (SN 1951, bố anh Thú) nằm gục trên giường không thể gượng dậy.