Hạ tầng 'ngáng' du lịch Việt Nam phát triển

TP - Việt Nam có tài nguyên thiên nhiên tuyệt vời, vị trí tuyệt vời nhưng lại gặp khó khăn khi hạ tầng không đáp ứng được tốc độ tăng của khách
Khách du lịch nước ngoài đi dạo, tham quan trên phố cổ Hà Nội Ảnh: Ngọc Châu

Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cùng mổ xẻ những ưu điểm và khuyết điểm của ngành Du lịch Việt Nam tại Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam năm 2018 diễn ra chiều 5/12 tại Hà Nội.

Theo Tiến sĩ Lương Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc VietStar Airlines, hạ tầng sân bay là một trong những thách thức lớn đối với đề án phát triển du lịch Việt Nam trong tương lai. Thực tế này cần được lưu tâm lưu ý, tháo gỡ kiên quyết, nếu không sẽ kìm hãm phát triển du lịch.

Theo ông Lương Hoài Nam, từ năm 1975 đến nay, Việt Nam mới chỉ xây mới hoàn toàn và đưa vào hoạt động duy nhất sân bay Phú Quốc và sắp tới thêm sân bay Vân Đồn. Các sân bay khác được cải tạo từ sân bay quân sự với khả năng mở rộng hạn chế. Đến nay, Việt Nam mới có 21 sân bay, có khả năng tiếp nhận vận chuyển 75 triệu khách mỗi năm.

“Công suất 21 sân bay này cộng lại mới bằng một sân bay ở Bangkok. Đây là những con số đáng lo ngại. Năm 2017, hệ thống sân bay phục vụ 95 triệu khách trên thực tế và dự kiến năm nay sẽ là 105 triệu khách. Đó là lý do các sân bay Tân Sơn Nhật, Nội Bài...luôn nằm trong tình trạng quá tải. Giao thông quanh khu vực sân bay bức bí. Điều này tạo hình ảnh xấu cho ngành du lịch Việt Nam”, ông Nam cho biết.

Ông Hà Minh Đức, tổng giám đốc một công ty du lịch khiến hội trường xôn xao khi nói: “Việt Nam có tài nguyên thiên nhiên tuyệt vời, vị trí tuyệt vời nhưng lại gặp khó khăn khi hạ tầng không đáp ứng được tốc độ tăng của khách”.

Trong khi đó, ông Kenneth Atkinson - Chủ tịch Điều hành Grant Thornton Việt Nam cho biết, có một số bất cập để đảm bảo tính bền vững trong du lịch, như vịnh Hạ Long bị ô nhiễm từ các cửa xả và tàu thuyền; Sapa gặp một số vấn đề về xây dựng ảnh hưởng đến cảnh quan. Về công suất của các sân bay, rất nhiều thông tin về các sân bay ở TP HCM, Nha Trang, Phú Quốc giờ đều quá tải. Trong 7, 8 năm tới, Việt Nam sẽ thu hút 30 triệu lượt khách, nên chúng ta phải sẵn sàng về hạ tầng”, ông Kenneth nói.

Ông Lê Quang Tùng - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay , mục tiêu phát triển ngành Du lịch Việt Nam đến 2025 là tổng thu sẽ đạt 45 tỷ USD, tạo ra 6 triệu việc làm, trong đó có 2 triệu việc làm trực tiếp. Để đạt mục tiêu này, Chính phủ đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn đọng và giải pháp tháo gỡ trong ngành du lịch hiện tại.

Theo ông Lê Quang Tùng, từ 1990 đến 2017, khách du lịch quốc tế tăng 52 lần, nội địa 72 lần. Tuy nhiên, một số hạn chế mà du lịch Việt Nam gặp phải là hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn nhân lực còn yếu, năng lực quản lý điểm đến còn thấp, phát triển du lịch chưa gắn với bảo vệ môi trường. Do đó, cần tái cơ cấu du lịch là cần thiết để nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá.