Lãnh đạo UBND TP Hà Nội giao Giám đốc Công an thành phố chủ trì, phối hợp với Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân và các đơn vị liên quan tập trung khắc phục hậu quả, khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, xử lý theo quy định của pháp luật (nếu có).
Giao Giám đốc các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ vật chất, tinh thần gia đình người bị nạn là học sinh đang theo học tại các trường của thành phố.
Giám đốc các đơn vị: Sở Y tế, Công an Thành phố, Chủ tịch UBND quận có trách nhiệm đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực xảy ra vụ cháy, chỉ đạo các cơ sở Y tế chăm sóc tốt nhất cho những nạn nhân đang được cấp cứu. Báo cáo Thường trực Thành ủy, UBND TP chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.
Theo UBND quận Thanh Xuân, vụ cháy đã gây ra nhiều hậu quả. Đến 5h ngày 13/9/2023, thống kê sơ bộ: Đã thực hiện cứu hộ thành công trên 70 người dân, đưa đi cấp cứu 54 người, trong đó có người đã tử vong.
Hiện các cơ quan của quận Thanh Xuân đang phối hợp chặt chẽ với Công an Thành phố và các lực lượng chức năng khẩn trương xử lý tại hiện trường, tiến hành hỗ trợ người bị nạn và có các phương án khắc phục hậu quả vụ cháy. Đồng thời tiến hành điều tra nguyên nhân vụ cháy.
Luật sư nói về trách nhiệm trong vụ cháy
Nói về trách nhiệm trong vụ cháy chung cư mini nêu trên, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, đầu tiên cần phải xác định nguyên nhân cháy là gì. Nếu việc cháy nổ xảy ra là lỗi cố ý hay vô ý, hệ thống tòa nhà có đảm bảo đủ tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy theo quy định hay không? Công tác quản lý vận hành và giám sát được thực hiện đúng theo nội quy quy định không để xác minh các vấn đề xung quanh và trên cơ sở này mới xác định được trách nhiệm sẽ thuộc về ai.
Hiện cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành điều tra, tìm ra nguyên nhân, vì vậy, chưa thể kết luận được ai là người gây ra thiệt hại và trách nhiệm bồi thường như thế nào. Tuy nhiên, có thể đặt ra giả thiết rằng việc cháy nổ là do nguyên nhân của một cá nhân hay chủ căn hộ chung cư do sự bất cẩn hay cố ý thì người này sẽ phải chịu trách nhiệm đối với việc cháy nổ.
"Nếu nguyên nhân xảy ra do hệ thống phòng cháy chữa cháy của chung cư không đạt tiêu chuẩn theo quy định thì trách nhiệm sẽ thuộc về chủ đầu tư chung cư đó" - luật sư phân tích.
Ngoài ra, nếu là các nguyên nhân khác thì tùy vào bản chất và hậu quả của vụ việc sẽ xác định trách nhiệm của từng đối tượng cụ thể. Ai được xác định là đối tượng gây ra cháy nổ sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Theo đó, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 51 Nghị định 144/2021/NĐ-CP với mức phạt tiền lên đến 10 triệu đồng hoặc xử lý hình sự tùy vào từng trường hợp.
Về sự việc cháy nổ gây thiệt hại về tính mạng và sức khỏe cho hơn 50 người như vụ việc nêu trên thì người có hành vi gây ra cháy chung cư có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu có vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện lực dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
"Như vậy, việc tuân thủ phòng cháy chữa cháy là việc làm rất quan trọng, là nghĩa vụ của mọi người dân nhằm bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng, tài sản của bản thân và những người xung quanh. Để giảm thiểu tình trạng và quy mô cháy nổ diễn ra trên cả nước, đặc biệt tại các khu vực đông dân cư thì người dân cần trang bị tốt cho mình những kiến thức cơ bản về phòng cháy chữa cháy, có ý thức tốt trong việc tuân thủ nghiêm chỉnh quy định của pháp luật", luật sư Nguyễn Ngọc Hùng chia sẻ.