Là một trong hai trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam, Thủ đô Hà Nội thu hút nhiều nguồn lao động đến sinh sống và làm việc. Theo thống kê, tổng dân số Hà Nội hiện nay khoảng 8,5 triệu người. Mật độ dân số là 2.398người/km2, cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân số của cả nước. Điều này tạo áp lực ngày càng lớn về các hạ tầng giao thông, kỹ thuật thành phố. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh đã tác động tiêu cực đến môi trường ở Hà Nội.
Nước thải 'bức tử' các dòng sông
Hiện nay, hầu hết nước thải sinh hoạt ở Hà Nội đều chưa được xử lý mà đổ thẳng ra các sông hồ. Tổng lượng nước thải hằng ngày của thành phố Hà Nội vào khoảng 400.000m3 trong đó có tới 1/3 là nước thải công nghiệp.
Thống kê sơ bộ, hiện Hà Nội có 10 khu công nghiệp (KCN) mới, 9 KCN cũ và 29 cụm công nghiệp. Khoảng 100% các KCN có các trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường, nhưng chỉ khoảng 60% các cụm công nghiệp có các trạm xử lý nước thải tập trung.
Đáng nói phần lớn các KCN và cụm công nghiệp các thiết bị, công nghệ sản xuất lạc hậu đã thải ra nhiều chất thải gây ô nhiễm môi trường không khí, ô nhiễm môi trường nước, ô nhiễm về chất thải rắn.
Môi trường nước tiếp nhận lượng nước này là các hồ, kênh, mương và sông. Hầu hết các cơ sở công nghiệp đều xả trực tiếp nước thải vào các sông thoát nước chính là Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét và các mương, hồ của thành phố.
Nhiều phân tích đã chỉ rõ, nước thải công nghiệp của Hà Nội có chứa các chất lơ lửng, các hợp chất chứa P, N, chỉ số BOD5 (nhu cầu ôxy sinh hóa các chất hữu cơ), COD (nhu cầu ôxy hóa học chất hữu cơ), kim loại nặng đều rất cao.
Hiện nay, hầu hết các sông hồ của Hà Nội đều bị ô nhiễm cả về cơ học, hóa học và sinh hoạt, có sự phân hủy yếm khí tạo ra khí độc như H2S, NH4. Hàm lượng NO2, NO3 đều cao, BOD5 quá tiêu chuẩn cho phép (TCCP) tới 3 lần.
Thậm chí, hàm lượng coliform của một số hồ gần khu vực dân cư vượt TCCP tới 100 - 200 lần, vào mùa khô vượt tới... 700 lần.
Nước thải nếu không được xử lý trước khi thải ra môi trường sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước và sức khỏe của con người, tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, gây nhiễm độc nguồn nước ngầm và rất nhiều hệ lụy cho thế hệ tương lai.
Xử lý nước thải chưa hiệu quả
Theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội, vào năm 2030, hệ thống nước thải của thành phố sẽ được thu gom và xử lý với 41 nhà máy, công suất 1.800.000m3/ngày đêm, xử lý 100% nước thải sinh hoạt.
Mục tiêu của thành phố Hà Nội là đến năm 2025, tỷ lệ xử lý nước thải đô thị đạt 50-55%.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, thì TP Hà Nội mới chỉ có 6 nhà máy, trạm xử lý nước thải sinh hoạt. Nhiều trạm như Kim Liên, gần 20 năm công suất không thay đổi.
Tính tổng công suất 5 nhà máy, trạm xử lý nước thải sinh hoạt còn lại của TP. Hà Nội như Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, hiện cũng chỉ xử lý được khoảng gần 30% tổng lượng nước thải của Thủ đô mỗi ngày.
TP Hà Nội cũng đã đưa ra và thực hiện một số giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm và làm sạch hệ thống sông, hồ nội đô trong nhiều năm nay.
Đặc biệt, việc phục hồi lại chất lượng nước, môi trường và cảnh quan 4 con sông nội đô thuộc khu vực trung tâm TP Hà Nội: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ và sông Sét, là một trong những nhiệm vụ thuộc Chương trình số 05 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về xử lý vấn đề môi trường được UBND thành phố phê duyệt từ tháng 12/2021.
Tuy nhiên, theo đánh giá, những giải pháp đã thực hiện chưa đem lại hiệu quả rõ rệt. Trong khi hàng ngày, 90% khối lượng của khoảng 400.000m3 nước thải sinh hoạt và hơn 1.000m3 rác thải không hề được xử lý trước khi đổ thẳng vào các ao hồ, sông ngòi.
Hiện nay việc thu gom nước thải còn gặp nhiều khó khăn do hệ thống đường ống thu gom khá xa với khu dân cư; công nghệ xử lý tại nhiều nhà máy là cơ bản truyền thống; tổng lượng nước thải được xử lý triệt để bảo đảm các yêu cầu phục vụ tái sử dụng nước còn thấp.
GS.TS Trần Đức Hạ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước Việt Nam cho rằng, cần nghiên cứu các giải pháp tăng cường khả năng tự làm sạch sông hồ nội đô, kết hợp với các công trình cảnh quan, vui chơi giải trí và các công trình văn hóa, tâm linh... trên mặt nước.
Xây dựng hệ thống quan trắc chất lượng nước và chế độ thủy văn của sông hồ nội đô để kịp thời điều chỉnh lưu lượng nước bổ cập. Và đồng thời kiểm soát hoạt động các nhà máy, cũng như công trình xử lý nước thải xả vào sông.
Theo kế hoạch về phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025, TP. Hà Nội chú trọng 5 nhóm giải pháp để tổ chức thực hiện. Cụ thể: tuyên truyền về nghĩa vụ, trách nhiệm của người dân trong việc chi trả phí bảo vệ môi trường, giá dịch vụ thoát nước; bố trí nguồn đầu tư; có cơ chế, chính sách cụ thể và tổ chức điều hành, phối hợp thực hiện, Thành phố sẽ lựa chọn mô hình, công nghệ xử lý nước thải đó là tiếp tục triển khai các nhà máy xử lý nước thải tập trung quy mô lớn theo quy hoạch; xây dựng hệ thống xử lý nước thải phân tán (phi tập trung) cho từng tiểu khu hay từng công trình như các khu biệt thự, nhà vườn, các khu có tính chất nửa đô thị, nửa nông thôn và các cụm nông thôn nhỏ cách xa các khu đô thị tập trung. Thành phố đặt mục tiêu hoàn thành tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đến năm 2025 đạt 50-55%.
Thành phố cũng định hướng ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước lưu vực tả Nhuệ, hữu Nhuệ, khu vực các quận: Hà Đông, Long Biên và khu vực phía Tây, nhằm giải quyết tình trạng úng ngập do mưa; ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải để thu gom và xử lý nước thải đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quy định nhằm góp phần cải thiện môi trường tại khu vực nội thành, khu vực đô thị có mật độ dân cư cao, tốc độ đô thị hóa lớn như quận Hà Đông, Long Biên..., giảm thiểu ô nhiễm lưu vực các sông: Nhuệ, Cầu Bây; ưu tiên đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải khu dân cư tập trung đã và đang hình thành của một số huyện theo Đề án lên quận vào năm 2025.