Phóng viên Tiền Phong trao đổi với bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng ban Văn hóa-xã hội, HĐND thành phố Hà Nội.
Được biết Ban Văn hóa xã hội của Hà Nội vừa đi kiểm tra tình hình lạm thu tại các trường ở Hà Nội và xác định là vẫn có lạm thu, mặc dù hiện tượng này chấn chỉnh nhiều lần. Hà Nội có biện pháp quyết liệt nào để dứt điểm tình trạng lạm thu?
Tới đây chúng tôi sẽ làm rõ đâu là các khoản thu hộ-chi hộ, đâu là các khoản chi khác mà phụ huynh phải đóng nộp ngoài học phí, không vào phần ngân sách nhà nước cấp. Trên cơ sở đó các trường phải thu đúng quy định. Nếu thu sai các trường phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo đúng quy định.
Với trên 2.000 trường ở Hà Nội, nhưng chỉ 18 trường được kiểm tra. Học phí nơi tăng, nơi giảm như thế, chất lượng giáo dục sẽ được đảm bảo như thế nào?
Sau quy định mới Hà Nội sẽ phải xác định lại tổng chi phí học tập của mỗi cấp học, bậc học. Trên cơ sở đó, mới cân đối giữa ngân sách cấp và dân đóng góp. Nhà nước cấp đủ để các trường thực hiện theo chương trình khung của Bộ GD&ĐT trong điều kiện học tập bình thường.
Hà Nội sẽ phải làm rõ ngoài cái bình thường, ngoài chương trình đó, khoản nào là thu hộ-chi hộ và chi khác để đảm bảo tỷ lệ giữa người dân đóng góp và của nhà nước một cách hợp lý. Hiện đang có sự nhầm lẫn về các khoản lạm thu và thu hộ.
Các khoản như: bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể; trang phục, ăn uống, điều hòa, quạt… là các khoản thu hộ. Nhà nước chỉ đảm bảo những thứ thực hiện chương trình khung của giáo dục. Học thêm ngoài chương trình, điều kiện học tập trong điều hòa, điện để chạy điều hòa… rõ ràng nhà nước không đảm bảo được.
Tuy nhiên, để bù lại Hà Nội sẽ lấy trong dự toán hằng năm 27 tỷ đồng để bù đắp, đảm bảo các trường vẫn hoạt động bình thường sau khi giảm học phí.
Bao giờ Hà Nội sẽ công khai chế tài xử phạt lạm thu?
Điều bắt buộc là UBND thành phố phải công khai sau khi có nghị quyết và nghị quyết sẽ có hiệu lực sau 15 ngày.
Mức thu học phí mới sẽ được áp dụng ngay trong năm học này còn các khoản thu chi khác thuộc thẩm quyền của UBND và HĐND. Vì vậy, UBND sẽ tính toán và đưa ra quy định thống nhất chung trong toàn thành phố trong thời gian sớm nhất.
Xin cám ơn bà.
Có những khoản thu tự nguyện nhưng thực chất bắt buộc
Nhà nước không đủ sức bao cấp cho giáo dục nên đã có chủ trương xã hội hóa giáo dục để nhân dân cùng đóng góp vào sự nghiệp này; nếu không tăng mức đóng góp của nhân dân thì tốt nhưng giảm học phí để rồi “ăn” vào chất lượng thì chắc chắn không được .
Ngoài ra, quy định thu chi không phù hợp với thực tiễn, đầu tư nhà nước thấp quá, học phí thấp quá rồi do quản lý chưa chặt chẽ , quy định còn lỏng lẻo, nên dù quy định không thu khoản nào khác ngoài học phí các nhà trường một số địa phương nhà trường vẫn thu có khoản không đúng do còn lập lờ giữa các khoản thu.
Ví dụ, bảo hiểm là thu hộ thì trở nên bắt buộc; có những khoản thu tự nguyện đưa vào bắt buộc; có những khoản thu hình thức là tự nguyện nhưng thực chất là bắt buộc…
Điều nên làm hiện nay là các khoản thu phải minh bạch rõ ràng công khai và trên tinh thần tự nguyện, sau đó mới đến kiểm tra, giảm sát thực thi quy định.
(Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UB Văn hóa-xã hội thanh thiếu nhi của Quốc hội).
Hồ Thu