Hà Nội 12 ngày đêm qua ký ức cựu binh Nga

LTS: Trong những ngày Việt Nam tổ chức kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, các cựu binh Nga từng tham gia cuộc chiến tại Việt Nam cũng hồi tưởng những ngày tháng 12 hào hùng năm ấy.

Mùa thu năm 1972, Việt Nam tiến hành cuộc đàm phán thỏa thuận ngừng bắn với Mỹ. Nhưng giới quân sự và chính trị Mỹ không hài lòng với tiến trình thương lượng.

Nhằm mục tiêu phá hoại miền Bắc, bẻ gãy tinh thần của nhân dân và buộc ban lãnh đạo Việt Nam thực hiện loạt nhượng bộ, người Mỹ lập kế hoạch thực hiện chiến dịch không quân qui mô chưa từng có trong lịch sử chiến tranh ở Đông Dương dưới tên gọi Linebacker-II.

Mỹ huy động hơn 800 máy bay chiến đấu tham gia chiến dịch, với sự yểm trợ từ ngoài khơi của Hạm đội 7. Những trận ném bom rải thảm tại Hà Nội, Hải Phòng diễn ra suốt ngày và đêm từ 18 đến 30 tháng 12 năm 1972.

Lực lượng tấn công chủ lực là các máy bay ném bom chiến lược B-52, được người Mỹ mệnh danh là những pháo đài bay, đi kèm là các chiến đấu cơ, bao gồm cả F-111 hiện đại bay ở độ cao thấp.

Nhiệm vụ của chiến đấu cơ này là tạo nhiễu chủ động và bị động, áp đảo các phương tiện phòng không Việt Nam. Mỹ sử dụng tên lửa Shrike lợi hại để truy lùng và phá hủy hệ thống radar của Việt Nam.

Thượng tướng Nga Anatoly Khiupenen nhớ lại, các chiến sĩ radar cũng như phi công gần như bó tay trong màn nhiễu dày đặc. Thời kỳ 1972-1975, ông Khiupenen tham gia chỉ đạo nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam.

“Nhiệm vụ chính được Bộ chỉ huy Việt Nam đề ra là tiêu diệt các máy bay ném bom B-52. Nhưng liệu có thể xác định chúng trong đám đông những cỗ máy có cánh và màn nhiễu dày đặc! Trong những điều kiện cực kỳ khó khăn, các khẩu đội Việt Nam vẫn phát hiện và bình tĩnh hạ lần lượt từng chiếc B-52.

Chiến dịch đã được chuẩn bị tốt. Phía Việt Nam quyết định chỉ sử dụng các radar ở cánh sườn, thường xuyên thay đổi vị trí, tổ chức ngụy trang, phóng tên lửa giả, vận dụng các thiết bị mới. Các chiến sĩ tên lửa, các xạ thủ phòng không và phi công Việt Nam đã bắn hạ được 81 máy bay, trong đó có 34 chiếc B-52.

Cảnh tượng bầu trời Hà Nội rực lửa thật khủng khiếp, nhưng đồng thời cũng làm tất cả nức lòng, bởi kẻ xâm lược đã bị trừng trị. Đó là chiến công của những người lính Việt Nam. Các pháo đội đã chứng tỏ sự hoạt động chuẩn xác, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả tuyệt vời”, Thượng tướng Nga Anatoly Khiupenen cho biết.

Những bước đầu tiên tiến tới chiến thắng này đã được thực hiện vào tháng 7 năm 1965, với các tên lửa đầu tiên phóng từ hệ thống phòng không Dvina của Liên Xô và các chiến đấu cơ Mỹ đầu tiên bị bắn hạ, - ông Nikolai Kolesnik, Chủ tịch Tổ chức xã hội liên vùng Các cựu chiến binh tham gia cuộc chiến tại Việt Nam tham gia câu chuyện.

“Những chuyên gia Liên xô chúng tôi hướng dẫn điều khiển tổ hợp tên lửa tiên tiến cho các chàng trai Việt Nam, nhiều người trong số họ mới làm quen với kỹ thuật phức tạp nhất là chiếc xe đạp.

Những giờ nghiên cứu diễn ra không phải bên bàn học, mà vào khoảng khắc gián đoạn giữa các cuộc không kích của máy bay Mỹ. Thế mà họ đã nắm bắt và vận dụng kiến thức vào các trận chiến cam go, trong điều kiện nhiều khi vượt quá sức chịu đựng của con người. Bởi họ thực sự mong muốn giành chiến thắng.

Các thanh niên Việt Nam không chỉ trau dồi kinh nghiệm phản công không kích, dưới điều kiện khí hậu khắc nghiệt về độ nóng và độ ẩm cao, họ linh hoạt tháo dỡ và di chuyển vũ khí trong vòng 30 phút đồng hồ, thay vì hai giờ tiêu chuẩn, không để máy bay Mỹ tiêu diệt vũ khí. Học viên của chúng tôi đã trở thành những chuyên gia xuất sắc”.

Chiến dịch Linebacker – II đã thất bại. 10% lực lượng không quân Mỹ ở Đông Dương bị tiêu diệt. Chiến thắng trên không được nhân dân Việt Nam so sánh với trận Điện Biên Phủ oai hùng, chấm dứt Cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954).

Hoạt động của lực lượng phòng không và không quân Việt Nam trong 12 ngày của tháng Chạp năm 1972 đã đi vào sách giáo khoa quân sự như ví dụ điển hình về "hoạt động phòng thủ tuyệt vời".

Điện Biên Phủ trên bầu trời Hà Nội chấm dứt sự xâm lược của Mỹ ở Việt Nam và tháng Giêng năm 1973, Hiệp định hòa bình đã được ký với những điều kiện mà phía Việt Nam đưa ra.

An Huy
(theo Voice of Russia)

Theo Tổng hợp