Gương hậu: Ngược chiều vun vút

Kỳ thực thì tôi không mê nội dung “Ngược chiều vun vút”, cuốn sách bằng tiếng Việt đang được giới trẻ yêu thích của anh chàng Joe Ruelle lắm, nhưng tôi lại rất thích cách đặt tiêu đề của anh.

Gương hậu: Ngược chiều vun vút

Kỳ thực thì tôi không mê nội dung “Ngược chiều vun vút”, cuốn sách bằng tiếng Việt đang được giới trẻ yêu thích của anh chàng Joe Ruelle lắm, nhưng tôi lại rất thích cách đặt tiêu đề của anh.

Ngược chiều khi tham gia giao thông đương nhiên là hành động phạm luật và chẳng có gì là hay ho cả.
 

Joe tự bạch: “Tôi chọn cái tên “Ngược chiều vun vút” vì hai lý do, phụ và chính. Lý do phụ là trong khi mỗi năm có hàng nghìn người Việt sang các nước phương Tây đi học, đi làm, lập gia đình, định cư, cộng với hàng trăm nghìn người không đi khỏi Việt Nam nhưng cuối tuần nào cũng xem phim Hollywood, đọc sách dịch từ tiếng Anh - thì cũng có một số người Tây tạm biệt quê hương để đến với Việt Nam. Vì đó là hướng đi bất ngờ nên chúng tôi phải phản xạ nhanh, cố gắng giữ tốc độ mà không gây tai nạn văn hóa. Còn lý do chính là từ “vun vút” nghe hay”.

Ngược chiều khi tham gia giao thông đương nhiên là hành động phạm luật và chẳng có gì là hay ho cả. Song trong cuộc sống, kể cả ở những lĩnh vực kinh tế, văn hóa - nghệ thuật…, sự ngược chiều hoặc lệch chiều, chệch chuẩn một chút đôi khi lại đem đến những hiệu ứng tốt, những liên tưởng thú vị.

Chẳng hạn với lối tư duy của Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Viettel, về quyết định đầu tư vào Haiti. “Khi người Hà Lan chạy khỏi lĩnh vực viễn thông ở Haiti, thì mình quyết định đầu tư sang đấy… Sau động đất ở Haiti, mọi người bảo, thôi đi làm gì nữa, vì sau động đất lại liên quan đến dịch bệnh, hơn 100.000 người chết, vì bệnh tả. Mình thì mình thấy thế này, trong lúc cả thế giới chạy đi thì mình nên chạy đến. Bởi vì sao?

Thứ nhất, họ chạy đi có nghĩa là thị trường bớt phải cạnh tranh hơn. Thứ hai, khi cả thế giới chạy đi, mình chạy đến thì người dân mới có tình cảm với mình. Mà đến kinh doanh ở một nước khác thì khó nhất là tình cảm, khó nhất là chuyện có được sự chấp nhận của người dân. Nếu mình lấy được cảm tình của họ và họ thấy mình sang đây là mang giá trị cho họ thì điều đó vô cùng quan trọng”.

Lan man một chút để tiện quay về với câu chuyện của ngành ôtô, nhưng với một dụng ý khác từ sự đi ngược chiều.

Ngày 22/6/2012, tại cuộc hội thảo “Giải pháp tháo gỡ khó khăn và phát triển thị trường ôtô Việt Nam”, không ít người đã cười ồ lên vì những phát biểu của ông Trần Tiến Vũ, một kỹ sư chuyên ngành động lực có hơn 20 năm làm việc trong ngành công nghiệp ôtô Đức.

Lý do là trong lúc các chuyên gia, đại diện một số cơ quan và doanh nghiệp cố gắng bàn luận nhằm tìm giải pháp gỡ khó cho ngành thì vị kỹ sư này lại khuyên rằng, “chúng ta đừng mơ mộng, đừng quá lãng mạn về việc phát triển một ngành công nghiệp ôtô nữa”.

Ngẫm ra thì thấy lời khuyên như “gáo nước lạnh” ấy không hẳn không có lý. Vì như tiêu đề bài viết, dường như chúng ta đang đi ngược chiều, mà thậm chí còn ngược chiều… vun vút.

Vậy, ngược chiều ở đây là thế nào?

Cách đây vài năm, nhiều chuyên gia đã hình dung một viễn cảnh về ngành công nghiệp ôtô toàn cầu là sẽ thu gọn về khoảng dưới 10 OEM (Original Equipment Manufacturer), tức các nhà sản xuất ôtô. Số còn lại hoặc phá sản, hoặc phải chủ động gia nhập các OEM khác, hoặc sẽ bị các OEM mạnh hơn thâu tóm. Hiện tại, đếm sơ sơ cũng có đến vài chục OEM nằm rải rác ở hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Thực tế cũng cho thấy, hoạt động thâu tóm lẫn nhau giữa các OEM đang có chiều hướng gia tăng để rồi các OEM lớn ngày càng phình ra với hàng loạt thương hiệu ôtô trực thuộc.

Sự ngược chiều ở Việt Nam là trong khi công nghiệp ôtô thế thế giới thu gọn số lượng OEM, chúng ta lại ngày càng mở rộng, gia tăng số lượng các nhà lắp ráp ôtô. Với một thị trường có dung lượng nhỏ bé (hơn 100.000 xe/năm), việc có đến gần 20 hãng xe cùng lúc chia sẻ xem ra có phần vô lý.

Nhìn nhận từ góc độ quốc gia cũng không khó nhận ra tình huống ngược chiều của công nghiệp ôtô Việt Nam (tạm gọi là có).

Trở lại với cách suy luận của vị kỹ sư động lực kể trên. Ông cho rằng, thế giới thường chỉ biết đến Italia là xứ sở mì ống, nước Pháp với rượu vang Bordeaux, nước Anh với nền bóng đá phát triển bậc nhất… chứ mấy ai biết đến nhờ công nghiệp ôtô.

Mà nói cho hết nhẽ, các quốc gia này cũng chẳng có ngành công nghiệp ôtô đúng nghĩa, cho dù Italia vẫn có Fiat, Lamborghini, Ferrari; Pháp có Renaul, Citroën hay Peugeot; Anh với Bentley, Land Rover, Lotus; Thụy Điển có Volvo; Hàn Quốc có Hyundai, Kia… Còn gọi là công nghiệp ôtô phát triển thực thụ, thì có lẽ chỉ ba cái tên là Mỹ, Đức và Nhật Bản.

Dường như bản thân một số quốc gia cũng đã và đang thừa nhận thực tế ấy thông qua việc chấp nhận bán các thương hiệu ôtô tên tuổi của mình. Sự nuối tiếc và níu kéo có chăng chỉ giữ lại ở một số điều khoản như ràng buộc công đoàn, sở hữu hay chi phối thương hiệu…

Ngó ngay sang các quốc gia láng giềng cùng khối ASEAN cũng thấy Việt Nam đang đi sau và thụt lùi khá dài khi xét đến công nghiệp ôtô. Cùng có mong muốn và định hướng chính sách giống nhau, nhưng cách làm, cách đi có những sự khác biệt (nhiều khi là ngược chiều) cũng khiến Việt Nam dần thua xa Thái Lan, Malaysia hay Indonesia.

Chẳng ai cấm được ai mơ mộng. Nhưng một “giấc mơ trưa” lắm khi dễ thành cơn mộng mà ta khó lòng nhận ra được “đó là chân trời hay là mưa cuối trời” (lời ca khúc của nhạc sỹ Giáng Son).

Như lời khuyên của kỹ sư Vũ, là chúng ta đừng quá lãng mạn rồi dẫn đến ảo tưởng mà cần phải bình tĩnh nhìn nhận, đánh giá lại thực tế. Và biết đâu đấy, với những giải pháp nhanh gọn và hợp lý, sự đi ngược chiều lại mang đến cái lợi thú vị.

Đặt trường hợp Việt Nam không mơ mộng theo đuổi mục tiêu phát triển công nghiệp ôtô như Mỹ, Đức hay Nhật Bản thì cũng tận dụng lợi thế của mình để tham gia vào chuỗi công nghiệp ôtô thế giới, chẳng hạn như phát triển công nghiệp hỗ trợ ôtô, trở thành trung tâm lắp ráp hay nghiên cứu - phát triển (R&D).

Theo Autopro

Theo Đăng lại