Gục đầu xuống bàn: tư thế ngủ rất nguy hại cho sức khỏe

Rất nhiều người có thói quen ngủ gục xuống bàn mà không hề biết rằng đây là tư thế ngủ rất nguy hại cho sức khỏe.
Ảnh minh họa: Internet

Sau khoảng thời gian tập trung làm việc và học tập, giấc ngủ trưa chính là cơ hội để cơ thể nghỉ ngơi và nạp lại năng lượng chuẩn bị cho công việc buổi chiều.

Nhiều người có thói quen ngủ gục đầu xuống bàn cho nhanh gọn nhưng cách ngủ này tiềm ẩn nhiều nguy hại cho sức khỏe hơn chúng ta nghĩ. Bởi theo VnMedia, sau bữa ăn máu dồn xuống dạ dày và ruột, ngủ ở trong tư thế ngồi sẽ khiến cho nhịp tim giảm nhiều, khiến cho não sẽ bị thiếu oxy, dễ sinh đau đầu, ù tai, chồn chân mỏi gối....

Gục đầu xuống bàn còn đè ép ngực, ảnh hưởng đến hô hấp, gia tăng áp lực lên tim và phổi, dễ nằm mê. Đầu đè lên hai tay cũng ảnh hưởng đến tuần hoàn máu và truyền dẫn thần kinh, khiến cho hai bàn tay và cánh tay tế nhức. Mắt tì lên hai tay khiến cho hai nhãn cầu bị đè ép, khi tỉnh dậy sẽ bị nhức mắt một lúc lâu, tình trạng này kéo dài sẽ làm tổn thương mắt.

Đặc biệt, nhiều phụ nữ có thói quen nhoài người để gục xuống bàn ngủ vào giờ nghỉ trưa tại văn phòng, như vậy sẽ làm hở phần lưng phía gần hông làm lỗ chân lông buông lỏng rất dễ bị khí lạnh xâm nhập.

Các chuyên gia bệnh phụ khoa khuyên rằng bảo vệ phòng lạnh cho tử cung có nhiều cách như: Ngày thường không nên ăn đồ nguội lạnh, thời tiết thay đổi nhớ chú ý giữ ấm cho cơ thể, nên dùng những loại thuốc bào chế từ thảo dược giúp ấm dương hòa khí, loại bỏ khí lạnh giúp điều hòa khí huyết, như vậy máu bị vón cục sẽ biến mất, có thể cải thiện chứng đau bụng kinh. Phụ nữ tuyệt đối không nên nhoài ra bàn làm việc ngủ vào giờ nghỉ trưa. Ngoài ra còn không nên ngồi ở những nơi có khí lạnh như: Trên mặt đất, ghế tựa có mặt làm bằng đá hoặc sắt bởi vì những chất liệu như vậy dễ dẫn nhiệt, hàn khí nặng.

Nên ngủ trưa và ngủ đúng cách

Ngủ trưa rất tốt cho sức khỏe, nhất là với người lao động trí óc. Giấc ngủ trưa cung cấp thời gian để tái sinh và phục hồi tế bào, sẽ là một cách hiệu quả để nâng cao sự tỉnh táo và hiệu suất làm việc vào buổi chiều. 

Để ngủ trưa phát huy tác dụng, chúng ta cũng cần lưu ý thời gian, tư thế ngủ... sao cho đúng. Với những người không có thói quen này, cần phải chọn một cách nghỉ ngơi phù hợp khác.

Ngủ trưa đúng cách mới có lợi cho sức khỏe. Một giấc ngủ trưa tuyệt vời là khoảng từ 20-30 phút sẽ giúp giảm cảm giác buồn ngủ, tinh thần sảng khoái, bạn sẽ cảm thấy năng lượng phục hồi nhanh chóng và có thể tỉnh táo bắt tay vào công việc ngay. Ngủ trưa khoảng 26 phút sẽ cải thiện hiệu suất làm việc lên 34%, song không nên kéo dài quá 40 phút để tránh trạng thái mệt mỏi.

Với giấc ngủ trưa, nếu bạn ngủ quá lâu, hơn 1 tiếng rưỡi, cơ thể sẽ rơi vào trạng thái ngủ sâu. Lúc đó, nếu bị đánh thức hay buộc phải thức dậy, bạn sẽ cảm thấy nhức đầu, mệt mỏi, đờ đẫn… do các cơ quan trong cơ thể chưa sẵn sàng làm việc lại.

Lưu ý:

- Cần chú ý không nên nằm xuống ngủ ngay sau khi ăn cơm xong. Nên vận động nhẹ khoảng 15 phút sau rồi hãy đi ngủ, như vậy sẽ tốt hơn cho quá trình tiêu hóa của ruột và dạ dày.

- Cố gắng tạo cho mình thói quen ngủ trưa điều độ, có quy luật. Đi ngủ đúng giờ, dậy đúng giờ. Nếu ngủ trưa rất dài mà vẫn thèm ngủ tức là bạn cần phải tăng thời gian ngủ đêm.

- Giữ tinh thần thoải mái, không suy nghĩ gì khi ngủ.

- Hạn chế ngủ hoặc nghỉ trưa ở nơi có nhiều tiếng ồn.

- Không nên ăn quá no hoặc sử dụng chất kích thích như rượu, bia, cà-phê… trước đó vì chúng sẽ gây khó ngủ hoặc ngủ không ngon.

- Chọn tư thế ngủ phù hợp nhất để tránh trường hợp bị căng cơ, mệt mỏi sau khi dậy.

- Khi thức giấc, không nên đứng dậy ngay. Hãy ngồi tại chỗ khoảng 1 - 3 phút để cơ thể tỉnh táo hẳn rồi mới đứng dậy, bắt tay vào công việc của buổi chiều.

Trong trường hợp sau khi ngủ dậy phải bắt tay vào làm những công việc phức tạp, căng thẳng, đòi hỏi độ chính xác cao cần chú ý. Vì sau giấc ngủ trưa, cơ thể sẽ cảm thấy hơi mệt mỏi. Vì vậy khi tỉnh dậy nên rửa mặt bằng nước ấm sẽ giúp tỉnh táo lại nhanh chóng.

Theo SKGD