Gốc gác của giận, yêu...

Khuôn mặt, ánh mắt, nụ cười của bạn sẽ gây ra những rung động trong trái tim bạn.
Ảnh minh họa: Internet

Khuôn mặt, ánh mắt, nụ cười của bạn sẽ gây ra những rung động trong trái tim bạn. Người ta tưởng rằng chính những hình ảnh người yêu đã tạo ra những cung bậc cảm xúc trong tình yêu. Nhưng thực ra, ẩn chứa trong đó là những cơ chế sinh học rất thú vị.

Hai hiện tượng thú vị

Yêu là gì? Có nhiều khái niệm thuộc nhiều phạm trù khác nhau. Về phương diện sinh học, yêu là một hiện tượng muốn gần gũi đối tượng, muốn có những hành động chăm sóc về thể xác, tâm hồn cho đối tượng quan tâm, gây ra những biến đổi sinh học đặc thù. Những biến đổi sinh học ấy bao gồm những biến đổi về mặt sinh lý, cảm xúc và hành vi.

Như vậy, nếu như một anh chàng nói yêu một cô nàng, nhưng anh ta lại không có cảm giác muốn gần gũi thì câu chuyện yêu đó chỉ dừng lại ở khía cạnh ngôn ngữ hay là yêu giả. Nếu như một anh chàng nói yêu một cô nàng nhưng lại không có nhu cầu chăm sóc cô ấy về cả thể xác và tinh thần thì chuyện yêu đó chỉ dừng lại ở sự hấp dẫn giới tính. Nếu như hai người yêu nhau nhưng lại không làm thay đổi được các phản ứng sinh học thì yêu rất trống rỗng.

Xem xét dưới góc độ sinh, y học, người ta thấy có 2 hiện tượng thú vị trong tình yêu.

Hiện tượng thứ nhất: khi nhìn thấy hoặc chạm tới người yêu, bạn có cảm giác như tim nhảy tung ra khỏi lồng ngực. Một cảm giác rộn ràng khó tả. Các phản ứng sinh lý thay đổi diễn ra ngay sau đó: nhịp tim nhanh hồi hộp, nhịp thở nhanh hổn hển, thần kinh hoạt hóa, mắt long lanh, tay run rẩy, ăn nói lắp bắp. Kết luận: những kích thích trực tiếp của người yêu đã gây ra những biến đổi trên. Nếu không có kích thích ắt sẽ không có phản xạ. Đó là quy luật tất yếu của phản xạ sinh học: kích thích - đáp ứng kích thích. Suy ra, yêu là phải được nhìn thấy, sờ thấy, nắm bắt thấy bạn yêu của mình.

Tuy nhiên, hiện tượng thứ 2 đã làm “ngổn ngang” quan điểm trên. Nội dung hiện tượng 2: Đôi khi không được nhìn thấy người yêu, bạn vẫn có những cung bậc cảm xúc như khi đang ngồi cạnh người yêu vậy. Người ta tiến hành tách các cặp yêu nhau đắm đuối, để họ ở riêng nhau một vài ngày. Trong thời gian này, họ được ở trong 1 căn phòng tách biệt, vẫn có điện thoại (có 1 số điện thoại duy nhất), tivi (1 kênh tin tức duy nhất) và các hoạt động khác. Chỉ duy nhất là không gặp ai và không giao lưu với ai. Người ta quan sát và thấy rằng, ngay cả khi không ở bên nhau, những cặp này vẫn nhớ về nhau. Như vậy, rõ ràng động lực yêu không chỉ bắt nguồn từ sự kích thích trực tiếp (quan điểm 1 bị phủ nhận ở góc độ nào đó) mà nó còn đến từ một cái gì khác nữa khiến cho não bộ bị nhiễu loạn chức năng, tim mạch - hô hấp bị lỗi nhịp hơn mức bình thường.

Đây là điều mà các nhà khoa học đang rất hứng thú nghiên cứu tìm ra nguyên nhân ẩn chứa bên trong cơ thể của hai người khi yêu. Biết được bí mật này sẽ rất hữu ích. Ngoài vạch rõ cơ chế điều khiển yêu, người ta có thể gia cố sinh học cho các cặp tình nhân bị phai nhạt tình cảm nhưng vẫn muốn bên nhau hoặc tìm ra cách để hâm nóng lại tình yêu như thể yêu lại từ đầu. Bí ẩn đó nằm trong sự kỳ diệu của sinh học.

Và bí ẩn sinh học

Khám phá bí mật sinh học đứng đằng sau các hiện tượng xã hội học, người ta đã tìm ra các hormon. Thật ra đây là mối quan hệ giữa hormon và hành vi. Trong các hoạt động hành vi xã hội, người ta thiết tưởng đó là các hoạt động xã hội đơn thuần, do xã hội hoặc do tác động bên ngoài thúc đẩy. Nhưng thực ra, nó có động lực là các hormon sinh học. Khi thực hiện các hoạt động hành vi này, các hormon sinh học tăng lên. Tiêm các hormon này vào cơ thể có thể gây ra các hoạt động hành vi xã hội giống như ban đầu. Đó là một khía cạnh rất mới của “hormon - hành vi”.

Quay trở lại với câu chuyện yêu, hiện tượng yêu có động lực sinh học là hormon tình yêu. Trải qua nhiều nghiên cứu và người ta tìm thấy một số hormon có liên quan tới câu chuyện thi vị này của “vị thần cánh cung”.

Hormon thứ nhất là dopamin. Đây được gọi là hormon “nghiện yêu”. Hormon này có tác dụng kích thích 2 người yêu nhau luôn muốn gần nhau, luôn muốn nhìn thấy nhau. Bình thường, dopamin là một chất dẫn truyền thần kinh trên não bộ, liên quan chặt chẽ với bệnh Parkinson và các rối loạn ngoại tháp. Tuy nhiên, đây là hormon đa tác dụng. Nó còn có tác dụng tới những trung khu liên quan đến yêu và tình dục. Người ta thấy, khi 2 người yêu nhau mà gặp nhau thì ngay lập tức nồng độ dopamin tăng vọt và đạt đỉnh. Dopamin làm não bộ hưng phấn và kích thích trung khu nghiện giống như cocain. Do đó, không khó hiểu khi 2 người yêu nhau thích quấn lấy nhau không muốn rời.

Hormon thứ 2 là fenylethylamin. Fenylethylamin là một hormon của thần kinh trung ương có tác dụng chống lo âu, bình thần, giải lo. Nó cũng có một số tác dụng khác như giãn phế quản, chống khó thở. Trong câu chuyện tình yêu, hormon này có tác dụng làm não bộ cảm thấy thư thái và dễ chịu. Nó được tăng tiết khi 2 người yêu nhau, thích nhau và nhìn thẳng vào mắt của nhau. Nếu như nhìn trực diện, nồng độ fenylethylamin tăng cao ở trong máu. Và hiệu quả sau đó, não bộ của bạn được lâng lâng, khoái cảm, khó tả. Bạn cảm thấy sung sướng, mãn nguyện và hài lòng.

Hormon thứ 3 là adrenalin. Adrenalin là một chất dẫn truyền thần kinh của hệ thần kinh giao cảm. Đây là một hệ thần kinh làm tăng hoạt động tim mạch, tăng huyết áp, tăng tần số thở, tăng bài tiết nước tiểu, tăng hoạt hóa thần kinh.

Nhưng về khía cạnh tình yêu, hormon này đã tác động gây ra cảm giác nhớ nhung, da diết, cồn cào, không muốn ăn. Khi 2 người gần gũi nhau, hormon này tăng lên rất nhiều. Và đây chính là nguyên nhân của sự biến đổi các phản ứng sinh lý không thể che giấu được. Đã yêu, bạn sẽ bị lỗi nhịp tim, hổn hển nhịp thở, mặt mũi ửng đỏ, mắt mở to ra, sáng lên, dạ dày không còn co bóp, bạn sẽ bị nhớ nhung da diết, cồn cào. Điều này lý giải vì sao khi họ ở xa nhau, họ vẫn nhớ về nhau. Chính là do não bộ đã tự tăng tiết quá mức adrenalin khiến cho bạn cảm thấy nhớ người yêu, thèm gặp người yêu, chẳng thiết ăn gì và dẫn tới các biến đổi sinh học y hệt như có người yêu ở bên vậy.

Hormon thứ 4 là endorphin. Endorphin là một chất dẫn truyền thần kinh của não bộ. Nó chịu trách nhiệm giảm đau cho cơ thể. Khi có một kích thích đau quá mức ở ngoại vi hay ở nội tạng, kích thích đau truyền về não bộ, ngay lập tức não bộ sẽ tiết ra hormon endorphin để giúp giảm đau. Tác dụng của việc này là tránh làm trung khu đau hoạt động quá mức gây ra những phản ứng sinh lý bất lợi.

Về khía cạnh tình yêu, tính đa tác dụng của hormon này nằm ở chỗ: nó tạo ra cảm giác thích thú, hạnh phúc. Người ta yêu nhau cảm thấy hạnh phúc khi được ở bên nhau, chính là do lúc đó não bộ của 2 người đã tiết ra đủ mức endorphin cần thiết để đẩy hạnh phúc lên cao. Do đó, không có gì khó hiểu khi người ta nói, ở bên em, anh cảm thấy hạnh phúc và ấm áp.

Hormon thứ 5 là oxytocin. Oxytocin là một hormon của tuyến yên, có tác dụng trên cơ tử cung. Nó có tác dụng làm tăng co bóp cơn co tử cung về cả tần số và mức độ.

Nhưng xếp chuyện thúc đẻ sang một bên thì hormon này còn có nhiều tác dụng khác nữa. Một trong các tác dụng đó là đậm đà tình yêu. Về khía cạnh này, người ta gọi đó là hormon gắn kết. Khi hai người gần nhau thì nồng độ hormon này bắt đầu tăng lên. Đến lúc 2 người mơn trớn, vuốt ve, ôm hôn nhau thì nồng độ oxytocin tăng vọt. Đến thời điểm quan hệ tình dục và đạt cực khoái thì nồng độ oxytocin là cao nhất. Điều đó chứng tỏ động chạm thể xác đã làm nồng độ oxytocin tăng lên rất cao. Đã yêu thì oxytocin sẽ tăng và tự nó thúc đẩy 2 người vuốt ve và đụng chạm thể xác. Còn nếu như nói là yêu mà không còn cảm giác muốn đụng chạm nhau nữa thì có nghĩa là oxytocin đã giảm quá thấp và lúc đó chữ yêu không còn là thực chất.

Đến đây thì mọi hoạt động, hành vi của hiện tượng xã hội “yêu” đã được làm sáng tỏ. Các hiện tượng trong tình yêu như thích gần nhau, thích nhìn vào mắt nhau, thích ngắm nhau, thích đụng chạm nhau, thích ôm hôn nhau đều có nguồn gốc từ hormon. Người ta không thể che giấu nó hoặc cố tình tạo ra nó bởi tình yêu có một sự chân thật trong đó, sự chân thật mang tên hormon sinh học - hormon tình yêu.

BS. Yên Lâm Phúc

Theo Sức khỏe & Đời sống