Gỡ vướng các dự án năng lượng tái tạo sai phạm vào top 10 sự kiện nổi bật ngành công thương

TPO - Chiều 23/12, Bộ Công Thương tổ chức tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ 2025. Tại cuộc họp, Bộ Công Thương công bố 10 sự kiện nổi bật ngành trong năm nay.

Tái khởi động điện hạt nhân, gỡ vướng các dự án năng lượng tái tạo

Theo Bộ Công Thương, 2024 là năm đột phá trong công tác tham mưu chính sách với hàng loạt luật, nghị định, thông tư được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp.

Theo đó, Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội dự án sửa đổi Luật Điện lực, thông qua chỉ trong một kỳ họp. Đây là bước đột phá trong tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, khơi thông các vướng mắc, thu hút đầu tư, phát triển ngành điện đáp ứng đòi hỏi tăng trưởng hai con số.

Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp xây dựng và trình Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả (sửa đổi), Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm, Nghị định 80 về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, Nghị định 135 về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ; dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu...

Cùng đó, Bộ tham mưu với cấp có thẩm quyền ban hành chủ trương tái khởi động Chương trình phát triển điện hạt nhân và các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Đặc biệt, việc xây dựng cơ chế tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo khắc phục lãng phí nguồn lực xã hội đã đầu tư lên đến 13 tỷ USD và giải quyết được nhiều vướng mắc tưởng chừng bế tắc. Việc tách Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và chủ trương thành lập Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO); chuyển giao về Bộ Công Thương là dấu mốc đổi mới, vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia khách quan, công tâm, công bằng…

Dự án điện mặt trời Sinenergy Ninh Thuận 1 là một trong 14 dự án dự án được hưởng cơ chế giá FIT (giá khuyến khích) không đúng đối tượng.

Xuất nhập khẩu, thương mại điện tử tăng kỷ lục

Sự kiện nổi bật thứ hai Bộ Công Thương nêu ra là kỳ tích đường dây 500 kV mạch 3 với loạt kỷ lục về thời gian thi công, khối lượng công việc, huy động nguồn lực. Theo Bộ Công Thương, đây là một kỳ tích không chỉ riêng của ngành điện mà còn của Việt Nam khi thi công thần tốc một công trình khó, trong một khoảng thời gian ngắn kỷ lục.

Sự kiện nổi bật thứ 3 là kim ngạch xuất nhập khẩu tiến tới mốc lịch sử khoảng 800 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay; xuất siêu năm thứ 9 liên tục với mức thặng dư gần 25 tỷ USD.

Sự kiện nổi bật thứ 4 là công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng ngoạn mục 8,4% trong đó ngành chế biến chế tạo tăng gần 10%. Cùng đó, là các sự kiện nổi bật như: Đột phá khai mở thị trường tiềm năng lớn ở Trung Đông, Châu Phi, Nam Âu và thị trường Halal với việc đàm phán, thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD, giữ vững vị trí Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Ngoài ra, thị trường trong nước tăng trưởng vững chắc 9%; giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam lần đầu vượt mốc 500 tỷ USD; xử lý thành công hầu hết vụ việc, bảo vệ hàng hóa Việt Nam trên hành trình vươn ra thế giới và đề xuất tinh giản gần 18% số đầu mối đơn vị thuộc Bộ được Bộ Công Thương nêu trong những sự kiện nổi bật của ngành.