Lấy người bệnh làm trung tâm
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan: “Ngành Y là một ngành rất đặc biệt, đặc thù, một ngành rất cao quý. Sứ mệnh của ngành Y tế là chăm lo, chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đội ngũ y bác sĩ kể cả trong cơ sở y tế công lập và ngoài công lập lên đến nửa triệu người đang không quản ngày đêm sớm tối thực hiện nhiệm vụ của mình từ trung ương đến địa phương, đến tận các thôn bản vùng sâu vùng xa. Những sự hi sinh, cống hiến của đội ngũ y bác sĩ thường được phác họa qua những tác phẩm báo chí là chính.
Như bản thân tôi, từ khi tôi về Bộ Y tế, tôi thấy công việc của anh em rất vất vả. Học thì dài hơn, làm việc theo thời gian không như bình thường, áp lực rất lớn. Chính vì vậy, chúng tôi cũng rất mong làm thế nào đó để chúng ta có sự chung tay động viên, chia sẻ, tạo điều kiện giúp đội ngũ y bác sĩ trong quá trình triển khai nhiệm vụ của mình. Trải qua 3 năm phòng chống dịch COVID-19 vừa qua, chúng ta đã chạm đến những điểm tột cùng về cảm xúc, sự cảm thông và chia sẻ với đội ngũ nhân viên y tế.
Chúng tôi vất vả ngày đêm thì các nhà báo cũng vất vả đêm ngày với ngành, để chuyển tải đến cộng đồng, đến xã hội các thông tin về ngành, những gì làm tốt thì nhân lên, phát huy, những gì chưa tốt thì khắc phục. Từ đó những khó khăn, vất vả của ngành Y cũng có được sự chia sẻ, động viên về tinh thần để qua đó sẽ biến thành chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của ngành Y tế trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ với mục đích cao cả xây dựng hệ thống y tế phát triển bền vững, có đội ngũ y bác sĩ đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân cả về y đức, chuyên môn, thái độ phục vụ”.
PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương: Thực hiện sứ mệnh “Tận tâm - Chất lượng vì Sức khỏe Trẻ em Việt Nam”. Hơn 2.000 cán bộ, viên chức Bệnh viện Nhi Trung ương của chúng tôi đã cùng nhau đoàn kết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kể cả khi dịch bệnh xảy ra. Năm 2022 chúng tôi phục vụ hơn 1 triệu lượt trẻ đến khám bệnh, hơn 100.000 trẻ điều trị nội trú, gần 25.000 ca phẫu thuật, với mô hình bệnh khó, bệnh nặng, phức tạp.
Năm nay chúng tôi phấn đấu kiểm soát tốt các dịch bệnh, phân tích mô hình bệnh tật trẻ em thường xuyên hơn để nâng cao được chất lượng khám chữa bệnh, phát triển chuyên sâu mỗi chuyên ngành. Tiếp theo là đầu tư một cách hiệu quả, thực hiện nghiêm túc dự án chuyển đổi số, bệnh án điện tử trong trong công tác quản lí, khám chữa bệnh. Mỗi cá nhân, tập thể dù là ở cấp bậc, vị trí nào đều cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm, thực hiện tốt 12 điều y đức và quy tắc ứng xử trong ngành Y tế, lấy người bệnh làm trung tâm, phục vụ người bệnh hết lòng, coi người bệnh như người thân của mình; hướng tới mục tiêu chung là sự hài lòng của người bệnh.
Tôi hiểu nghề Y chưa bao giờ dễ dàng, đặc biệt trong tình hình hiện nay, luôn có những vất vả, thử thách mà có lẽ chỉ người trong nghề mới thấu hiểu hết, nhưng chúng tôi luôn coi đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Và đổi lại, chúng ta có được những điều tốt đẹp là giúp cho người bệnh trở về với cuộc sống mới, khỏe mạnh, giúp họ nhân lên niềm vui sống và niềm tin vào tương lai tươi sáng phía trước”.
Cố gắng thêm một chút, nhiều người được hưởng lợi
PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực (Bệnh viện ĐH Y Hà Nội):
“Nếu không có lòng yêu nghề thực thụ sẽ không vượt qua được sự so sánh thiệt hơn, không giữ vững được y đức của một bác sĩ là cứu người tới cùng. Áp lực với xã hội đã cao, áp lực với nhân viên y tế còn cao hơn nữa. Đã có người từng muốn bỏ nghề, có người đã bỏ nghề nhưng phần lớn vẫn trụ lại. Rõ ràng, tình yêu nghề, lương y của một người thầy thuốc được thể hiện mạnh mẽ nhất trong khó khăn. Tôi luôn tự nhủ, mình cần phải cố gắng hơn bởi tôi cố gắng thêm một chút, có thể nhiều người được hưởng lợi. Một trong những điều giúp chúng tôi duy trì được tình yêu nghề là sự động viên của cộng đồng xã hội, của người dân. Một trong những may mắn nhất qua đại dịch là ngành y lấy lại lòng tin của người bệnh, của cộng đồng. Tính nghi kị, soi mói, hạch sách, không có lòng tin của một bộ phận người dân vào tính chuyên nghiệp của bác sĩ thật sự bay biến. Họ hoàn toàn tin vào nhân viên y tế, họ chờ đợi, kiên nhẫn và hợp tác. Chính sự tuyệt đối tin tưởng của người bệnh khiến chúng tôi sẵn sàng phục vụ vì sự sống còn của người bệnh. Tôi nhìn thấy các đồng nghiệp, học trò của mình đã tiếp nối được tinh thần kiên cường, đoàn kết, trách nhiệm, tính hi sinh của thế hệ cha ông đi trước.
Bản thân tôi luôn cố gắng thực hiện song hành các nhiệm vụ liên quan đến công tác khám chữa bệnh, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Tôi quan niệm, ba yếu tố trên như ba cạnh của một tam giác, hay ba chân của một chiếc kiềng, luôn tương hỗ lẫn nhau; một bác sĩ có kinh nghiệm thì sẽ giảng dạy tốt và bác sĩ có tham gia nghiên cứu thì sẽ có kiến thức tổng quát hơn.
Là giảng viên đại học, tôi mong muốn sinh viên ĐH Y Hà Nội nói riêng và sinh viên ngành y dược nói chung, khi đã chọn nghề này, thì phải chuyên tâm, yêu nghề và học tập suốt đời. Cố gắng đừng cắt đứt mạch học của mình, ví dụ làm bác sĩ thì nên học nội trú, cử nhân thì nên học lên thạc sĩ… Con đường học phải liên tục, học sớm thì sẽ đến đích sớm, trưởng thành sớm hơn. Song song với chuyên ngành, các bạn đừng quên trau dồi ngoại ngữ. Với các bạn trẻ, tôi khuyên các bạn hãy chú trọng, đầu tư vào việc học của mình. Hãy học vì đam mê, làm theo đam mê, luôn tìm đến những kiến thức đúng đắn và sáng tạo dựa trên tinh thần vì cộng đồng”.