> 'Tín dụng 2013 không thể tăng trưởng 12%'
>Hà Nội thí điểm cho DN vay lãi suất 0,2%/tháng
> Gần 80 tỷ USD tài trợ cho Việt Nam sau 20 năm
Việc điều chỉnh tỷ giá VND/USD trong thời điểm này được các chuyên gia đánh giá là cần thiết, nhằm thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam.
Tính từ đầu năm đến nay, tiền đồng VN giảm 1,3% giá trị trong khi đồng nội tệ của các quốc gia khác như Philippines và Malaysia đã giảm 5%, hay đồng rupee của Ấn Độ đã mất giá khoảng 12% so với đồng USD tính từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 9.2013 (có thời điểm, đồng rupee mất giá khoảng 20% so với đồng USD)..., dẫn đến lợi thế xuất khẩu của hàng hóa VN không bằng các nước này.
Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của VN đã khá tích cực và ổn định nên việc điều chỉnh tỷ giá sẽ không tác động lớn đến cán cân thanh toán của VN. Thực tế, VN đã điều chỉnh tỷ giá 1% hồi cuối tháng 6, sau khi giữ nguyên tỷ giá trong 1 năm rưỡi trước đó.
Sau vài ngày điều chỉnh đó, thị trường giao dịch tự do tăng khá mạnh, có lúc lên sát mức 22.000 đồng/USD nhưng đã nhanh chóng giảm và trở lại mức ổn định. Thậm chí hiện nay, tỷ giá của các ngân hàng thương mại cũng chỉ xoay quanh mức giao dịch 21.075 - 21.125 đồng/USD, giảm 0,9% so với mức cuối tháng 6 và đầu tháng 7.
Điều này cho thấy nguồn cung trên thị trường không ở mức khan hiếm như một số người e ngại. Đặc biệt, trong đó có sự đóng góp đáng kể từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và lượng kiều hối chuyển về trong 9 tháng đầu năm nay.
Cân nhắc khi chuyển đổi qua ngoại tệ
Nếu tỷ giá USD được điều chỉnh sẽ có tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp và nhà đầu tư cá nhân. Chị Liên Hoa, một nhà đầu tư tại TP.HCM, cho biết danh mục đầu tư của chị hiện chia ra nhiều loại tài sản, gồm bất động sản, chứng khoán, gửi tiết kiệm bằng tiền VND và ngoại tệ như USD, EUR.
Theo tính toán của chị, với 220 triệu đồng nếu gửi tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng, lãi suất 7%/năm (tương đương 0,583%/tháng) thì sau 3 tháng số tiền lãi chị nhận được là 3,85 triệu đồng. Trong khi đó, nếu quy đổi 220 triệu đồng với tỷ giá mua vào hiện nay sẽ được khoảng 10.400 USD (theo tỷ giá 21.150 đồng/USD).
Với lãi suất gửi tiết kiệm USD là 1,2%/năm (tương đương 0,1%/tháng), sau 3 tháng tiền lãi thu được là 31,2 USD. Nếu từ nay đến cuối năm tỷ giá USD được điều chỉnh tăng 1% thì sẽ ở mức 21.361,5 đồng/USD.
Như vậy tổng số tiền Việt quy đổi và lãi chị Hoa sẽ thu về được là 222,82 triệu đồng, không lợi hơn so với giữ tiền đồng.
Tuy nhiên, nếu tỷ giá USD được điều chỉnh tăng thêm 2% so với mức hiện nay thì tỷ giá sẽ là 21.573 đồng/USD và số tiền chị nhận được là 225,032 triệu đồng, nhiều hơn so với gửi VND.
“Mức chênh lệch lợi nhuận giữa USD và VND ở trên không nhiều, nhưng điều quan trọng nhất là tôi muốn phân tán rủi ro theo nguyên tắc đầu tư, không thể bỏ tất cả trứng vào một rổ và chuyển một phần sang ngoại tệ nhằm bảo toàn vốn”, chị Liên Hoa nói.
Theo TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Ngân hàng Trường ĐH Mở TP.HCM, nhiều khả năng tỷ giá USD sẽ được điều chỉnh trong thời gian ngắn ở mức 1% và qua đầu 2014 mới có thể được điều chỉnh tiếp 1% để tránh gây biến động cho thị trường tiền tệ.
Khi tỷ giá VND/USD được điều chỉnh thì theo nguyên tắc, các loại đồng tiền khác cũng sẽ có mức điều chỉnh tương ứng vì đều được quy chiếu theo đồng USD.
Nhà đầu tư có thể phân bổ số tiền thành các loại ngoại tệ khác nhau như USD, EUR, JPY… nhưng chỉ nên theo tỷ lệ thích hợp và cũng chỉ có tác dụng với số tiền lớn. Hơn nữa, điều này mang tính chất bảo toàn vốn nhiều hơn là đặt kỳ vọng về lợi nhuận đầu tư.
Riêng với những người đã gửi tiết kiệm bằng VND và chưa đến kỳ hạn rút vốn thì không nên mạo hiểm chuyển đổi vì sẽ bị thiệt hại nhiều hơn khi mất tiền lãi do rút vốn trước hạn. Bản thân các doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại cũng nên hạn chế việc vay USD vì sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận cuối năm.
Theo Thanh Niên