Giới kinh doanh vàng đang trong cơn 'bĩ cực'

Thị trường vàng trong nước đang hạ nhiệt sau thông lệ luôn dẫn đầu về giá so với quốc tế. Sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư về huy động và quản lý kinh doanh vàng, kèm theo định hướng thu hẹp việc mua bán vàng miếng tự do, giá vàng trong nước đã chững lại và giảm thấp hơn so với giá thế giới quy đổi.

Giới kinh doanh vàng đang trong cơn 'bĩ cực'

> Lập lờ vàng trắng
> Giá vàng đột ngột đạt mức cao nhất trong ba tuần
> Ngân hàng tranh mua vàng

Thị trường vàng trong nước đang hạ nhiệt sau thông lệ luôn dẫn đầu về giá so với quốc tế. Sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư về huy động và quản lý kinh doanh vàng, kèm theo định hướng thu hẹp việc mua bán vàng miếng tự do, giá vàng trong nước đã chững lại và giảm thấp hơn so với giá thế giới quy đổi.

Thị trường vàng đang trong cơn khủng hoảng. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thông tin vàng độn Vonfram đến tiếp sau đó như một “đòn chí mạng” càng khiến người kinh doanh mặt hàng này thêm lao đao.

Giao dịch ảm đạm

Ông Vũ Minh Châu, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu cho rằng thị trường vàng đang lâm vào thời điểm khủng hoảng. Doanh số mua bán vàng miếng tại nhiều doanh nghiệp giảm một nửa so với trước, thậm chí có đơn vị chỉ còn 30-40%, đứng trước nguy cơ đóng cửa hoặc chuyển nghề.

Ông Vũ Minh Châu nhận định vàng rơi vào tình trạng “khủng hoảng” chính là do tâm lý của khách hàng. Hiện nay sự cố vàng trộn Vonfram đã được kiểm soát, không còn doanh nghiệp mua phải vàng độn nữa và họ cũng quản lý chặt chẽ đầu ra nên rủi ro cho khách hàng là rất thấp.

Tuy nhiên, do tâm lý e dè nên khách hàng vẫn “quay lưng” với vàng. Giao dịch trầm lắng khiến thị trường vàng lao đao nay càng lao đao hơn.

Chủ tiệm vàng trên phố Hàng Bạc (Hà Nội) cho biết sau khi có thông tin Nhà nước siết chặt quản lý kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do, doanh số bán hàng đã giảm khoảng 40%. Và hiện giờ là thông tin vàng trộn tạp chất đã khiến lượng hàng bán ra tại cửa hàng sụt giảm đến 70% so với trước. Người tiêu dùng đang rất cẩn trọng khi mua vàng hay nữ trang.

Nhân viên marketing của một doanh nghiệp sản xuất vàng miếng cũng cho biết nguyên nhân giao dịch ảm đảm không hoàn toàn là sự e ngại của người đầu tư về vàng "bẩn" mà là do thời kỳ chững của thị trường. Các chuyên gia đánh giá, sự chững lại của thị trường vàng sẽ không kéo dài quá lâu.

Đây chỉ là những phản ứng bước đầu của người dân, là biểu hiện của tâm lý lo sợ mua phải vàng trộn tạp chất. Nếu như có thể xóa bỏ mối nghi ngại này, giao dịch vàng sẽ khởi sắc trở lại. Chờ hết "biến" mới tiếp tục đầu tư là tâm lý chung của nhiều người.

Tránh gian lận bằng cách nào?

Việc phát hiện các hành vi gian lận sản phẩm vàng đang là vấn đề nan giải của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, khẳng định hoạt động thị trường vàng càng cao thì những mặt trái của nó càng xuất hiện. Vấn đề đặt ra là chúng ta quản lý như thế nào, có biện pháp gì để bảo vệ quyền lợi cho người dân.

Đối với vấn đề vàng trộn tạp chất đang được coi là nóng bỏng hiện nay, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định “Cách tích cực nhất là xử lý bằng cơ chế điều hành nhằm giảm thiệt hại cho dân và làm cho thị trường ổn định.

Chúng ta phải có quy định nơi nào được phép làm vàng, phải có tiêu chí, tiêu chuẩn để xã hội công nhận, đồng thời phải có đơn vị chịu trách nhiệm và đặc biệt phải công khai, minh bạch để người dân có chỗ tin tưởng mua bán. Và như vậy cơ quan pháp luật, cơ quan kiểm tra giám sát mới có căn cứ để kiểm tra giám sát. Mặt khác, cũng cần làm cho thị trường vàng đi vào nền nếp, tránh lừa đảo, gây rủi ro cho người bán cũng như người mua.”

Thực tế cho thấy, việc quản lý thị trường vàng hiện nay rất chồng chéo. Ngoài các ngân hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng thuộc sự quản lý của Sở Kế hoạch-Đầu tư các tỉnh, thành phố, Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép sản xuất vàng miếng nhưng chỉ quản lý ở góc độ xuất-nhập khẩu vàng. Khi các sản phẩm vàng lưu thông trên thị trường, được xem là hàng hóa thì việc quản lý chất lượng lại thuộc ngành công thương.

Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước cần sớm tiến hành kiểm tra chất lượng, quy định mọi sản phẩm vàng đều phải gắn tem kiểm định nhằm bảo vệ người tiêu dùng, đưa thị trường vàng vào khuôn khổ pháp luật.

Để quản lý thị trường vàng, cũng cần quy định các sản phẩm vàng phải được kiểm tra định kỳ bởi tổ chức giám định độc lập. Muốn làm được điều này, Ngân hàng Nhà nước nên cho phép thành lập đơn vị giám định độc lập./.

Theo Đỗ Huyền
TTXVN/Vietnam+

Theo Tổng hợp