Hoạ sĩ Lê Thiết Cương nói, đầu tiên phải khẳng định hành động mạnh thường quân bỏ tiền mua tranh để ủng hộ nghệ sĩ đau ốm là hành động tốt. “Tuy nhiên bạn ấy thiếu hiểu biết khi bảo ca sĩ ký ký tên mặt tranh. Mạnh thường quân sai, nghệ sĩ cũng sai nốt”, Lê Thiết Cương nói.
Anh phân tích, nếu xét dưới góc độ Luật Bản quyền hành vi ký tên vào tranh là vi phạm bởi như thế làm thay đổi văn bản gốc, ảnh hưởng tới tranh. Chữ ký màu đậm, nét to ảnh hưởng nghiêm trọng tới màu sắc, bố cục tranh.
Khi được hỏi anh nghĩ sao khi ca sĩ nói rằng mạnh thường quân muốn nên họ mới ký tên, Lê Thiết Cương cười: "Thế họ bảo gì cũng làm à"?
Hoạ sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đồng tình, cho rằng không được phép và không nên ký tên vào tranh. “Một tác phẩm nghệ thuật của tác giả thì họ còn giữ quyền tác giả, người mua chỉ có quyền tài sản. Nếu thêm bớt, sữa chưa hay ký tên vào đều sai luật bản quyền. Đây là hành động thiếu văn hoá, bôi bẩn vào tranh”, hoạ sĩ Trần Khánh Chương nói.
Hoạ sĩ Hoàng Hà từ phòng tranh Hoang Ha Art cho biết: Ở vị trí người sáng tác nghệ thuật, ký vào tranh thể hiện tác giả, tác quyền và giá trị nghệ thuật của người làm ra tác phẩm đó. Do vậy, tôi cho rằng việc các nghệ sĩ ký vào tranh như vậy, mặc dù là do người mua tranh yêu cầu, thì cũng không nên. Ngay cả vị mạnh thường quân kia ở vị trí sở hữu bức tranh sau khi mua mà yêu cầu các nghệ sĩ ký tên vào tranh như vậy dù vô tình hay cố ý là cũng không có sự tôn trọng giá trị nghệ thuật của bức tranh cũng như tôn trọng tác giả. Người mua tranh chỉ sở hữu tài sản họ mua, còn chữ ký trên tranh thể hiện sự tác quyền nên không thể ai cũng ký vào được.
Cần lên án
Hoạ sĩ Trần Khánh Chương phân tích, việc ký lên tranh không chỉ làm hỏng màu sắc, bố cục tranh mà còn dẫn tới hệ luỵ khác. “100 năm sau ai biết tác giả là Hứa Thanh Bình hay cá ca sĩ kia? Ký vào là thêm màu, thêm hoạ tiết làm hỏng tác phẩm. Bình thường hoạ sĩ ký ở góc nào, to hay nhỏ đều tính toán cân nhắc kỹ lưỡng. Tôi cho rằng cần lên án hành động này, ngăn chặn để không lặp lại”, ông nói.
Hoạ sĩ Trần Khánh Chương lấy ví dụ, nhà thơ Hữu Loan bán bài thơ “Màu tím hoa sim” với giá 100 triệu đồng, người mua thơ cũng phải đảm bảo quyền tác giả-không sữa chữa, thay đổi nội dung, nếu có cần xin ý kiến tác giả. Với những người mua tranh có thể tặng người khác, nếu muốn viết hãy viết phía sau bức tranh để tránh ảnh hưởng tác phẩm.
“Đây không phải lần đầu tiên có việc ký tên lên tranh, tôi nghĩ phải lên án để mọi người làm đúng và hiểu đúng dưới góc độ văn hoá, nếu không nó trở thành hiện tượng tràn lan thì nguy”, hoạ sĩ Trần Khánh Chương nói. Trước đó, một nhà thơ có vẽ tranh cũng từng đấu giá bức tranh có chữ ký của người khác, việc này không nhận được sự ủng hộ của dư luận.
“Về luật đã sai, về văn hoá càng sai. Những người có tên tuổi trong showbiz thì hành động, lời nói đều ảnh hưởng tới số đông nên càng phải giữ gìn, kỹ lưỡng. Phông văn hoá chính là bệ đỡ”, hoạ sĩ Lê Thiết Cương nói.
Hoạ sĩ Hoàng Hà thêm: Tôi hi vọng đây chỉ là "sự cố" không mong muốn của người trong cuộc và mong rằng không có những trường hợp tương tự xảy ra. Mọi hành động thêm vào bức tranh là vi phạm tác quyền, thay đổi bố cục, màu sắc... của tác phẩm. Những người làm sáng tác rất coi trọng giá trị nghệ thuật, bản quyền của sản phẩm mình tạo ra và mong rằng ai dù sở hữu sản phẩm đó cũng biết tôn trọng tác quyền, trân trọng giá trị sáng tạo và tác giả của tác phẩm đó.