Gió mạnh, triều cường, sóng biển uy hiếp đê biển Tây

TPO - Gió cấp 6-7, triều cường dâng cao, sóng biển uy hiếp đê biển Tây trên địa bạn ven biển Kiên Giang, Cà Mau.

Ngày 19/9, tại một đoạn đê biển Tây thuộc ấp 10, xã Khánh Tiến (U Minh, Cà Mau) bị sóng tràn gần tới mặt đê, rừng phòng hộ bảo vệ bờ biển gần như không còn, lực lượng hộ đê chuyển đá hộc vào rọ để trấn giữ chân đê.

Lực lượng gia cố chân đê biển Tây thuộc địa bàn xã Khánh Tiến (U Minh, Cà Mau)

Cùng tiếp sức với đơn vị hộ đê, ông Võ Văn Hải, có nhà phía trong đê kể “Hôm qua, nước lên gần 2 m, gần tràn qua mặt đê nhưng rất may rút nhanh. Bà con đậu xuồng máy đi biển bị gãy đôi, máy móc bị sóng đánh chìm, hư hỏng la liệt”.

Gia cố chân đê những vị trí rừng phòng hộ không còn, sạt lở bờ biển

Sóng biển mạnh, gió mùa tây nam hoạt động, triều cường đã làm sạt lở nhiều đoạn bờ biển, uy hiếp trực tiếp tuyến đê biển Tây Cà Mau. Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Cà Mau, một xà lan chở đá thi công Dự án nâng cấp đê biển Tây Cà Mau bị chìm cách bờ biển Ba Tĩnh- Hương Mai thuộc địa bàn Khánh Tiến (U Minh, Cà Mau) khoảng 0,5 hải lý.

Cũng trên tuyến đê biển Tây đã bị sóng biển phá vỡ 3 đoạn đê, dài 75m tại xã Vân Khánh Tây (huyện An Minh, Kiên Giang), nước biển tràn vào phía trong đê vào đêm 18/9. 

Chính quyền địa phương thị sát sạt lở đê biển Tây

Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang đã kịp thời vận hành hệ thống cống để tiêu thoát nước, chống ngập úng tại những khu vực trũng thấp...

Tại vùng biển Tây Nam thuộc ngư trường Cà Mau- Kiên Giang gió Tây Nam mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sóng cao 2-3m, biển động mạnh. 

Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết, mưa liên tục trong 2 ngày qua đã làm mực nước trên đồng ruộng dâng cao, nguy cơ gây ngập úng vào thời điểm vụ lúa hè thu đang thu hoạch. Địa phương lên phương án mở cống hoặc khởi động các trạm bơm nhằm tháo úng. 

Sóng biển gây sạt lở rừng phòng hộ rất nhânh, gây sạt lở bờ biển Tây

Trên tuyến ven biển Tây thuộc tỉnh Cà Mau, Kiên Giang có mưa nặng hạt, kèm gió giật, tạo những đợt sóng lớn, gây áp lực rất lớn lên thân đê, nhất là tại những vị trí không còn đai rừng phòng hộ. 

Lực lượng hộ đê vẫn đang giữ quân số, phương tiện ứng trực tại những vị trí xung yếu, chủ động và kịp thời khi có tình huống xảy ra.