Gìn giữ, cải tạo những 'lá phổi xanh' của Thủ đô

TP - Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội) đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng duy trì cây xanh trên địa bàn toàn thành phố nhằm đảm bảo đồng bộ, cảnh quan cho "lá phổi xanh" của Thủ đô.

Hệ thống cây xanh đô thị có một vai trò quan trọng trong đời sống con người. Hệ thống cây xanh từ lâu đã được ví như lá phổi của trái đất có tác dụng bảo vệ môi trường và cải tạo môi sinh. Cây xanh lại càng có giá trị quan trọng hơn đối với những thành phố lớn có mật độ dân cư đông và là trung tâm các hoạt động chính trị, văn hóa, kinh tế như thủ đô Hà Nội.

Hiện nay, tỷ lệ cây xanh đô thị của Hà Nội mới đạt khoảng 2m2/người; trong khi theo quy chuẩn với các đô thị loại 1, loại đặc biệt, tỷ lệ cây xanh đô thị tối thiểu khoảng 6 - 7m2/người. Trước thực trạng thiếu diện tích sử dụng và việc xuống cấp của hệ thống vườn hoa, công viên cây xanh trên địa bàn TP. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình 03-CTr/TU về chỉnh trang, phát triển đô thị và kinh tế đô thị, trong đó có nội dung quan trọng ưu tiên đến hệ thống hạ tầng xanh.

Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội) thông tin: Trong thời gian qua, Hà Nội đã hoàn thành chương trình mục tiêu trồng mới 1 triệu cây xanh giai đoạn 2016-2020 với nhiều loại cây hoa, cây cảnh, cây bóng mát được trồng trên nhiều tuyến đường, tuyến phố trung tâm góp phần làm thay đổi bộ mặt về cảnh quan và môi trường như Đinh Tiên Hoàng, Trần Nguyên Hãn, Lý Thái Tổ, Lê Thái Tổ, Điện Biên Phủ, Hoàng Diệu, khu vực đại lộ Thăng Long…

Nhiều tuyến phố Hà Nội được phủ xanh, thay đổi cảnh quan đô thị. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Cắt tỉa không ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây xanh

Hiện nay, thành phố đang quản lý khoảng 194.000 cây bóng mát; 2,4 triệu m2 thảm cỏ, cây mảng, cây hàng rào, hoa lưu niên, cây cảnh trồng đơn lẻ khóm; 1.500 m2 hoa thời vụ; 510.000 cây Keo, Tràm, Bạch đàn trên 644 tuyến đường phố của 12 quận, 107 tuyến đường cao tốc, quốc lộ, vành đai, đường tỉnh, các đường trên địa bàn các huyện, thị xã Sơn Tây.

Để nâng cao chất lượng duy trì cây bóng mát, thảm cỏ, duy trì cảnh quan đô thị, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội cho biết, đối với thảm cỏ cây mảng, hàng rào, đơn vị tiếp tục trồng dặm, thay thế các vị trí cây chết, trơ đất, thưa trống; Nhổ cỏ dại, cây dại, dọn vệ sinh tại gốc cây bóng mát do người dân đổ rác, phế thải...

Đồng thời, trung tâm tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng duy trì cây xanh trên địa bàn toàn thành phố. Trong đó, tiếp nhận thêm khoảng 40 khu vực, tuyến có hệ thống cây mảng, cây cảnh, tuyến cây bóng mát chưa được các chủ đầu tư dự án bàn giao để đưa vào duy trì, đảm bảo đồng bộ, cảnh quan, mỹ quan đô thị phục vụ người dân.

Đối với cây bóng mát, Trung tâm cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 760 cây bóng mát, cây cong nghiêng, cây chết, sâu mục cần được cắt tỉa, chặt hạ để đảm bảo an toàn cho người dân. Trung tâm phối hợp cùng đơn vị duy trì tăng cường công tác kiểm tra, rà soát và thực hiện chặt hạ cây chết, sâu mục, nguy hiểm; cắt tỉa đối với các cây nặng tán, cây cong nghiêng.

Bên cạnh đó, ngày 9/8/2024, Sở Xây dựng đã có văn bản báo cáo UBND Thành phố cho phép điều chỉnh chu kỳ cắt tỉa hạ độ cao đối với cây có chiều cao >20m. Việc cắt tỉa sẽ được tiến hành liên tục trong 3 năm (cắt tỉa 1 lần/năm) để khống chế chiều cao về 12m-14m, trong quá trình cắt tỉa kết hợp nuôi dưỡng cành, nhánh tán cây tầng dưới tạo bóng mát tránh việc phải cắt đau trong một lần cắt ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây và cảnh quan đô thị.

Trung tâm cũng đã báo cáo Sở Xây dựng đề nghị các quận trong quá trình thực hiện dự án cải tạo vỉa hè phải bảo vệ hệ thống cây xanh hiện có và thiết kế bồn cây có chiều cao phù hợp với phần rễ bị nổi và diện tích tối thiểu 2m2 để bổ sung đất màu, cắm cọc chống cây.