Giáo viên lớp 1 'thức cùng mùa hè' để kịp đổi mới SGK

TPO - Năm học 2020-2021, năm đầu tiên áp dụng chương trình SGK mới bắt đầu từ lớp 1. Những giáo viên được bố trí nhiệm vụ đứng lớp 1 năm nay không có lấy một ngày được nghỉ ngơi vì chạy đua với các buổi học nghiệp vụ, tập huấn chương trình, SGK mới. 
Giáo viên trao đổi, hướng dẫn lẫn nhau những chỗ chưa hiểu trong quá trình tập huấn SGK mới.

Những ngày tháng 8 giữa mùa hè đỏ lửa, khi cánh cổng trường khép lại, sân trường vắng bóng học sinh nhưng các cô giáo Trường tiểu học Thạch Đài huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) vẫn sôi nổi thảo luận về chương trình, SGK mới. Không phải tất cả giáo viên, mà họ là giáo viên được giao nhiệm vụ đứng lớp 1 năm học mới.

“Video các bài giảng của NXB gửi kèm SGK không phải là bài dạy mẫu, nên giáo viên xem và thảo luận để giữ lại, thêm bớt những gì phù hợp cho học sinh địa phương”, một giáo viên nói.

Giáo viên Trường tiểu học Thạch Đài, Hà Tĩnh tự nghiên cứu SGK mới, sau đó thảo luận tập trung.

Sau khi trường chọn lựa SGK, các giáo viên này phải theo các lớp tập huấn từ Sở GD&ĐT lại đến Phòng GD&ĐT, lớp tập huấn của Nhà xuất bản rồi những buổi tự nghiên cứu tài liệu, để đến trường thảo luận với nhau xem phương pháp này, cách làm nọ có phù hợp với học sinh của địa phương mình hay không. Vì thế, năm học này, những giáo viên lớp 1 bận rộn như con thoi, không có ngày nghỉ dù năm học cũ kết thúc muộn hơn thường lệ vì dịch bệnh.

Cô Nguyễn Thị Hải, giáo viên có thâm niên 6 năm dạy lớp 1 ở Trường tiểu học Thạch Đài chia sẻ, dù là một trường nông thôn nhưng từ năm ngoái, được trang bị máy chiếu, màn hình cỡ lớn phủ kín tất cả các lớp học.

Do đó, những giáo viên như cô từ đầu chỉ quen với cầm bút, cầm phấn và đứng giảng bài đã phải nỗ lực làm quen với việc lên mạng tự tìm tài liệu, tranh ảnh, dựng bài giảng cũng như soạn giáo án điện tử. Đến nay, dù chưa thật sự thành thạo nhưng cô cũng đã tự mình thực hiện các thao tác để phục vụ giờ dạy trên lớp.

Cô Nguyễn Thị Hải,  Trường tiểu học Thạch Đài (áo xanh) hướng dẫn đồng nghiệp trong buổi tập huấn. 

Theo cô Hải, khi dạy học chương trình mới với 2 buổi/ngày giáo viên sẽ vất vả hơn. Đa số học sinh vùng nông thôn bố mẹ làm ăn xa, học sinh nhỏ tuổi với ông bà nên không có người kèm học cũng chưa có ý thức tự học. Do đó, học sinh lĩnh hội được kiến thức đến đâu phụ thuộc phần lớn vào phương pháp, tâm huyết và trách nhiệm của giáo viên.

Năm đầu tiên đổi mới chương trình, SGK, áp lực dồn lên vai cô lớp 1 càng nặng nề hơn bởi vì dịch bệnh ập đến. Giáo viên phải dạy trực tuyến, năm học kéo dài đến 15/7 rồi từ đó phải tham gia nhiều buổi tập huấn trực tiếp và trực tuyến. Sát ngày khai giảng năm học mới, cô và giáo viên đầu cấp vẫn phải đến trường nghiên cứu tài liệu, xem video dạy mẫu của NXB sách giáo khoa, từ đó thảo luận để rút ra cách dạy phù hợp cho học sinh ở trường.

Với nhiều tài liệu tập huấn qua mạng, giáo viên phải trao đổi với nhau để thống nhất cách làm phù hợp với học sinh địa phương mình.

Cô Nguyễn Thị Lộc, giáo viên Trường tiểu học Thạch Xuân (Hà Tĩnh) cũng chia sẻ, năm nay cô không có kỳ nghỉ hè vì kết thúc năm học lại kín lịch với học, tập huấn chương trình mới. Không phải hè này giáo viên mới học, mà để giáo viên bắt kịp với đổi mới phương pháp dạy học, từ năm học trước các cô đã được tiếp cận dần phương pháp dạy học mới, lấy học sinh làm trung tâm thay vì cô giảng trò nghe như cũ nên giáo viên không bỡ ngỡ.

Chưa kể, ngoài các buổi học do Sở, phòng tổ chức, suốt mùa hè, trường còn tập huấn theo từng chuyên đề để giáo viên tiếp cận SGK mới và có cả những giờ dạy mẫu để đánh giá học sinh có hào hứng, tiếp cận đến đâu. “Qua các giờ dạy mẫu SGK mới cho thấy, học sinh rất hứng thú, đặc biệt ở phần khởi động để rồi chiếm lĩnh kiến thức tốt hơn. Điều cô thấy lý thú là trong chương trình mới, học sinh được yêu cầu phát triển nhiều kỹ năng thay vì chỉ chú trọng học đọc, viết như trước”, cô Lộc nói.

Lo một năm học khó khăn

Tại Hà Nội, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên 1 trường tiểu học ở quận Tây Hồ (Hà Nội) cũng cho biết từ năm học trước giáo viên đã chuẩn bị tâm thế cho đổi mới SGK. Kể cả khi SGK chưa cung cấp đến từng trường học, cô và đồng nghiệp đã nhờ xin bản mẫu về nghiên cứu, thậm chí dạy thử 1-2 giờ để thấy cái hay, dở của bộ sách. Đến sát ngày khai giảng năm học mới, giáo viên lớp 1 như cô Huyền vẫn còn chạy đua với những buổi tập huấn để kịp đón học sinh. 

Cô đánh giá SGK mới sắc màu rõ nét với nhiều hình vẽ ấn tượng sẽ giúp học sinh dễ ghi nhớ. Điều cô lo lắng là năm học mới diễn ra trong bối cảnh vẫn còn dịch COVID-19, nếu phải dạy học trực tuyến sẽ rất khó khăn vì học sinh lớp 1 mọi hoạt động, hướng dẫn phải được tổ chức trực tiếp. Nhất là chương trình mới, thông qua các hoạt động trên lớp, giáo viên giúp học sinh lĩnh hội kiến thức lại càng phải học trực tiếp. Điều cô H băn khoăn nữa, với chương trình SGK mới, sĩ số học sinh quá đông như hơn 50 học sinh/ lớp sẽ rất khó khăn cho giáo viên.

Tại Hà Nội, ngoài bộ sách trường lựa chọn, các nhà trường cũng mua thêm các bộ sách khác để giáo viên, học sinh tham khảo. 

Bà Trần Thị Dung Huế, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thạch Đài nói, để đáp ứng chương trình mới, từ năm học trước trường đã tính toán đến việc lựa chọn đội ngũ đứng lớp 1. Giáo viên lớp 1 phải có kinh nghiệm vừa dạy vừa dỗ, lại trẻ tuổi để không bị bỏ lại phía sau khi áp dụng công nghệ, đổi mới phương pháp dạy học. Sau đó, sẽ đào tạo dần đội ngũ giáo viên lớp 2 đến lớp 5 theo phương thức cuốn chiếu.

Cũng theo bà Huế, khi nghiên cứu tài liệu dạy học được cung cấp bởi nhà xuất bản, trường cũng thấy cõ những chỗ không phù hợp với học sinh địa phương. Ví dụ như, bài dạy mẫu ghi hình ở một trường ở Hà Nội, cách thức tổ chức, hướng dẫn học sinh hoạt động có chỗ này chỗ khác chưa phù hợp với học sinh nông thôn, buộc mình phải bỏ để chọn cách làm phù hợp. Bà Huế nói rằng, đổi mới, giáo viên phải tự tìm tòi tài liệu, nghiên cứu để thiết kế giờ học sinh động, lôi cuốn học sinh nhưng với cách quản lý đầu ra bằng cách đánh giá chất lượng học sinh sẽ khiến các cô không thể lười.

“Trước đây, giáo viên có thể thụ động nhưng khi giao quyền tự chủ, giáo viên tự ganh đua nhau bằng chất lượng từng lớp nên buộc giáo viên phải tìm tòi, suy nghĩ các hoạt động gợi mở bài học, tổ chức hoạt động nào để học sinh tiếp thu được gì”, bà Huế nói.