Mở ra góc nhìn độc đáo về hướng phát triển cho cả người học và hệ thống giáo dục, các chương trình giáo dục xuyên quốc gia đang thu hút được nhiều quan tâm từ cộng đồng học thuật, người làm giáo dục cũng như các đơn vị chính sách tại Việt Nam.
Vừa qua, ghi nhận tại Diễn đàn ThinkTNE - Nâng tầm hợp tác liên kết đào tạo giữa Vương quốc Anh và Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Hà Nội và Hội đồng Anh tổ chức, Giáo sư Steve Smith, Đại sứ giáo dục quốc tế của Chính phủ Anh cho biết: “Giáo dục xuyên quốc gia cho thấy lợi thế đặc thù của thế hệ học tập hiện nay so với các thời kỳ trước, nhờ sự thuận tiện và tính năng động trong “chuyển dịch quốc tế” (international mobility). Ở khía cạnh người học, việc tháo gỡ những trở ngại đáng kể như chi phí, khoảng cách địa lý... và trang bị chương trình học đạt chuẩn quốc tế tại địa phương sẽ giúp chúng ta có thể tập trung hơn vào nỗ lực truyền tải và trang bị tri thức cho các cá nhân - một trong những giá trị cốt lõi của giáo dục.”
Từ góc độ hệ thống giáo dục, việc nâng tầm giáo dục từ “chuẩn địa phương” lên “chuẩn quốc tế” đồng nghĩa với khả năng nâng cao năng lực, đảm bảo phát triển bền vững trong môi trường toàn cầu hoá cạnh tranh hơn: “Giáo dục xuyên quốc gia sẽ hỗ trợ các trường đại học trong nước cập nhật và cải tiến nội dung giảng dạy, tăng cường năng lực nội tại của cơ sở giáo dục địa phương, và chắp cánh cho lực lượng lao động chất lượng hơn. Điều này cũng góp phần đáp ứng yêu cầu ngày một khắt khe của nền kinh tế, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc trong phát triển bền vững tại Việt Nam.”
Nỗ lực hiện tại và bức tranh rộng mở cho tương lai
Nằm trong khuôn khổ chương trình UK/Viet Nam Season 2023 nhân dịp kỉ niệm 30 năm Hội đồng Anh có mặt tại Việt Nam và 50 năm quan hệ ngoại giao hai nước, diễn đàn ThinkTNE cũng cho thấy một ví dụ tiêu biểu về các bước tiến của xu hướng giáo dục xuyên quốc gia tại Việt Nam. Thông qua chương trình, đội ngũ chuyên gia từ Hội đồng Anh cùng đại diện 15 trường đại học Anh Quốc đã tham gia gặp gỡ và trao đổi với hàng loạt các đơn vị giáo dục, học thuật đầu ngành trên khắp cả nước, từ đó tạo điều kiện cho những kết nối mới, cần thiết hướng tới sự hiểu biết lẫn nhau, hợp tác cùng phát triển giáo dục giữa hai quốc gia.
Sở hữu nền giáo dục danh tiếng và đang dẫn đầu trong số lượng các chương trình TNE trong nước, Vương quốc Anh hiện xếp hạng thứ 04 về điểm đến học tập được ưa thích tại Việt Nam và đem đến cơ hội tiếp cận tiêu chuẩn giáo dục xuyên quốc gia cho hơn 7,000 sinh viên mỗi năm trên khắp cả nước (số liệu năm 2021). Với giáo dục là trụ cột chính trong quan hệ đối tác chiến lược giữa Vương quốc Anh - Việt Nam, nhiều chương trình hợp tác đối tác giữa hai chính phủ cũng đã đi vào triển khai, mở đường cho nhiều dự án thúc đẩy TNE và đẩy mạnh môi trường học tập cạnh tranh cho sinh viên Việt Nam.
“Các nỗ lực hợp tác phát triển giáo dục đã và đang diễn ra ở nhiều hình thức. Trong đó, kể từ năm 2021, chương trình Đối tác Toàn cầu do Hội đồng Anh khởi xướng đã kết nối và đặt tiền đề cho 29 quan hệ đối tác giữa 23 trường đại học Anh và 38 trường đại học và tổ chức của Việt Nam. Bên cạnh đó cũng có thể kể đến các đối thoại chính sách, nghiên cứu chuyên đề hỗ trợ phát triển chính sách và các dự án tài trợ liên tục được thực hiện trong những năm qua nhằm hướng tới mục tiêu cải cách giáo dục đại học theo Nghị quyết 29-NQ/TW. Đặc biệt, Dự án 89 - học bổng liên kết trong đào tạo bậc Tiến sĩ giữa Anh Quốc và Việt Nam cũng minh chứng cho những hoạt động thực tiễn nâng cao năng lực học thuật, trao đổi nghiên cứu và trọng dụng nhân tài.”
Mang tiêu chuẩn quốc tế trở nên phổ cập và dễ tiếp cận hơn tại môi trường học tập nội địa, có thể thấy tiềm năng giáo dục xuyên quốc gia có thể tạo nên viễn cảnh tương lai rộng mở cho thế hệ học tập kế cận. “Bằng những dự án thực tiễn ba bên giữa Anh Quốc, Việt Nam và Hội đồng Anh, các chương trình chuẩn hóa và nâng cao chất lượng cho hoạt động trao đổi sinh viên và liên kết trong tương lai đang được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Những quan hệ đối tác này đang làm cho giáo dục trở nên toàn diện hơn và dễ tiếp cận hơn để thúc đẩy các hệ thống giáo dục hòa nhập, xây dựng vận động chính sách nhằm giải quyết bất bình đẳng xã hội và hỗ trợ phát triển kinh tế và xã hội công bằng hơn”.
Với người hưởng lợi không chỉ có thế hệ học tập kế cận mà cả nền tảng con người - kinh tế quốc gia, các chương trình giáo dục xuyên quốc gia sẽ còn đem lại những tiến bộ tích cực hơn nữa trong những thập kỷ tiếp theo.