Giám khảo Phạm Hoài Nam: Tôi từng nhắm người khác cho ngôi vị Hoa hậu

TPO - Là một trong 7 giám khảo của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm nay, nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam chia sẻ, anh từng có cảm tình với một thí sinh có vẻ ngoài hiện đại nhưng khi được tiếp xúc gần hơn thì anh thay đổi quyết định.
Nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam.

Được biết, anh đã từng chụp ảnh cho nhiều người đẹp. Có khi nào anh trúng tiếng sét ái tình?

Tiếng sét ái tình của tôi nổ khi tôi không có cái máy ảnh lăm lăm trong tay, không biết như thế có phải may mắn hay không, nhưng tôi cảm thấy mình được yêu và hạnh phúc cho đến tận bây giờ.

Trong các Hoa hậu, anh ấn tượng với nhan sắc của Hoa hậu nào nhất?

Khẳng định là Ngọc Khánh. Đó là một nhan sắc đậm màu nhất mà tôi từng biết, nhiều hoa hậu về sau bước tiếp con đường của Ngọc Khánh nhưng tôi chưa thấy ai có được cái duyên như cô ấy, thông minh tựa như cô ấy hay sâu sắc được bằng cô ấy.

Photo: ..

Quan niệm của anh về cái đẹp, người đẹp khác nhau như thế nào khi anh 20 tuổi và khi đã 40?

Quan điểm của tôi về cái đẹp gần như không thay đổi sau 20 năm. Thường tôi vẫn thích các cô gái có vẻ đẹp khỏe mạnh, hiện đại, có cá tính mạnh và nhất là phải thông minh. Trong rất nhiều trường hợp chọn lựa của tôi không đồng nhất với những người xung quanh, dường như chỉ có HH Ngọc Khánh vừa kể là trường hợp cá biệt duy nhất.

Trở lại cuộc thi HHVN năm nay, là nhiếp ảnh gia thì yếu tố nào anh cho là quan trọng nhất khi chấm điểm cho các thí sinh?

Tôi không chấm hoa hậu theo quan điểm nhiếp ảnh vì cái đó mang quá nhiều đặc thù nghề nghiệp, không phù hợp với việc phải nhìn ra một người hoàn hảo nhất, có khả năng tỏa sáng trong vô số những lựa chọn có được của cuộc thi. Nếu chọn theo tiêu chí nhiếp ảnh tôi sẽ phải chọn H’Ăng Niê hay Đào Thị Hà chứ không bỏ phiếu cho Đỗ Mỹ Linh, nhưng tôi đã làm điều ngược lại. Tất nhiên mỗi giám khảo đều có những lựa chọn riêng, nhưng chúng tôi, mỗi người cũng đều phải có những kiến thức cá nhân về cái đẹp một cách vững chắc và cụ thể để có thể thuyết phục những người còn lại, bảo vệ cho quan điểm của mình và tìm đến một kết quả chung cuộc hợp lý nhất. Có lẽ với tôi điều quan trọng nhất là một tinh thần thật tĩnh, nhìn thật kỹ và tìm được người xứng đáng nhất để trao giải.

Khi chấm thi, anh nghĩ yếu tố cảm xúc chiếm bao nhiêu phần trăm trong quyết định của các giám khảo?

Cảm xúc cá nhân rất quan trọng. Ngay từ đầu cuộc thi tôi rất có cảm tình với một thí sinh có vẻ ngoài hiện đại, nhưng khi được tiếp xúc gần hơn, những biểu hiện của thí sinh đó trong các hoạt động làm tôi mất dần sự chú ý, đỉnh điểm là phần thi mà tất cả các thí sinh phải để mặt mộc ngồi nói chuyện với từng giám khảo, tôi bỏ bạn ấy ra khỏi danh sách lựa chọn của mình. Thần thái, cách nói chuyện, cách đi, cách ngồi, cách cười của bạn ấy dù lên sân khấu rất đẹp, nhưng ngồi gần không cho tôi được cảm giác an toàn, mà như thế thì không thể là hoa hậu.

Sau khi cuộc thi kết thúc, anh còn  điều gì băn khoăn hay tiếc nuối cho người đẹp nào không? Vì sao?

Có rất nhiều băn khoăn, có rất nhiều thứ phải tiếc, nhưng chúng ta chỉ có một chiếc vương miện để trao đi. Tuổi thanh xuân sẽ qua rất nhanh và những cố gắng này của tất cả các thí sinh, nếu không được ghi nhận thì thật là phí. Tất cả các bạn vào đến vòng chung kết đều có cái gì đó để chú ý, để rèn giũa, để định hướng và tỏa sáng. Ai sáng lên nhanh nhất sẽ được chú ý hơn. Tôi thực sự hy vọng các thí sinh của cuộc thi năm nay, với những kinh nghiệm học được trong một khoảng thời gian rất dài dành cho cuộc thi, sẽ rút ra được điều gì đó cho mình, là tiền đề để các bạn ấy tiến đến thành công, tôi hy vọng điều đó sẽ đến với các bạn ấy, nhanh thôi.

Anh từng trả lời báo chí cho rằng bất cứ người đẹp, Hoa hậu nào cũng cần phải có sự rèn giũa. Anh có thể nói cụ thể hơn về vấn đề này không?

Một đứa trẻ cũng phải học dần từ trườn bò rồi mới đi được. Đội trên đầu chiếc vương miện hoa hậu, các cô gái dù đã chuẩn bị trước chắc chắn trong một số trường hợp cụ thể, sẽ lúng túng không biết hành xử sao cho phải phép. Khi là một hoa hậu cái vẫy tay cũng sẽ khác, cái nhìn cái cười cũng phải chừng mực, mặc quần áo như thế nào ra đường cũng sẽ phải suy tính, ngôn ngữ nói chuyện cũng không thể giống cách cô ấy đã nói với mọi người trước đó. Đó là gánh nặng, là trách nhiệm, là nghĩa vụ phải chu toàn của một hoa hậu và để làm được trọn vẹn điều đó, cô gái ấy cũng cần có thời gian để thích nghi và tích lũy kinh nghiệm. Việc đó cũng bình thường thôi mà. Ông bà mình nói: ”Học ăn, học nói...” đến những thứ gần như là tự thân như thế chúng ta còn phải học, huống hồ gì mang một trách nhiệm xã hội lớn, đại diện cho sắc đẹp của cả một quốc gia. Không học mới là lạ đấy!