Giải quyết bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao cho du lịch

TPO - Sau dịch, có những bộ phận chỉ có 10% nhân lực nhưng vẫn phải đảm bảo hoạt động. Trước tình hình mới, một số khách sạn thương hiệu quốc tế vẫn chấp nhận tuyển người chưa có kinh nghiệm, đồng thời cũng phải “xin phép” trước khách hàng là “phục vụ chậm, mong khách thông cảm”.

Ngày 9/8, tại Hội trường Thống Nhất (TPHCM) diễn ra hội thảo Định hướng và giải pháp đào tạo nguồn nhân lực khách sạn để phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam. Nằm trong khuôn khổ diễn đàn Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam 2022, hội thảo nhằm trao đổi các giải pháp giải quyết bài toán thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay.

Thiếu hụt nhân lực có trình độ đạt chuẩn

Chia sẻ tại chương trình, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Silk Path, Giám đốc điều hành khách sạn Silk Path Hà Nội cho biết, trước đại dịch COVID-19, nhiều sinh viên thực tập hoặc lao động thời vụ gần như không được giao việc hoặc tiếp xúc với khách hàng do khách sạn còn e dè về kỹ năng xử lý của họ. Tuy nhiên mọi chuyện đã đảo ngược sau đại dịch, lực lượng lao động bán thời gian, thời vụ rất được quan tâm, o bế.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy trao đổi tại hội thảo. Ảnh: Ngô Tùng

Đặc biệt, trước khó khăn chung của ngành, thậm chí còn diễn ra tình trạng "săn đầu người" ở nhiều đơn vị. Thực tế này rất căng thẳng khi các thương hiệu cũng ráng giữ người trong lúc khó khăn này.

Theo bà Thủy, giờ đây nhiều khách sạn phải chủ động tìm kiếm, ký hợp đồng với họ để đảm bảo nhu cầu nhân lực làm việc cho mình. “Ngày trước các bạn trẻ được vào làm ở các khách sạn là điều may mắn, giờ họ vừa được học lại còn được trả tiền nữa”, vị CEO này nói và khẳng định xu hướng này sẽ còn tăng trong giai đoạn khó khăn về nguồn nhân lực hiện nay.

Trong khi đó, ông Paul Stoll, Giám đốc điều hành mảng dịch vụ du lịch, Tập đoàn Imperial cho rằng, nếu Việt Nam muốn duy trì tăng trưởng du lịch, ít nhất cần phải đáp ứng được kỳ vọng của du khách về các dịch vụ tiện nghi và dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế.

Từ yêu cầu này, ông Paul Stoll nhấn mạnh vai trò của việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đạt chuẩn, trong đó chú trọng đào tạo gắn với các tình huống thực tế song hành với tiêu chuẩn dịch vụ chất lượng.

Ông Paul Stoll phát biểu ý kiến tại hội thảo.

Về điều này, ông Paul Stoll cho biết hiện Tập đoàn Imperial đang phát triển chương trình giảng dạy mang tính hiệu quả, gắn chặt thực hành các kỹ năng cơ bản của ngành khách sạn, kỹ năng quản lý và lãnh đạo.

“Đây là những gì ngành công nghiệp không khói đang tìm kiếm, nguồn nhân lực có trình độ đạt chuẩn phục vụ như một người biểu diễn hoàn hảo trong cơ sở của họ, với khả năng giám sát và thậm chí đào tạo lại cho các nhân viên khác. Bên cạnh đó, còn mở ra cánh cửa việc làm trong các khách sạn 4 sao và 5 sao quốc tế và cho phép các nhân sự thăng tiến nhanh trong sự nghiệp”, ông Paul Stoll cho biết và khẳng định chương trình là giải pháp hiệu quả để giải quyết thách thức ngắn hạn và dài hạn đối với nguồn nhân lực có trình độ đạt chuẩn của Việt Nam lúc này.

Duy trì những yếu tố mạnh nhất

TS. Nguyễn Anh Tuấn đánh giá tình hình nhân lực du lịch hiện tại.

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đánh giá, trận “cuồng phong” COVID-19 vừa qua đã cuốn phăng nguồn nhân lực chuyên nghiệp trước năm 2019 của ngành. Hệ lụy kéo theo là chất lượng dịch vụ cũng thấp hơn trước năm 2019 bởi thiếu hụt lực lượng nhân sự chuyên nghiệp.

Nêu giải pháp giải quyết bài toán nguồn nhân lực cho ngành hiện nay, ông Tuấn cho rằng cần duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân viên, từ đó sẽ giúp duy trì một trong những yếu tố mạnh nhất đối với ngành công nghiệp trong năm 2022. Đồng thời quan tâm đến phúc lợi của người lao động, đây còn là văn hóa của doanh nghiệp. Đánh giá lại môi trường làm việc, ca kíp và cần có những giải pháp tích cực để giúp người lao động trong lĩnh vực khách sạn, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao phát huy khả năng.

Cùng với đó, cập nhật thường xuyên và đưa các tiêu chuẩn nghiệp vụ khu vực và quốc tế vào quá trình đào tạo, hệ thống hóa lại hệ thống tài liệu nhằm thống nhất, đảm bảo chất lượng đầu ra.

Chất lượng nguồn nhân lực du lịch đang là vấn đề then chốt để ngành bứt phá trở lại sau dịch. (Trong ảnh: các bạn sinh viên chuyên ngành du lịch theo dõi tại hội thảo)

Khó tuyển sinh ngành du lịch

Dưới góc độ đơn vị đào tạo, PGS.TS Nguyễn Quyết Thắng (Trưởng khoa Quản trị Du lịch, nhà hàng, khách sạn - Trường Đại học Công nghệ TPHCM) nhìn nhận, công tác tuyển sinh cho ngành du lịch đang rất khó khăn. Lý do là từ chính những người thân của các em đã trải qua, hiểu được những khó khăn trước đó, nên họ khuyên con em mình không học ngành này. “Thực trạng này, chắc phải mất vài năm nữa khi dịch thật sự ổn định thì mới được cải thiện”, ông Thắng đánh giá.

Từ vấn đề này, ông Thắng bày tỏ mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước cần dự báo, chỉ ra bức tranh phát triển của ngành và dự báo nguồn nhân lực để định hướng, truyền lửa cho các bạn trẻ có thể bước vào nghề nghiệp này.

Cũng theo vị trưởng khoa, còn phải quan tâm đào tạo nguồn nhân lực trung cấp, vì hiện Việt Nam còn thiếu rất thiếu. Cần có cơ chế, đề án giúp cho việc đào tạo nhân lực cấp trung để từng bước đóng góp vào sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực nhà hàng khách sạn nói riêng và ngành du lịch nói chung.