Gần đây, giới chuyên gia quân sự đang rất quan tâm tới thế hệ xe thiết giáp hạng nặng đa dụng Armata và dòng xe tăng thế hệ mới có số hiệu T-14 của Nga. Từ những thông tin ít ỏi được tiết lộ và những hình ảnh giới thiệu về xe tăng T-14, có thể đánh giá Armata là bước đột biến thay đổi hoàn toàn về tư duy chế tạo xe tăng của Nga so với các dòng xe tăng Liên Xô và Nga phát triển trước đó. Sự khác biệt của Armata nằm chủ yếu ở thiết kế khung gầm đa dụng chung cho nhiều phương tiện chiến đấu, kết cấu mô-đun, tự động hóa và tối ưu hơn khả năng sống sót của tổ lái trên chiến trường.
Bước ra khỏi khuôn mẫu truyền thống
Tới trước thời điểm T-14 Armata xuất hiện, xe tăng Nga vẫn ảnh hưởng lớn từ theo thiết kế có từ thời Liên Xô. Điều này là do thực tế xe tăng Nga hiện nay vẫn chịu ảnh hưởng của lối thiết kế phục vụ chiến tranh tổng lực với việc tối ưu giữa hỏa lực và tiêu hao khí tài quân sự trong chiến tranh.
Hai dòng xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 và T-80 phát triển theo tư duy truyền thống.
Hướng thiết kế này xuất hiện từ thời Thế chiến thứ 2 tới nay với việc quân đội Liên Xô và Nga luôn duy trì 2 dòng xe tăng chiến đấu. Một loại đáp ứng hỏa lực cộng đồng, yểm trợ hỏa lực lục quân. Loại còn lại được thiết kế chuyên biệt cho nhiệm vụ đấu tăng và là nắm đấm thép trong tác chiến cơ động tổng lực. Có thể nhìn thấy rõ xu hướng này qua các dòng tăng T-34, IS; T-62, T-64, T-72, T-80. Gần đây nhất là xe tăng T-90 tuy định hướng phương thức tác chiến mới, nhưng vẫn chịu ảnh hưởng của thiết kế xe tăng cũ.
Theo lối thiết kế này, xe tăng cần đơn giản trong chế tạo, hỏa lực mạnh, tối giản tiện nghi của kíp lái ở mức tối đa. Điều này cho phép xe tăng Nga có thể sản xuất ở quy mô lớn, bù đắp thiệt hại trên chiến trường dù có bị thiệt hại lớn. Tư duy này hợp với phương thức chiến tranh tổng lực khi vòng đời của vũ khí ngắn hơn rất nhiều so với thông số thiết kế. Tuy nhiên, thiết kế đơn giản, vòng đời ngắn lại là gánh nặng hậu cần khi duy trì hoạt động của các đơn vị xe tăng dạng này trong…thời bình.
Khi đã có trong tay khả năng răn đe hạt nhân, Nga không bao giờ phải đối mặt với một cuộc chiến tổng lực, mà chỉ có thể là xung đột nhỏ hoặc các cuộc chiến ủy thác. Đây cũng là yếu tố cần để các tổ hợp thiết kế Nga cho ra đời dòng xe tăng mới khác xa truyền thống đáp ứng được khả năng phản ứng nhanh, tin cậy và hậu cần đơn giản. Thực tế đã thể hiện hướng thiết kế xe tăng của Nga từ xe tăng T-90S, T-90MS và hiện tại là T-14 Armata.
Sự ra đời của Armata
Ngay từ khi được giới thiệu, Armata đã mang trong mình nhiều công nghệ chưa từng có tiền lệ trong tư duy chế tạo xe tăng không chỉ của Nga, mà còn trên tầm thế giới. Vậy xe tăng Armata có đặc điểm gì đáng nổi bật:
* Thiết kế dạng mô-đun hóa toàn bộ các kết cấu: Mặc dù Nga là nước đi sau so với phương Tây ở mảng công nghệ này, nhưng T-14 đi sau tỏ ra có nhiêu ưu việt hơn đối thủ. Kết cấu xe T-14 chia thành 3 phần rõ ràng: Khoang tổ lái, khoang động lực và khoang hỏa lực. Tư duy thiết kế các khoang dạng hộp xếp nên có thể thay đổi vị trí các khoang trên cùng khung gầm xe Armata mà không cần thay đổi lại nhiều thiết kế của xe. Đây cũng là nền tảng giúp từ khung gầm Armata có thể phát triển nhiều dạng xe chiến đấu: Xe tăng, xe chiến đấu bộ binh, pháo tự hành, xe bảo trì-kỹ thuật…. Việc đồng bộ hóa các tiêu chuẩn kỹ thuật trên cùng một khung xe chung giúp đơn giản hóa quá trình bảo trì, bảo dưỡng và tính đa dụng trên chiến trường.
* Kết cấu mở “để ngỏ” khả năng nâng cấp trong tương lai: Khung gầm Armata về hình dáng lớn hơn hẳn so với các dòng xe tăng Nga truyền thống với kết cấu 7 bánh chịu lực dàn đều trọng tại trên khung xe kết hợp với cụm giảm xóc dạng cản (theo nhiều nguồn tin là dạng thủy lực điều khiển chủ động) giúp xe mang vác được khối lượng trọng tải lớn, có độ ổn định và tự cân bằng cao nhất là khi mang các loại pháo lớn.
Từ các hình dáng được công bố, xe tăng Armata có thể vẫn mang pháo chính cỡ 125mm, nhưng là loại cải tiến (có thể là 2A82) với tính năng gấp 1,2-15 lần, tăng độ chính xác tới 15% so với các dòng pháo tăng hiện tại của Nga.
Tuy nhiên, với nền tảng khung gầm hiện tại, Armata trong tương lai đủ khả năng được trang bị các loại pháo tăng cỡ lớn 140 hoặc 152mm. Đây là yếu tố cần thiết để mở đường cho việc áp dụng các loại đạn pháo tăng có khả năng tự dẫn mới và tăng sức mạnh hỏa lực cơ bản của xe tăng.
Nhiều khả năng, Armata vẫn dùng hỏa lực thứ cấp là súng máy đồng trục 7,62mm và súng máy hạng nặng 12,7mm điều khiển từ xa trên nóc tháp pháo với trục quay độc lập với pháo chính.
* Áp dụng các công nghệ bảo vệ chủ động, thụ động tân tiến nhất: Có thể nói chắc chắn xe tăng Armata sẽ được trang bị hệ thống giáp chính từ hợp kim thép 44S-sv-Sh phát triển bởi OJSC"NII Steel. Theo giới thiệu của nhà sản xuất, công nghệ thép mới cho phép duy trì khả năng bảo vệ tương đương loại giáp cũ, nhưng trọng lượng giảm từ 15-20%. Nhờ đó, Armata dù có tăng kích thước nhưng chắc chắn tổng trọng lượng toàn xe vẫn không tăng quá nhiều so với truyền thống xe tăng nặng chưa tới 50 tấn của Nga (giới chuyên gia nhận định Armata có thể nặng khoảng 55 tới 58 tấn ở trạng thái trang bị đầy đủ, sẵn sàng chiến đấu).
Kết hợp với lớp giáp chính, cần phải nhắc tới lớp giáp phản ứng nổ (ERA) thế hệ mới (chưa rõ tên định danh) với 2 khối chính bảo vệ tháp pháo, thân xe. Với tổng khối lượng khoảng 1 tấn, hệ thống giáp này giúp Aramta đối phó tốt với các loại đạn hóa năng sử dụng hiệu ứng nổ lõm và ngăn chặn 1 phần sức xuyên phá động năng của đạn chống tăng dưới cỡ dạng thanh xuyên.
Phần đuôi xe, phía sau tháp pháo được lắp giáp lồng làm từ thép thanh được gia cường giúp giảm thiểu khả năng thiệt hại trong các môi trường tác chiến chật hẹp như đô thị, đồi núi…
Một yếu tố đặc biệt khi nhắc tới xe tăng Nga đó là hệ thống bảo vệ chủ động. Armata được giới thiệu sẽ mang tổ hợp Aghanit với nhiều tính năng độc đáo. Aghanit ngăn chặn loại đạn chống tăng hóa năng tấn công xe tăng bằng đầu đạn hạt nhân với hiệu ứng nổ định hướng khác biệt so với đạn chùm của hệ thống Arena (E) thế hệ trước. Bộ phận phóng đạn bao gồm giá trục quay 3 bậc tự do, theo mặt phẳng thẳng đứng và mặt phẳng ngang cung cấp khả năng bảo vệ hoàn toàn bán cầu trước của xe tăng. Sử dụng sóng ra-đa băng tần mm, Aghanit đảm bảo khả năng ngăn chặn các loại đạn chống tăng có sơ tốc tới 1.700m/giây ở khoảng cách 15-20m. Điểm mới nữa là người Nga đã thành công khi giải quyết thuật toán phóng nhiều đạn để ngăn chặn nhiều mục tiêu bắn vào xe tăng cùng lúc (các hệ thống trước đó chỉ có thể ngăn chặn từng mục tiêu và có thời gian trễ giữa các lần bắn). Nếu điều này được khẳng định trên chiến trường thì sẽ là lợi thế lớn của xe tăng Nga.
* Tháp pháo tự động hóa và quản lý các thiết bị trên xe hoàn toàn tự động: Đây chính là bước đột phá của xe tăng Armata. Việc 3 thành viên kíp lái ngồi trong khoang kín đặt thấp trong thân xe buộc Armata phải có hệ thống quan sát và điều khiển hỏa lực từ xa. Các cảm biến lắp đặt ở các hệ thống trên xe sẽ cung cấp thông tin về máy tính trung tâm xử lý rồi hiển thị tới kíp lái. Bất kỳ hỏng hóc hay trục trặc của xe đều được tính toán phương án xử lý rồi thông báo lại tới kíp lái.
Hệ thống điều phối hỏa lực đa kênh tổng hợp các thông số qua kênh quan sát quang, ảnh nhiệt kết hợp đo xa la-de và máy tính đạn đạo đưa ra tham số bắn chính xác giúp xạ thủ và trưởng xe có thể phân quyền tác xạ khi cần. Từ các nguồn tin không chính thức, Armata có thể phát hiện mục tiêu ở điều kiện ban ngày cách 5km, ban đêm là 3,5km.
Hệ thống ổn định tháp pháo 3 trục giúp Armata khai hỏa tốt trong điều kiện hành tiến.
* Động cơ mạnh mẽ và tin cậy: Armata được lắp khối động cơ diesel turbo-piston 1.200 mã lực A-85-3A có thể đặt phía trước hoặc đặt phía sau thân xe. Dự trữ giờ hoạt động là 2000 giờ. Dung tích động cơ đạt đến 4m3. Đây là dòng động cơ tăng áp chủ động với 12 xy lanh đặt hình chữ X cung cấp tới 1.200-1.500 mã lực. Động cơ A-85-3A được hoàn thiện từ năm 2011 và đã được thử nghiệm trên Object 195 trong các điều kiện ngặt nghèo nhất với độ tin cậy cao.