Ngay sau pha tranh chấp bóng bổng giữa Quang Hải và Phitiwat, trọng tài đã nổi hồi còi kết thúc trận bán kết lượt về giữa Việt Nam và Thái Lan.
Tất cả kết thúc. Chúng ta thất bại và phải chấp nhận thực tế đó. Quên đi tranh cãi, những gì xảy ra trên sân sẽ ở lại trên sân, Quang Hải quay sang mỉm cười bắt tay chúc mừng Phitiwat. Một hành động thật đẹp, bởi bóng đá không chỉ có người thắng kẻ thua, mà còn có cả sự tôn trọng lẫn nhau.
Tuy nhiên không phải ai cũng coi trọng điều đó. Phải, chúng ta đang nói về Theerathon Bunmathan.
Ở lượt đi, khi kết thúc trận đấu, hậu vệ trái của Thái Lan cố tình đi ngang qua khu kỹ thuật của Việt Nam và khiêu khích HLV Park Hang-seo. Hành vi không thể chấp nhận này làm bùng lên bầu không khí hỗn loạn sau đó.
Đây chỉ là một phần trong chuỗi hành động xấu xí của Theerathon trong cả hai lượt trận. Anh ta vung tay vào mặt Quang Hải ở sát đường biên trận lượt đi, giật chỏ đánh nguội Phạm Xuân Mạnh trong phút cuối trận lượt về. Thật lạ khi các trọng tài đều bỏ qua những lỗi này, khiến Theerathon vẫn có mặt trên sân thay vì đi tắm sớm. Ngay cả báo chí Thái Lan cũng cho rằng đội nhà chơi không đẹp, cố gắng phá lối chơi của đối thủ bằng sự thô bạo.
Vậy những hành vi của Theerathon chỉ là bột phát, do tính chất căng thẳng của cuộc đối đầu với Việt Nam, hay do tính cách? Đáp án đúng là phương án 2.
Người Thái không lạ gì phong cách bạo lực của Theerathon. Ở tuổi 21, khi mới được gọi lên ĐTQG Thái Lan anh ta đã ghi dấu ấn với chiếc thẻ đỏ trong trận đấu với Saudi Arabia ở vòng loại World Cup 2014. Rời tuyển, Theerathon tham gia cùng đội U23 chinh chiến ở SEA Games 26. Ngay trận đầu gặp Indonesia, một lần nữa Theerathon lại bị đuổi khỏi sân.
2 thẻ đỏ liên tiếp trong vòng 3 ngày, dư luận Thái Lan sôi sục với Theerathon. Tất cả quy trách nhiệm cho hậu vệ trái lúc đó đang chơi cho Buriram về thất bại của cả hai đội tuyển. Suốt một thời gian dài Theerathon sống trong tiếng la ó, chỉ trích, lăng mạ. Tình hình căng thẳng đến mức anh ta muốn chia tay vĩnh viễn với đội tuyển quốc gia. Quyết định này chỉ được rút lại khi bố của Theerathon hết lòng khuyên nhủ. Sau đó Theerathon bí mật tới một ngôi chùa và đi tu vài tháng để tĩnh tâm.
Phong cách quyết liệt và thô bạo của Theerathon có thể hình thành từ thời thơ ấu ở Nonthaburi, trong một gia đình nghèo với bố làm nghề cắt tóc dạo còn mẹ là công nhân nhà máy kính. Theerathon học ở chùa làng và không giỏi giang gì, vì vậy đến năm lớp 3, nhờ quen biết, bố Theerathon đã xin cho cậu con trai vào trường Thể thao Bangkok.
Buổi tập thử, Theerathon hoàn toàn thất bại vì chưa chơi bóng bao giờ, nhưng vẫn trúng tuyển nhờ mối quan hệ. Rồi Theerathon bắt đầu học bóng đá, nỗ lực hết mình để giỏi hơn chúng bạn. Tuy nhiên, thật khó để nói nó xuất phát từ tình yêu hay niềm đam mê với trái bóng tròn. Chính Theerathon thừa nhận, quyết tâm theo đuổi môn thể thao này vì nó mở ra tương lai và giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Cũng vì lẽ đó, anh ta không vào sân để tận hưởng trận đấu mà với mục tiêu duy nhất là giành chiến thắng, thắng bằng mọi giá.
Không gì có thể thay đổi suy nghĩ ấy trong Theerathon, ngay cả cú sốc lĩnh 2 thẻ đỏ năm 2011. Theo thống kê chưa đầy đủ, kể từ năm 2013 tới nay Theerathon đã lĩnh 6 thẻ đỏ ở cấp độ CLB và con số khổng lồ 50 thẻ vàng. Trong số này bao gồm lần bị đuổi khỏi sân năm 2018 khi Theerathon khoác áo Vissel Kobe. Trọng tài đã không do dự với quyết định rút thẻ đỏ trực tiếp sau vao vào bóng đầy ác ý với tiền vệ Ryutaro Iio của Nagasaki.
Một chi tiết đáng ngạc nhiên là Theerathon rất mau nước mắt. Anh ta đã khóc rất nhiều trong năm tháng đầu tiên xa gia đình để theo học Trường thể thao Bangkok, và còn khóc nhiều hơn khi chia tay vợ con lúc mới sang Nhật. “Tôi đã rất nhớ nhà, nhớ vợ con và gần như mỗi ngày, sau mỗi buổi tập tôi đều khóc”, Theerathon nói. Sự yếu đuối này trái ngược hoàn toàn với một kẻ thích đánh nguội, chơi cùi chỏ và dùng tiểu xảo trên sân.