Giải mã hiện tượng hay giật mình khi ngủ

Con người lúc ngủ có thể bị kích thích bởi ánh sáng, âm thanh, ảo giác rơi xuống hoặc tiếng động lớn phát ra trong đầu.
Nhiều người khi bắt đầu ngủ thường giật mình vì gặp ảo giác cơ thể bị rơi xuống. Ảnh minh họa: SW

Theo Livescience, Michelle Drerup, chuyên gia về giấc ngủ tại Trung tâm Rối loạn giấc ngủ của Cleveland, Mỹ, cho biết các cơn giật mình phổ biến xảy ra khi giai đoạn cơ thể bắt đầu giấc ngủ. Một số nghiên cứu cho thấy khoảng 60 đến 70% người trải qua trạng thái này. Thông thường, mọi người thường không nhớ những cơn giật mình khi ngủ, trừ khi bị thức giấc vì giật mình.

Một số nhà khoa học cho rằng các yếu tố căng thẳng, lo âu, mệt mỏi, uống cà phê hay bị mất ngủ có thể khiến tần số và mức độ nghiêm trọng của cơn giật mình tăng lên. Tuy vậy, vấn đề này vẫn chưa có đủ các nghiên cứu để kết luận.

Một giả thuyết rằng cơn giật mình trong trạng thái bắt đầu ngủ là một điều tự nhiên của cơ thể. Hiện tượng này xảy ra khi các dây thần kinh dần dần bị "liệt" trong quá trình thức chuyển sang ngủ.

Một giả thuyết khác phổ biến hơn được giải thích theo kiểu "thuyết tiến hóa" cho rằng cơn giật mình là phản xạ của loài linh trưởng cổ xưa đối với sự thả lỏng, thư giãn cơ bắp khi cơ thể rơi vào trạng thái bắt đầu ngủ. Bộ não đã hiểu sai bản chất của sự thư giãn đó, cho rằng đó là dấu hiệu giống như loài linh trưởng đang ngủ và bị rơi ra khỏi một cái cây, dẫn đến việc các cơ bắp nhanh chóng phản ứng lại.

"Thường xuyên giật mình khi ngủ là một trạng thái bình thường của cơ thể. Tuy nhiên, nếu việc giật mình khiến bản thân lo sợ và làm gián đoạn giấc ngủ, bạn nên gặp chuyên gia về giấc ngủ để được tư vấn", ông Drerup nói.

Theo Theo Vnexpress