Giải mã chiến dịch tranh cử hiệu quả của tỷ phú Donald Trump

TPO - Nhiều người ngạc nhiên khi Donald Trump gom đủ số phiếu đại biểu cần thiết để trở thành ứng viên đại diện cho đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Điều gì giúp ông trùm bất động sản này có chiến dịch tranh cử hiệu quả?

Bị ghét. Bị chỉ trích. Bị phản đối. Nhưng Donald Trump vẫn đánh bại tất cả các đối thủ để trở thành đại diện duy nhất của đảng Cộng hòa tranh cử chức Tổng thống Mỹ. Chiến dịch tranh cử của vị tỷ phú này vẫn hiệu quả, ít nhất cho đến thời điểm này nhờ đâu?

Phong cách diễn thuyết

Sau nhiều năm cầm trịch chương trình thực tế “Người tập sự của Donald Trump”, “ông trùm” này đã tìm ra cách sử dụng ngôn ngữ mà tất cả mọi người đều hiểu. Phong cách nói chuyện bình dân giúp Trump truyền đạt thông điệp rõ ràng, dễ hiểu đến người nghe.

Biết người biết ta

Donald Trump phát hiện ra những điểm yếu của đối thủ và khai thác chúng. Ông cũng sử dụng chiến lược Karl Rove (theo tên của cố vấn chính trị được mệnh danh là “bộ não” của cựu Tổng thống Bush), lấy điểm mạnh của đối thủ, biến chúng thành điểm yếu và nói bất kỳ điều gì ông muốn về họ mà không quan tâm điều đó có bao nhiêu phần là sự thật.

Trên thực tế, Trump công kích tất cả mọi người ở tất cả các bên, từ đảng Dân chủ, Chính phủ Mexico, người Hồi giáo đến những người dẫn chương trình các talk show như nhà báo Megyn Kelly (người bình luận tin tức và chính trị nổi tiếng của kênh truyền hình Fox), anh hùng chiến tranh của đảng Cộng hoà John McCain, chiến lược gia Cộng hòa Karl Rove, cựu Tổng thống Mỹ Bush, các đối thủ khác thuộc đảng Cộng hòa.

Hiểu được nhu cầu của người nghe

Trump biết rằng rất nhiều người không hài lòng với rất nhiều thứ khác nhau: Chủ nghĩa khủng bố, nhập cư bất hợp pháp, khủng hoảng tài chính kinh tế, an ninh, thay đổi nhân khẩu học, chính trị đúng đắn, các quy định về môi trường và nhiều hơn nữa.

Ông hiểu rất dễ để chỉ trích những người cầm quyền, thay vì đưa ra giải pháp thay đổi mọi thứ hiệu quả hơn. Những người bất lực và bất mãn sẽ dễ dàng đặt niềm tin vào một người đàn ông vốn gắn với hình ảnh doanh nhân thành đạt, có thể sửa chữa mọi thứ mà họ cho rằng là sai lầm.

Lặp lại đủ số lần khiến người nghe nhớ và tin

Khi một thông điệp được lặp đi lặp lại đủ số lần, nhiều người sẽ tin dù điều đó là sự thật hay không. Donald Trump đã sử dụng thuật ngữ “crooker Hillary” (tạm dịch: “Hillary quanh co” hay “Hillary không thành thật ) khá nhiều lần trong thời gian gần đây.

Đừng bận tâm rằng Trump đã bị kiện vì lừa đảo tại Đại học Trump và đã tham gia ít nhất 169 vụ kiện liên bang. Theo Bloomberg, Trump bị kiện 1.300 lần kể từ năm 2000.

“Thao túng” các phương tiện truyền thông

Trump biết rằng thái quá sẽ thu hút sự chú ý. Mỗi lần xuất hiện, ông “thu hút” người biểu tình, và ông tận dụng những người biểu tình đó ở trong và bên ngoài nơi ông diễn thuyết để nâng cao hình ảnh “người đàn ông cứng rắn”.

Tất nhiên, các phương tiện truyền thông sống nhờ vào người nổi tiếng để thu hút sự chú ý. Những người yêu thích và ghét Trump đều bị ông cuốn hút vì họ đang tò mò ông sẽ làm gì tiếp theo. Các ứng viên đảng Cộng hòa khác đều thất vọng và ghen tỵ với sự chú ý Trump nhận được.

Ông đã chứng minh điều này khi rút khỏi cuộc tranh luận trên Fox News hồi cuối tháng Giêng. Theo CNN, chương trình bị giảm lượt người xem đến mức thấp nhất và Donald Trump là ứng cử viên được nói đến nhiều nhất dù không có mặt ở đó.

Theo Theo Huffington Post