Hơn một tuần qua, ông Nguyễn Văn Tú, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại phát triển Nhất Tín (Nhất Tín logistics) đứng ngồi không yên vì phải tìm cách duy trì hoạt động của doanh nghiệp (DN), cân đối thu chi, thăm dò ý kiến khách hàng về việc tăng giá cước vận tải sau khi giá xăng dầu tăng phi mã. Giá cước vận tải vốn đã cao, nếu tăng thêm, ông Tú lo mất khách, mà không tăng thì doanh nghiệp sẽ lỗ vốn.
Theo ông Tú, hiện DN đang áp dụng giá cước như đã công bố và ký hợp đồng với đối tác trước đây. Khi giá xăng dầu tăng mạnh, chi phí xăng dầu cho đội xe tải với hơn 450 chiếc bị đội lên 5%-7%, trong khi giá cước không thay đổi khiến DN càng hoạt động càng có nguy cơ thua lỗ.
Để hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực của việc giá xăng dầu tăng, DN đã tăng cường đào tạo nhân viên về việc ý thức vận hành xe tải cũng như cung cấp các kiến thức để có thể tiết kiệm nhiên liệu trong quá trình sử dụng. Tuy vậy, về tương lai, ông Tú nói “nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng, DN có thể phải thực hiện điều chỉnh giá cước để đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh”.
Tương tự, nhiều DN vận tải hành khách ở bến xe Miền Đông, TPHCM đang phải hoạt động cầm cự và đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc cân đối bài toán thu chi sau khi giá xăng tăng, thậm chí phải bỏ tiền túi ra để bù lỗ. Bà Bùi Thị Huy Viễn, chủ nhà xe Tư Viễn (chạy tuyến TPHCM - Hà Nội - Quảng Ninh) cho biết, trước dịch DN có 4 chiếc xe khách thì nay chỉ còn 1 chiếc để cầm cự, duy trì hoạt động ở bến xe. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên lượng khách giảm nghiêm trọng, trong khi các chi phí liên tục đội lên khiến DN điêu đứng.
“Mỗi chuyến xe xuất bến tôi chỉ mong thu được 3-5 triệu thôi, chứ nhiều hơn thì không có. Thậm chí, có những chuyến hòa vốn hoặc lỗ nhưng cũng phải chạy để giữ khách, giữ mối hàng. Giờ giá xăng tăng cao, càng chạy càng lỗ, không biết sẽ duy trì hoạt động như thế nào”, bà Viễn nói.
Anh Trần Cường, chủ nhà xe An Phú, có 6 xe chạy tuyến TPHCM - Bình Định đang phải bỏ tiền túi ra bù lỗ vì chi phí nhiên liệu tăng cao. “Hiện chúng tôi chủ yếu hoạt động cầm chừng, trong tình trạng phải bù lỗ. Nếu như giá xăng, dầu vẫn giữ mức cao như hiện nay, tôi nghĩ thời gian tới sẽ không cầm cự được nữa mà phải cắt giảm chuyến, tuyến hoặc phải tạm dừng hoạt động”, anh Cường nói.
Giá xăng tăng cao nhất trong 9 năm qua
Ngày 21/2, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định điều chỉnh giá xăng E5RON92 bán lẻ tăng 961 đồng/lít, lên 25.532 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 965 đồng, lên 26.287 đồng/lít bán lẻ.
Các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh tăng mạnh trong kỳ điều hành này. Dầu diesel 0.05S có giá bán lẻ mới lên tới 20.801 đồng/lít (tăng 936 đồng/lít). Dầu hỏa tăng 758 đồng/lít, lên mức 19.509 đồng/lít. Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 273 đồng/kg và có giá bán lẻ mới 17.932 đồng/kg.
Đây là lần thứ 5 liên tiếp giá xăng dầu trong nước tăng tính từ đầu năm 2022 đến nay, đưa giá xăng dầu lên mức cao nhất trong 9 năm gần đây.Dương Hưng
Theo ông Nguyễn Văn Chánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TPHCM, giá xăng dầu tăng cao nhất trong vòng 7-8 năm qua và có thể tiếp tục tăng phi mã trong thời gian tới khiến các DN vận tải gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khi chưa kịp phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Theo ông Chánh, trong hoạt động của DN vận tải, các loại xe container, xe tải nặng, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 35%-40%, trong khi các loại xe khác chiếm trung bình khoảng 25% của tổng doanh thu. Bên cạnh đó, các DN còn phải đóng thêm nhiều loại chi phí khác như bến bãi, phí bảo trì đường bộ, BOT… Do đó, giá xăng dầu tăng cao và không ổn định sẽ khiến các DN gặp vô vàn khó khăn.
“Giá xăng dầu tăng buộc DN vận tải phải tăng giá cước để bù chi phí. Tuy nhiên, việc tăng giá cũng không thể quá cao, không đuổi được mức tăng của xăng dầu vì còn phải giữ chân khách hàng dẫn đến DN hoạt động cầm chừng, thua lỗ”, ông Chánh nói thêm.
Theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM, Phó tổng giám đốc hãng taxi Vinasun, bình thường giá nhiên liệu chiếm 20-25% chi phí của DN. Với giá xăng cao như hiện nay, nhiên liệu chiếm đến 30% chi phí, trong khi giá cước taxi vẫn chưa thay đổi, các DN đang phải cầm cự đợi giá xăng bình ổn. Nếu giá xăng vẫn cao và tiếp tục tăng thì buộc các DN phải thay đổi giá cước, điều này sẽ khiến người tiêu dùng chịu ảnh hưởng nặng nhất.