Mới 1h sáng mà cả nhà chị M. phải bồng bế cô con gái 5 tháng tuổi đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi T.Ư, vì bé cứ khóc ngằn ngặt suốt hai tiếng. Bác sĩ chẩn đoán trẻ bị đau thắt ruột (colic) có thể do thức ăn lạ. Hỏi lại thì biết buổi tối hôm trước trẻ được bà cho ăn một ít trứng gà.
Qua các xét nghiệm, trẻ được chẩn đoán dị ứng với protein lòng trắng trứng gà. Bác sỹ khuyên sáu tháng sau, nên đưa trẻ đến làm xét nghiệm lại về da hoặc máu để xác định xem trẻ đã hết dị ứng với trứng gà chưa rồi mới được ăn lại.
Bệnh nhi N.V.Tr (8 tháng tuổi, ở Nam Định) vào viện nhiều lần vì suy dinh dưỡng do tiêu chảy kéo dài. Trẻ đã được các bác sỹ cho xét nghiệm nhiều lần mà không tìm thấy vi khuẩn, virus hoặc nấm trong phân.
Được điều trị các loại men tiêu hóa, tư vấn chế độ ăn uống, bổ sung các yếu tố vi lượng, nhưng bệnh nhi vẫn bị rối loạn tiêu hóa. Khi làm xét nghiệm da, bác sỹ mới phát hiện bé bị dị ứng sữa bò. Sau hai tuần dừng sữa bò, trẻ hết tiêu chảy và bắt đầu lên cân.
Bé H.M.P (27 tháng tuổi, ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng nổi mề đay khắp người, ngứa, phù mí mắt, quấy khóc và ho, khản tiếng. P. bị mề đay cấp, viêm thanh quản cấp.
Tối đó, nhà có khách, mẹ bé P. nướng cá chỉ vàng để cả nhà ăn và uống bia. Bé P. có ăn một chút cá chỉ vàng và nhấp ít bia của bố. Sau đó khoảng 15 phút thì bé có các biểu hiện lạ trên da.
Thức ăn mới, làm quen từ từ
Theo TS.Lê Minh Hương, Trưởng khoa Dị ứng-Miễn dịch-Khớp (Bệnh viện Nhi T.Ư), dị ứng thức ăn có tỷ lệ cao ở trẻ em, đặc biệt ở trẻ dưới ba tuổi với những dị nguyên thường hay gặp nhất là trứng gà, sữa bò, sữa đậu nành, các loại hạt và cá.
Nguyên nhân trẻ bị dị ứng là do hệ miễn dịch và đường ruột còn non yếu, tính thấm của niêm mạc đường tiêu hóa cao, nếu tiếp xúc với những thức ăn có tính dị nguyên cao trên cơ địa trẻ bị viêm da (atopy) thì dễ phát triển thành dị ứng. Tỷ lệ dị ứng ngày càng gia tăng trên thế giới đặc biệt ở trẻ nhỏ.
Nếu xác định trẻ có nguy cơ cao nên sử dụng các phương pháp phòng ngừa dị ứng sớm qua chế độ ăn. Theo đó cho trẻ bú mẹ hoàn toàn ít nhất sáu tháng, loại bỏ các dị nguyên thức ăn trong chế độ ăn của mẹ.
Trường hợp không có sữa mẹ nên sử dụng các công thức sữa giảm tính dị ứng với đạm thủy phân một phần, tránh sử dụng sữa bò. Không nên cho trẻ ăn dặm sớm trước sáu tháng tuổi.
Khi trẻ ăn dặm nên làm quen với các loại thức ăn từ từ, ăn một loại thức ăn mới mỗi tuần để theo dõi và tránh các loại thức ăn dễ gây dị ứng như: lòng trắng trứng, lạc, hải sản (tôm, cua, sò điệp khô và tươi). Những thức ăn này nên tập cho trẻ ăn sau 12 tháng tuổi.
Các biểu hiện dị ứng ở da là ban đỏ, viêm da, mày đay, chàm , đau bụng và rối loạn tiêu hóa là những triệu chứng thường xuất hiện trong các phản ứng dị ứng thức ăn. Một số trường hợp nặng, dị ứng thức ăn có thể gây kịch phát cơn hen phế quản hoặc gây sốc phản vệ, nguy cơ tử vong cao.
Theo thống kê, 40% trẻ có nguy cơ dị ứng thức ăn. Tỷ lệ này giảm dần theo tuổi và phụ thuộc vào sự thay đổi môi trường, thói quen ăn uống và cách sống của từng cộng đồng, cá thể.