Mỗi năm Việt Nam có 1,5 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu

Gia tăng khoảng cách giàu nghèo

TP - Báo cáo được Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố cuối tuần qua cho thấy, hiện nay 70% người dân Việt Nam đã “an toàn về mặt kinh tế”, trong đó có 13% thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới. Trung bình mỗi năm có 1,5 triệu người Việt Nam gia nhập vào tầng lớp trung lưu toàn cầu. Một mặt trái khác cũng được thể hiện rõ trong báo cáo: Khoảng cách giàu - nghèo đang ngày gia tăng.
Trung lưu Việt Nam giàu lên từ bất động sản được cho là không bền vững. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Giấc mơ tầng lớp trung lưu

Bản báo cáo “Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung tại Việt Nam” của WB đã đưa ra nhiều góc nhìn khác nhau về những diễn biến mới trong nền kinh tế Việt Nam.

Báo cáo cũng ghi nhận hiện nay 70% người dân Việt Nam đã được đảm bảo về mặt kinh tế, trong đó có 13% thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới. Điểm đáng mừng là các tầng lớp thu nhập này đang phát triển nhanh chóng, tăng hơn 20% trong giai đoạn 2010 - 2017. Tính từ năm 2014, trung bình mỗi năm có 1,5 triệu người Việt Nam gia nhập vào tầng lớp trung lưu toàn cầu, cho thấy các hộ gia đình đang tiếp tục leo lên bậc thang kinh tế cao hơn sau khi thoát nghèo. “Mặc dù mục tiêu giảm bất bình đẳng vẫn còn nhiều khó khăn, báo cáo ghi nhận số người dễ bị tái nghèo đã giảm xuống chỉ còn 2% trong giai đoạn 2014-2016. Ngược lại, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam cũng đã tăng thêm hơn 3 triệu người trong giai đoạn này”, báo cáo của WB nêu rõ.

Kết quả nghiên cứu của WB cũng cho thấy, trung bình, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam chi tiêu cho các mặt hàng phi lương thực (trừ hàng hoá lâu bền) nhiều hơn ba lần so với nhóm dễ bị tổn thương về kinh tế. Có 60% người lớn ở các hộ gia đình trung lưu có trình độ sau trung học phổ thông, gấp hai lần mức trung bình cả nước.

Bản báo cáo cũng cho thấy một chi tiết khá thú vị về những người thuộc tầng lớp trung lưu mới tại Việt Nam. Cụ thể, có tới 91% các hộ gia đình đã hoàn toàn thoát ra khỏi nông nghiệp đã trở nên an toàn về mặt kinh tế vào năm 2016, trong đó 1/3 trong số này được phân loại là tầng lớp trung lưu. Chỉ có 37% những người có một phần thu nhập của gia đình từ tiền công trong nông nghiệp có thể được coi là an toàn về mặt kinh tế.

“An toàn kinh tế dường như là dành cho dân số có trình độ học vấn cao hơn và chủ yếu là dân số thành thị. Tính vùng miền, người dân ở khu vực Đông Nam bộ dẫn đầu về an ninh kinh tế trong khi đó vùng Trung du và Miền núi phía Bắc không đạt”, báo cáo đánh giá. Nghiên cứu cũng cho thấy, trên toàn quốc, thu nhập từ kinh doanh hộ gia đình là khoản đóng góp quan trọng thứ hai đối với an ninh kinh tế, sau tăng trưởng
tiền lương.

Những con số về tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang gia tăng mạnh cũng khá phù hợp với những dự báo được Bộ KH&ĐT cùng WB trước đây đưa ra trong Báo cáo 2035 “Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ”. Theo đó, báo cáo này đưa ra dự báo đến năm 2035, kinh tế Việt Nam sẽ có quy mô gần 1.000 tỷ USD và trên nửa dân số dự kiến sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu khi thu nhập bình quân đầu người Việt Nam đạt gần 22.200 USD.

Thông tin Việt Nam ngày càng có nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu cũng đã được nhiều tổ chức quốc tế đưa ra trong thời gian gần đây. Một báo cáo nghiên cứu trước đây của HSBC cũng cho thấy, tầng lớp trung lưu của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á và có triển vọng tăng lên 33 triệu người vào năm 2020. Dự báo của hãng nghiên cứu tiêu dùng Nielsen cũng cho thấy, tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang nổi lên nhanh chóng và đến năm 2020 thì tầng lớp trung lưu sẽ tăng gấp ba lần so với hiện tại, đạt đến con số trên 30 triệu người, tức là gần bằng 1/3 dân số hiện nay.

“Việc tăng nhanh tầng lớp trung lưu sẽ tạo ra sức mua, đột phá tiêu dùng rất lớn trong tương lai, bởi đây là tầng lớp có tỷ lệ gia tăng về chi tiêu cao hơn so với các tầng lớp còn lại.  Trong 10 năm qua, chi tiêu hộ gia đình của người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu luôn phát triển nhanh nhất”, Nielsen nhận định.

Tuy nhiên, các báo cáo cũng cho thấy, vẫn còn khoảng cách khá xa về mức thu nhập bình quân đầu người của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam và các nước. Hiện mức thu nhập của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam chỉ bằng mức thu nhập bình quân của Hàn Quốc năm 2002 và Malaysia năm 2013.

Đào sâu khoảng cách giàu nghèo

Bên cạnh những điểm sáng về mặt kinh tế, báo cáo của WB cũng đưa ra một góc nhìn mới về tình trạng đói nghèo ở Việt Nam. Báo cáo cho hay, Việt Nam đã đạt được những thành công đáng kể nổi bật trong giảm nghèo thông qua kiểm soát bất bình đẳng. Đói nghèo ở Việt Nam tiếp tục giảm, các dân tộc thiểu số với tỷ lệ giảm mạnh tới 13%, mức giảm lớn nhất trong thập niên vừa qua.

Nghiên cứu cũng cho thấy, mặc dù tốc độ giảm nghèo rất nhanh, nhưng vẫn còn rất nhiều người nghèo ở Việt Nam. Con số này đã giảm từ khoảng 18 triệu người nghèo năm 2010 xuống khoảng 9 triệu vào năm 2016. 72% trong số đó là người dân tộc thiểu số, và phần lớn họ sống tại vùng cao. Điều đó có nghĩa là số người nghèo của Việt Nam vượt quá toàn bộ dân số của nước láng
giềng Lào.

Theo ông Obert Pimhidzai, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, người nghèo tại Việt Nam đang làm những công việc có năng suất lao động thấp. Họ không được tiếp cận cơ hội kinh tế đồng đều. Chỉ 7% người nghèo có trình độ sau phổ thông. Trong khi những việc tốt nhất ở Việt Nam yêu cầu được dạy nghề, học đại học. Điều kiện gia đình đã khiến họ không thể học lên đến cấp THPT. Những người học lên cao được là do gia đình chi trả cho việc đi học thêm. Những hộ nghèo không có cơ hội chi trả nên cơ hội thành công không nhiều.

Chuyên gia của WB khuyến nghị, chương trình giảm nghèo của Việt Nam nên tập trung nhiều hơn vào nâng cao năng suất lao động và đầu tư vào hạ tầng để duy trì việc làm và tăng lương mà không giảm khả năng cạnh tranh. Cùng đó là thực hiện cải cách giáo dục nhằm đảm bảo sự công bằng trong các cơ hội và phát triển kỹ năng của lực lượng lao động. Việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp thông qua thay đổi mô hình sử dụng đất nông nghiệp, tăng cường quyền sử dụng đất, và nâng cao kỹ năng cho nông dân nghèo cũng là việc sẽ cần làm mạnh hơn trong thời gian tới.

“Việt Nam hiện có hơn 84 triệu người không nghèo, trong đó có 64 triệu người an toàn về kinh tế, nhiều hơn tổng dân số của Thái Lan. Tỷ lệ người nghèo giảm đi nhờ số người an toàn về kinh tế tăng lên trong một  khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, vẫn còn lại rất nhiều người nghèo”. 

 Báo cáo của WB