May mắn tôi gặp được ông vào giữa trưa vì lịch dạy kèm dày đặc khiến ông ít có thời gian rảnh. Nhà của ông luôn khóa nên phải chờ. Giữa trưa nắng xứ dừa, bóng ông già khoan thai trên chiếc xe đạp điện.
Ông vừa trở về sau khi dạy kèm một học sinh lớp 9, và cũng vừa nuốt xong dĩa cơm bụi như một sinh viên đích thực. Ông cười: “Quen rồi, phải tranh thủ thời gian thì mới kịp khóa biểu được”.
Ông hiện đang dạy kèm cho 20 học sinh, chia làm ba lớp, ở cách nhà trên dưới 10 cây số nên lúc nào cũng tất bật. Đều đặn ngày hai buổi sáng chiều hoặc sáng tối ông đến các lớp tại nhà của học sinh để dạy kèm.
Mỗi lớp học, ông đều có giáo án riêng, với mỗi học sinh lại có phương pháp dạy phù hợp. “Mình phải soạn giáo án sao cho dễ tiếp thu” - Ông giáo già cho biết. Trên bàn tiếp khách của ông đầy sách tiếng Anh, từ điển to tướng. Ở tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn giữ được cái chất giọng đầy hào sảng. Ông đọc rành rọt từng loại sách đủ cỡ chữ không cần đeo kính.
Mỗi tháng ông thu của học trò khoảng 70.000 đồng cho tám buổi học. Ông không bỏ buổi nào nhưng học sinh vắng thì ông ghi chép cẩn thận để trừ vào tiền học phí.
Đến tháng đứa nào có thì đưa, gia đình khó khăn thì ông cho khất. “Dạy chữ là một chuyện, truyền cho bọn trẻ lòng nhân nghĩa mới là trọng” - Ông giáo già tâm sự.
Nhiều người được ông kèm cặp tiếng Anh từ vỡ lòng đến nâng cao nay đã trưởng thành, vẫn thường về thăm thầy. Vững nghiệp vụ, cần mẫn và mẫu mực, ông được nhiều học sinh, phụ huynh tin tưởng nên danh sách học sinh ngày một dài ra.
Truyền sự phấn đấu
Thu nhập từ nghề gia sư đủ cho ông sinh sống tùng tiệm. Ông tậu được chiếc xe đạp điện để làm phương tiện. Có tám người con đều đã đi làm, người khá giả, người đủ ăn, nhưng ông vẫn sống tự lập. “Mình còn tri thức, còn sức khỏe thì vẫn tự lập được. Ngần này tuổi đi dạy cũng là mong cho con cháu biết quý trọng tri thức, biết sống tự lập” - Ông bộc bạch.
Ông Trần Ngọc Anh đậu tú tài trước năm 1954. Năm 1945, ông đi học lớp cán bộ tuyên huấn Tỉnh ủy Bến Tre, sau đó tham gia kháng chiến đến năm 1954.
Do có vợ và hai con nhỏ nên ông không tập kết ra Bắc mà ở lại quê nhà và năm 1955 ông bắt đầu đi dạy học. Ông là cán bộ cách mạng hoạt động bí mật nhưng được dạy học công khai. Năm 1969, ông đậu vào Đại học Văn khoa Sài Gòn. Tốt nghiệp, ông đi dạy môn văn cấp 3, nghỉ hưu năm 65 tuổi.
Năm 1995, vợ mất, ông trở lại nghề dạy học tại gia môn tiếng Anh. Con cái khuyên ông ở nhà nhưng không được. Ông tâm sự: “Ngần này tuổi, tôi còn đi dạy cũng cốt để bọn trẻ biết phấn đấu, tự lực và biết quí nghề sư phạm”.