Giá lợn hơi tăng đột biến: Mừng trước lo sau

TP - Sau thời gian dài nằm im nhìn nhiều mặt hàng xung quanh tăng giá, chỉ trong vòng hai tuần trở lại đây, giá thịt lợn đột ngột tăng mạnh. Theo các chuyên gia, nguyên nhân giá thịt lợn tăng chủ yếu do ảnh hưởng từ thị trường Trung Quốc đang tích cực thu mua lợn hơi. Cần kiểm soát nguồn cung tránh gây áp lực tới lạm phát cuối năm.

Tăng 10.000 đến 15.000 đồng/kg trong hai tuần qua

Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, giá lợn hơi ngày 20/7 tiếp tục biến động tại một số địa phương. Tại miền Bắc, giá lợn hơi được thu mua trong khoảng 71.000 - 75.000 đồng/kg (tăng 5.000-9.000 đồng/kg so với tuần trước). Ở khu vực miền Trung -Tây Nguyên, giá lợn hơi tiếp tục tăng tại một số nơi, dao động trong khoảng 64.000 - 70.000 đồng/kg. Còn tại miền Nam, giá lợn hơi tăng thêm 4000 -5.000 đồng/kg, dao động từ 63.000 - 69.000 đồng/kg.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), trong 6 tháng đầu năm, giá lợn hơi duy trì ở mức từ 55.000-59.000 đồng/kg trong suốt thời gian dài. Chỉ trong khoảng 2 tuần trở lại đây, giá lợn hơi đột ngột tăng mạnh, tới hơn 10.000- 15.000 đồng/kg.

Khảo sát của phóng viên Tiền Phong tại một số chợ dân sinh và siêu thị trên địa bàn Hà Nội mấy ngày qua cho thấy, giá thịt lợn thành phẩm đang tăng “mỗi ngày một giá”. Chị Nguyễn Phương Nga (43 tuổi), tiểu thương tại chợ Phùng Khoang (quận Hà Đông, TP Hà Nội) cho biết, đầu tháng 7, giá thịt vai khoảng 90.000 đồng/kg, nay đã tăng lên 120.000 đồng/kg. Thịt ba chỉ tăng từ 110.000-120.000 đồng/kg lên mức 145.000-150.000 đồng/kg. Còn thịt sấn mông chỉ trong vòng một tuần đã tăng 35.000 đồng/kg lên thành 140.000 đồng/kg.

Tại siêu thị TopsMarket, Lotte Mart…giá thịt lợn nạc thăn đang được bán 135.000 đồng/kg, thịt nạc vai có giá 145.000 đồng/kg, thịt lợn ba rọi có giá 185.000 đồng/kg (tăng 45.000 đồng/kg so với dịp đầu tháng). Trong khi đó, giá thịt lợn mảnh và thịt lợn pha lóc của hệ thống Porkshop (Công ty chăn nuôi C.P Việt Nam) vừa được điều chỉnh tăng thêm từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Trong bối cảnh giá lợn hơi tăng trở lại, giá thịt lợn thành phẩm cũng tăng theo

Lý giải về giá thịt lợn tăng đột biến trong khoảng 2 tuần trở lại đây, ông Tống Văn Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết do nhu cầu tiêu thụ trong nước đã tăng trở lại sau khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch COVID-19. Lượng thịt lợn tiêu thụ tại các bếp ăn, nhà hàng, khách sạn phục vụ hoạt động du lịch thực tế tăng nhanh.

Theo đại diện Cục Chăn nuôi, vấn đề thiếu nguồn cung chỉ diễn ra tại một số thời điểm, bởi tính đến tháng 6, tổng đàn lợn cả nước ước tính tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng khoảng 2,12 triệu tấn, cũng tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước.

“Với nguồn cung và tình hình phát triển đàn hiện tại, hoàn toàn có thể đáp ứng được được nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, do giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh nên giá bán lợn hơi cũng điều chỉnh theo”, ông Chinh cho hay.

Không dùng biện pháp cơ học để can thiệp thị trường

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, dù nhu cầu tiêu thụ của người dân có tác động đến giá lợn hơi nhưng không phải yếu tố chính đẩy giá thịt lợn tăng đột biến trong nửa tháng trở lại đây vì từ đầu năm các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân đã diễn ra bình thường, nhu cầu tiêu thụ hiện cũng không có biến động nhiều.

Theo ông Đoán, nguyên nhân chính đẩy giá thịt lợn hơi tăng mạnh là do Trung Quốc đang tích cực thu mua thịt lợn để dự trữ cho cuối năm. “Đầu tháng 7, giá lợn hơi của Trung Quốc tương đương Việt Nam, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, giá lợn hơi nước này đã nhảy vọt lên tới 90.000 đồng/kg, kéo theo giá thịt lợn trong nước tăng mạnh. Hiện, giá lợn hơi ở các tỉnh phía Bắc cao hơn các tỉnh phía Nam nhiều là do các thương lái tranh thủ giá cao xuất bán sang nước bạn”, ông Đoán nói.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng,giá lợn hơi tăng mạnh trở lại nhưng khó sốt cao, bởi nếu Trung Quốc giảm thu mua, giá lợn sẽ quay đầu. “Trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và dịch tả lợn châu Phi, nhiều hộ chăn nuôi phải giảm đàn, bỏ nghề do thua lỗ. Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, việc giá lợn hơi tăng là tín hiệu tích cực giúp người chăn nuôi quay trở lại tái đàn, giảm bớt áp lực.

Trong bối cảnh này, cơ quan chức năng không nên dùng biện pháp cơ học để dừng xuất khẩu, mà để thị trường điều chỉnh. Các bộ, ngành cần theo dõi chặt chẽ nguồn cung, điều hành linh hoạt và dự báo cung cầu sát với thực tế bởi so với các mặt hàng khác, giá lợn đang trở lại mức bình thường như trước đây, ông Đoán nói.

Đảm bảo nguồn cung, tránh ảnh hưởng lạm phát

TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, từ nay đến cuối năm áp lực lạm phát ở Việt Nam còn rất lớn do giá lương thực, thực phẩm đang có xu hướng tăng cao.

Theo ông Lâm, khác với các nước khác, chi tiêu cho lương thực và thực phẩm ở Việt Nam khá cao, lên tới 27,68%. Khi giá lương thực, thực phẩm tăng 10% sẽ tác động trực tiếp làm CPI tăng tới 2,77%. Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam chủ động được nguồn cung lương thực, thực phẩm nên hạn chế được tốc độ tăng giá của mặt hàng này.

Tuy nhiên, hiện giá thịt lợn có xu hướng tăng trở lại. Trong khi mặt hàng thịt lợn chiếm tỉ trọng 3,39% nên có tác động khá lớn tới lạm phát. Do đó, theo ông Lâm các bộ, ngành, địa phương cần đảm bảo nguồn cung, nhất là giai đoạn cuối năm, tăng cường kiểm soát các khâu trung gian và lưu thông trên thị trường.