Chiều 24/11, trong cơn mưa nặng hạt, nhiều người tìm đến tiễn biệt ông Võ Tấn Thành - Đội trưởng SBC nổi tiếng một thời - tại nhà riêng của ông trên đường Tân Thọ (phường 8, quận Tân Bình, TP HCM). Trong khói hương trầm mặc, nhiều cái bắt tay cảm thông, chia sẻ được gửi tới gia đình ông Thành từ những đồng chí, đồng đội và cả những cán bộ công tác trong ngành tòa án, nơi ông làm việc trước khi về hưu.
Trước tình hình an ninh trật tự phức tạp của TP.HCM năm 1978, lãnh đạo Công an thành phố đã lên phương án thành lập ra một lực lượng chống cướp giật tinh nhuệ. Tháng 3/1978, 5 đội săn bắt cướp (gọi tắt là SBC) thuộc phòng Cảnh sát hình sự thành phố và Công an quận 1 được thành lập gồm 72 cán bộ chiến sĩ được tuyển lựa kỹ càng. Hai tháng sau đó, có thêm Đội SBC thuộc Công an quận 5 cùng với phương châm hoạt động là "bí mật, cơ động, chủ động phòng ngừa, liên tục tấn công". Thiếu tướng Trịnh Thanh Thiệp, là người đứng ra tổ chức tuyển chọn những trinh sát tuổi đời không quá 30 vào đội SBC thuộc phòng Cảnh sát Hình sự Công an thành phố.
Những chiến công của lực lượng SBC đã khiến cho người dân tin yêu gọi họ với biệt danh "Đại bàng trên đường phố".
Ông Thành sinh năm 1938 tại xã Lộc Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Năm 11 tuổi, ông đã ném lựu đạn xuống tàu giặc Pháp trên sông Cửa Đại và 3 năm sau thì tham gia lực lượng du kích.
Năm 1954, ông Thành vào bộ đội, thuộc Tiểu đoàn 307 và tập kết ra Bắc vào cuối năm đó. Sau 6 năm rèn luyện trong quân đội, năm 1960, ông được kết nạp Đảng rồi vào Trường Công an Trung ương.
Đầu năm 1975, ông Thành làm phó đoàn công tác đặc biệt gồm 100 cán bộ chiến sĩ vào Nam. Hai ngày sau khi Sài Gòn giải phóng, ông Thành được cử giữ chức Đội trưởng Đội Chấp pháp đầu tiên của Phòng Cảnh sát hình sự. Khi thành lập Đội SBC, ông cũng được vinh dự giữ chức đội trưởng đầu tiên.
Quá trình công tác, tên tuổi đại úy Hai Thành gắn liền với nhiều vụ án chấn động như vụ bắt cóc con nghệ sĩ Kim Cương; vợ chồng nghệ sỹ Thanh Nga bị sát hại; vụ thảm sát tại nhà Quận chúa Mộng Hoa; giải cứu 11 em bé bị bắt cóc bán lên vùng rừng núi Lâm Đồng; phá nhiều băng cướp có súng như Võ Tùng Hội, Phú “Salem”; truy bắt tên cướp khét tiếng Điềm Khắc Kim…
Sau này, ông Thành về làm Đội trưởng Cảnh sát hình sự Công an quận Tân Bình rồi chuyển sang làm Chánh án TAND quận Tân Bình trước khi về hưu.
Những năm tháng cuối đời, ông sống cùng vợ tại nhà riêng ở đường Tân Thọ (phường 8, quận Tân Bình). Do mắc phải căn bệnh ung thư máu, ông nằm điều trị tại bệnh viện Thống Nhất và qua đời vào 16h45 ngày 23/11.
Có mặt từ chiều qua, khi hay tin ông Hai Thành (tên gọi thân thương mà đồng chí, đồng đội hay gọi) trút hơi thở cuối cùng, Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự quận Tân Phú, Phan Thành Bút, nói: "Chú Hai là một chỉ huy, một người công an nhân dân gương mẫu".
Từng công tác nhiều năm trong ngành công an ở thời điểm trước năm 1990, ông Bút nói cảm thấy vinh dự vì được làm chung nhiều nhiệm vụ với ông Hai Thành. Trong nhiều chuyên án, ông Thành đã thể hiện nghiệp vụ tài tình, khả năng đánh án nhanh nhạy, chính xác, hiệu quả.
"Sau này, khi chuyển sang công tác ở ngành tòa án, tôi vẫn được chú Hai Thành thường xuyên động viên, nhắc nhở. Nói đến chú, không phải riêng tôi mà rất nhiều đồng chí, đồng đội đều quí mến, kính nể. Chú đối xử với mọi người thân thương, độ lượng như một người thầy”, ông Bút trầm ngâm, nói.
Nhắc về cha, anh Võ Tấn Công (con trai lớn của ông Thành) cho biết, ký ức tuổi thơ của anh về cha là những năm tháng với các chuyến công tác dài ngày cho các chuyên án lớn. Tuy nhiên, thành tích phá những vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng của cha và các đồng đội là khoảng thời gian anh Công và 3 người em luôn cảm thấy tự hào.