Ghế HLV tuyển Việt Nam: đồng tiền xương máu

Thời thầy ngoại được sùng mộ, làm ông chủ ở đội tuyển Việt Nam, một lý do khiến các HLV nội luôn lắc đầu nguây nguẩy mỗi khi được dạm hỏi cho vai chính: “Lương trên tuyển thấp quá”.
Phan Thanh Hùng và Lê Huỳnh Đức là hai ứng viên cho vị trí HLV tuyển VN.

Bản danh sách phù phép

Thật ra thì VFF có quyền không cần vội vã. Bởi ngay cả khung sườn kế hoạch của tuyển Việt Nam, giai đoạn nước rút và quan trọng nhất chính là 3 tháng cuối năm 2012 khi tuyển Việt Nam dồn hết tâm sức chinh phục AFF Cup 2012. Chiến dịch của đội U22 Việt Nam dự vòng loại U22 châu Á vào tháng 6 tới đã có sẵn phương án, với HLV Mai Đức Chung là người lèo lái con thuyền.

Chậm ngày nào thì đồng nghĩa… tiết kiệm được rất nhiều tiền, bởi như VFF tuyên bố, họ sẵn sàng chi cho HLV trưởng tương lai 200 triệu đồng/tháng. Hơn thế nữa, trong số các điều kiện ưu đãi của VFF cho thầy nội, VFF bật đèn xanh cho HLV tương lai được kiêm nhiệm, vừa gồng gánh tuyển Việt Nam, vừa tiếp tục cầm quân ở CLB.

Chính vì vậy, VFF chọn và bổ nhiệm người lèo lái tuyển Việt Nam vào tháng 4 này hay để sau khi V-League 2012 hạ màn (cuối tháng 8), chuyện ấy cũng không quá quan trọng. Nhất cử lưỡng tiện ở chỗ, với việc dùng thầy nội, VFF chẳng còn lo việc tốn thời gian hòa nhập, tìm hiểu và săn tìm cầu thủ. Với số vốn cầu thủ hiện tại, một HLV làm việc tại V-League rồi lên cầm quân ở đội tuyển, nhắm mắt nhẩm tính đã có thể lập ra bộ khung của tuyển Việt Nam.

Nói vậy để thấy, việc VFF nhờ Hội đồng HLV quốc gia lập ra bản danh sách ứng cử viên cho chiếc ghế HLV trưởng tuyển Việt Nam dường như chỉ là chiếu lệ. Bởi nếu cần, VFF hoàn toàn có thể chủ động, ướm ra ứng cử viên ưng ý và mặn mà nhất, thông qua Hội đồng HLV quốc gia tư vấn rồi quyết định, thay vì phải kiểm bài, sàng lọc như khi lựa chọn thầy ngoại. Cho nên, danh sách 4 hay 7 ứng cử viên mà Chủ tịch Hội đồng HLV quốc Nguyễn Sỹ Hiển nhắc đến, đấy chỉ là giấy tờ chiếu lệ.

Thực chất việc mở rộng từ 4 cái tên là Nguyễn Hữu Thắng, Lê Huỳnh Đức, Phan Thanh Hùng, Mai Đức Chung thành 7 ứng cử viên, với sự bổ sung Lê Thụy Hải, Lư Đình Tuấn và Đặng Trần Chỉnh chỉ giống như một trò phù phép.

Ông Lê Thụy Hải có thể đắt giá, hấp dẫn tại V-League, nhưng một HLV trưởng đội tuyển Việt Nam thì ngoài chuyên môn, trình độ, thật khó chấp vị thuyền trưởng có phong cách quá “bụi”. Hoặc như Tuấn “nhím” hay Đặng Trần Chỉnh, chưa bao giờ họ được đánh giá quá cao trong giới cầm quân. Vì vậy, thêm 3 hay… vài cái tên nữa, mọi thứ cũng chẳng khác gì quân xanh, chạy chỗ chiến thuật.

Hậu hĩnh đấy, xin mời vô!

Lương 200 triệu đồng/tháng, tương đương cỡ 10.000 USD/tháng, là con số rất hấp dẫn. VFF tin rằng, mức lương ấy sẽ khơi dậy cho các ông thầy nội sự dũng cảm, quyết tâm để nhảy vào chiếc ghế nóng. Nó như một sự bù đắp cho chu kỳ dài đến hơn 1 thập kỷ, các HLV nội khi được dạm hỏi cho chiếc ghế nóng, đều lắc đầu nguây nguẩy: “Lương trên tuyển thấp quá”.

Vấn đề ở chỗ: tại sao với mức lương hấp dẫn mà VFF đưa ra, ông chủ mới của tuyển Việt Nam chưa xuất hiện? Nói cho cùng, mấu chốt quyết định vẫn là ông chủ của VFF chưa máu. Có thể VFF còn đang lo cho chính họ, khi việc kiện toàn tổ chức hay nhân sự của VFF mới chỉ ở bước đệm sau cuộc khủng hoảng. VFF còn bận rộn “tề gia”, bởi “đứa con ngỗ nghịch” VPF đã khiến họ rối bời và cả sức ép và việc chịu trách nhiệm cho việc lèo lái giải đấu quốc nội đi đúng luồng lạch.

Đối với cái ghế HLV trưởng, việc VFF đưa ra tiêu chí mức lương, cơ chế hoạt động linh hoạt cách nay 1 tháng cũng chẳng khác gì một cách dẹp yên dư luận. Bởi sau khi HLV Falko Goetz bị sa thải, dư luận đã sôi sục lên luồng ý kiến muốn đưa thầy nội thử sức. VFF trong hoàn cảnh rối bời bởi những tranh cãi cùng VPF, sự phê phán quanh việc nói giữ rồi sa thải Falko Goetz cũng cần một bước đệm để tạo ra sự thảnh thơi.

Lương 200 triệu đồng/tháng quá hấp dẫn và xin mời. VFF đang muốn kéo dài thời gian và thời gian cũng ủng hộ họ nên không có gì phải vội vã. Thế mới có chuyện, tất cả những ứng cử viên được nêu tên đều quả quyết, họ chưa nhận được bất cứ lời dạm hỏi chính thức nào của VFF để ngồi vào ghế HLV trưởng. VFF không mời thì HLV nào dám đắn đo, suy nghĩ và… mơ tưởng. Trong khi đó, cũng không loại trừ khả năng VFF lật kèo, vì đưa ra tiêu chí thuê thầy nội chứ chưa có cái gì bắt buộc VFF phải nhất quyết dựng lên một ông thầy nội, thay vì đột xuất dùng lại thầy ngoại cho chiếc ghế nóng khi mà điều kiện dùng HLV bản địa chưa chín muồi.

Lương cao, hấp dẫn, nhưng cứ như… treo cột mỡ!

Theo Sài Gòn Giải Phóng
Theo Đăng lại